Lâm Đồng đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ
Tỉnh Lâm Đồng đã triển khai nhiều giải pháp, huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển, đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, tăng tính kết nối nội tỉnh, liên vùng, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Lâm Đồng đã đề ra những chính sách và dành nguồn lực lớn để tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông.
Nâng cấp, mở rộng hạ tầng giao thông
Thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng luôn xác định phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là trọng tâm, trọng điểm, khâu đột phá, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh. Các tuyến quốc lộ được quan tâm kiến nghị để nâng cấp, bảo trì; các tuyến tỉnh lộ kết nối với các tỉnh, thành lân cận đã được quan tâm đầu tư nâng cấp, cải tạo, mở rộng. Một số dự án trọng điểm đã được triển khai như: Cải tạo nâng cấp đoạn tuyến qua đèo Mimosa nhằm cải thiện chất lượng và tăng cường an toàn giao thông; cải tạo và nâng cấp một số công trình trên Quốc lộ 20; nâng cấp mở rộng đèo Prenn; xây dựng đường ĐT.722...
Bên cạnh đó, tỉnh Lâm Đồng cũng tăng cường đầu tư vào việc xây dựng và phát triển hệ thống giao thông nông thôn, giao thông công cộng nội tỉnh. Nhiều tuyến đường vành đai kết nối đô thị, hoá giải tình trạng tắc nghẽn giao thông cục bộ, đồng thời mở thêm cơ hội kết nối giữa các khu dân cư ở các thành phố lớn của tỉnh cũng được quan tâm đầu tư. Có thể thấy rõ rằng, các trục đường hiện nay ở Bảo Lộc, Đà Lạt và các địa phương khác khá đa dạng, tăng tính kết nối và đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân di chuyển, thông thương.
Một điểm nhấn ấn tượng là sự thay đổi đáng kể của hệ thống đường phố ở TP Đà Lạt. Các tuyến đường trung tâm như Phan Đình Phùng, Trần Phú, Trần Quốc Toản (ven hồ Xuân Hương), Hoàng Văn Thụ, Quang Trung, Phan Chu Trinh, Nguyễn Du... đã được đầu tư mở rộng và cải tạo. Thành phố đã trở nên mới mẻ, khang trang và hiện đại với những con đường rộng rãi và thông thoáng hơn.
Ngoài đường bộ, Lâm Đồng cũng đang tập trung vào phát triển hạ tầng vận tải đường sắt và hàng không. Từ năm 2022, tỉnh đã thúc đẩy triển khai dự án xây dựng đường sắt để mở thêm cơ hội vận chuyển hàng hóa và du khách nhanh chóng và tiện lợi hơn. Đồng thời, sân bay Liên Khương cũng đã và đang được tiếp tục nâng cấp và mở rộng để đáp ứng nhu cầu phục vụ du lịch và giao thương quốc tế, xây dựng Cảng hàng không Liên Khương trở thành cảng hàng không quốc tế.
Với hệ thống giao thông ngày càng hiện đại và tiện ích, việc kết nối giữa các huyện, thành trong nội tỉnh Lâm Đồng với các tỉnh, thành khác trong cả nước đã trở nên dễ dàng hơn, thu hút đầu tư và khách du lịch, tạo đà cho sự phát triển bền vững và đa dạng hóa nền kinh tế của tỉnh.
Tiếp tục đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông
Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 1727/QĐ-TTg ngày 29/12/2023) đã nhấn mạnh đến việc phát triển hệ thống giao thông của tỉnh. Mục tiêu hướng đến là đầu tư xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ, liên hoàn và kết nối với hệ thống giao thông quốc gia, vùng và nội tỉnh, tạo thành một mạng lưới giao thông thông suốt, hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội toàn diện của tỉnh, đồng thời đảm bảo phù hợp với chiến lược phát triển của cả nước và vùng Tây Nguyên, thống nhất với hệ thống quy hoạch quốc gia.
Theo đó, tỉnh Lâm Đồng sẽ phát triển mạng lưới đường cao tốc, quốc lộ trên địa bàn tỉnh theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01 tháng 9 năm 2021, gồm: xây dựng 3 tuyến cao tốc, bao gồm cao tốc Nha Trang - Liên Khương, cao tốc Liên Khương - Buôn Ma Thuột, và cao tốc Dầu Giây - Liên Khương. Ngoài ra, tỉnh cũng đặt kế hoạch phát triển 8 tuyến quốc lộ và 19 tuyến đường tỉnh, tạo nên một mạng lưới giao thông đồng bộ và tiện lợi, ưu tiên đạt tiêu chuẩn cấp IV miền núi.
Đối với các tuyến đường tỉnh hiện hữu, như ĐT.721, ĐT.722, ĐT.724, ĐT.725 và ĐT.726, tỉnh Lâm Đồng sẽ tiến hành nâng cấp, mở rộng và cải thiện chất lượng để đảm bảo khả năng vận chuyển hàng hóa và người dân trong khu vực. Ngoài ra, tỉnh cũng đưa ra các giải pháp nhằm tăng cường an toàn giao thông, bảo đảm tính thông suốt và hiệu quả của hệ thống giao thông.
Bên cạnh đó, Lâm Đồng cũng tập trung vào phát triển giao thông đường sắt và đường hàng không. Cụ thể, tỉnh đề xuất xây dựng tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021; đồng thời, phát triển đường sắt đô thị đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và du khách. Đối với giao thông hàng không, quy hoạch đề ra mục tiêu phát triển sân bay Liên Khương thành sân bay quốc tế, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và người dân trong và ngoài nước.
Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, với việc đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, sẽ tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân địa phương, đưa Lâm Đồng trở thành điểm đáng đến, đáng sống, khẳng định vị thế và vai trò của tỉnh Lâm Đồng đối với vùng Tây Nguyên và cả nước.