Bình luận

Đất đấu giá cao “đột biến” và nghi vấn “đầu cơ, thổi giá”

Nguyễn Giang 21/08/2024 18:00

Trước việc đấu giá đất ở ngoại thành Hà Nội với giá cao “đột biến”, chuyên gia lo ngại đây là một trong những cách làm giá, tạo sốt ảo để thu lợi bất chính…

dat-dau-gia-cao-dot-bien-va-nghi-van-dau-co-thoi-gia-1.jpeg
Một phiên đấu giá "xuyên đêm" đã gây xôn xao thị trường bất động sản.

Theo đó, ngày 19/8/2024, một phiên đấu giá "xuyên đêm" tại khu Lòng Khúc, xã Tiền Yên, Hoài Đức đã gây xôn xao thị trường bất động sản. Cụ thể, dù chỉ có 19 lô đất được đem ra đấu giá nhưng có đến hơn 1.500 hồ sơ đăng ký với hơn 500 người tham gia.

Phiên đấu giá này phải kéo dài từ ngày 19/8 đến 4h30 phút sáng ngày 20/8 mới kết thúc. Trong đó, lô cao nhất vực với giá 133,3 triệu đồng/m2. Còn có 11 lô khác cũng được thiết lập mức giá trên 100 triệu đồng/m2. Các mức giá này vẫn cao gấp 12,5 lần giá khởi điểm.

Trước đó, phiên đấu giá 68 thửa đất tại Thanh Oai diễn ra vào ngày 10/8/2024 cũng ghi nhận giá cao nhất là hơn 100 triệu đồng/m2, chênh với giá khởi điểm là 88 triệu đồng/m2. Giá trúng thấp nhất là 51,6 triệu đồng/m2. Theo giới bất động sản, nếu so với mặt bằng giá rao bán phổ biến ở Thanh Oai là 27 triệu đồng/m2 thì phiên đấu giá như vậy cũng đã cao "đột biến", hơn gấp 2,3 đến 3,7 lần so với giá thực tế.

Cũng chỉ cách cuộc đấu giá này hơn một tháng, ngày 28/7, huyện Đan Phượng đã tổ chức đấu giá 85 lô đất ở các xã Đan Phượng, Hạ Mỗ và Phương Đình. Phiên đấu giá này có tới 1.252 bộ hồ nộp tham gia đấu giá. Kết quả có lô đất tại xã Hạ Mỗ được trả giá lên 99,2 triệu đồng/m2. Mức giá này khiến nhiều người bất ngờ vì quá cao với thực tế.

Đáng chú ý, tại các phiên đấu giá trên, nhiều hội, nhóm môi giới bất động sản cũng có mặt, thậm chí còn bật chế độ phát video trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội để tường thuật không khí xung quanh khu vực đấu giá. Nhận định về một số cuộc đấu giá này, giới chuyên gia bày tỏ lo ngại đây có thể là một trong những cách làm giá để tạo sốt ảo nhằm thu lợi bất chính.

Thực tế đã có những bài học trong quá khứ, nhiều phiên đấu giá trả giá cao bất thường nhưng cuối cùng người trúng đã nhanh chóng bỏ cọc. Theo lý giải của các chuyên gia, người tham gia chủ yếu là nhóm nhà đầu tư chuyên nghiệp, người địa phương chiếm thiểu số, rủi ro luôn thuộc về người mua cuối sau quá trình chuyền tay.

dat-dau-gia-cao-dot-bien-va-nghi-van-dau-co-thoi-gia-2.jpg
Các lô đất đấu giá tại khu Ngõ Ba, xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai (Hà Nội).

Trao đổi với báo chí về nội dung này, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế đặt nghi vấn về việc “đầu cơ, thổi giá”. Ông Thịnh quan ngại rằng điều này sẽ có ảnh hưởng tiêu cực, làm chậm quá trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Giải thích rõ hơn về nhận định này, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, cơ sở hạ tầng, đường xá tại khu vực đấu giá 68 thửa đất (xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai) không có gì đặc biệt nổi trội, xung quanh là "đồng không mông quạnh" nhưng giá đất cao “đột biến” tới trăm triệu đồng/m2 là bất thường.

"Nhìn qua phiên đấu giá này, có thể một số nhà đầu cơ đã có sự thổi giá, đẩy giá để làm cho mặt bằng giá của khu vực Thanh Oai lên cao. Mà khi mức giá mặt bằng chung đã lên thì những người đầu cơ đang nắm giữ 5-7 miếng hoặc hàng chục miếng đất ở những khu vực đẹp hơn, có hạ tầng đầy đủ hơn tất nhiên sẽ được lợi. Do đó, cơ quan chức năng cần phải có những biện pháp thiết thực để ngăn chặn tình trạng tình trạng này.", vị chuyên gia chia sẻ.

Liên quan đến “làn sóng” giá đất nền tăng cao kỷ lục ở một số huyện ngoại thành trong thời gian qua, thông tin với báo chí, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết đang phối hợp với cơ quan công an thu thập, xác minh nghi vấn có nhóm đối tượng kích sóng đất nền thông qua các phiên đấu giá đất.

Thông tin từ cơ quan này cho biết, việc đấu giá đất do cấp địa phương tự tổ chức, nhưng vẫn cử cán bộ theo dõi các phiên đấu giá đất vùng ven ở các huyện Đan Phượng, Thanh Oai và Hoài Đức. Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng ghi nhận tình trạng một số lô đất được trả giá cao vọt lên gấp nhiều lần trong các phiên đấu giá đất. Thực tế giá trúng đấu giá đất các huyện vùng ven Hà Nội liên tục đội lên, phiên sau luôn cao hơn trước. Điều này sẽ có những tác động tiêu cực, bất ổn thị trường, tiềm ẩn nhiều hệ luỵ.

Nguyễn Giang