Sửa Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật: Phải phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế
Góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật (Dự thảo), nhiều ý kiến cho rằng, việc sửa đổi Luật phải phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế nhằm giảm thiểu tốn kém về kinh phí và áp dụng hiệu quả trong thực tế.
Dự thảo do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì soạn thảo đang được lấy ý kiến góp ý rộng rãi.
Cần thiết ban hành
Qua thực tiễn hơn 17 năm thi hành, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật đã đưa hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được nâng cao, phù hợp với quy định của WTO và thông lệ quốc tế, góp phần thúc đẩy nâng cao năng suất chất lượng, năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa chủ lực của Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, Luật hiện hành đã bộc lộ một số hạn chế trong thực tiễn thi hành như chưa có các quy định nghĩa vụ minh bạch hoá liên quan đến xây dựng, công bố, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; chưa phát huy tính chủ động, tích cực của Việt Nam tham giao vào hoạt động tiêu chuẩn quốc tế...
Để thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, trước yêu cầu mới của thực tiễn, hội nhập quốc tế và nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong quá trình thi hành Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật trên cơ sở phát huy ưu điểm và khắc phục các hạn chế của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật là rất cần thiết.
Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Dự thảo vẫn giữ nguyên quy định tại Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật năm 2006. Dự thảo gồm có 04 điều. Sau khi sửa đổi, bổ sung, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật có 06 chương và 66 điều (giảm 01 chương và giảm 05 điều so với Luật hiện hành).
Phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế
Đánh giá việc sửa đổi Luật là cần thiết, song góp ý hoàn thiện Dự thảo, nhiều ý kiến phản ánh, Dự thảo vẫn còn một số điểm bất cập, chưa rõ ràng, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc nghiên cứu, xem xét thêm.
Nêu quan điểm về vấn đề này, đại diện Công ty Canon Việt Nam cho biết, đối với hàng hóa lưu thông trên thị trường nội địa, việc áp dụng quy chuẩn kỹ thuật là cần thiết để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, đối với hàng hóa xuất khẩu thì việc áp dụng các tiêu chuẩn của nội địa là không phù hợp, bởi vì doanh nghiệp phải lựa chọn áp dụng quy chuẩn phù hợp với yêu cầu của nước nhập khẩu để có thể đảm bảo chất lượng và an toàn theo quy định của nước nhập khẩu.
“Mặt khác, việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế vào sản phẩm xuất khẩu còn giúp nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa của Việt Nam. Đơn cử như Tiêu chuẩn ISO 22000 về hệ thống quản lý an toàn thực phẩm. Khi so sánh với một số tiêu chuẩn tại Việt Nam thì Tiêu chuẩn ISO 22000 có phạm vi áp dụng rộng hơn, yêu cầu về hệ thống quản lý chi tiết hơn và được cập nhật thường xuyên hơn. ISO 22000 là tiêu chuẩn quốc tế được công nhận rộng rãi, giúp các sản phẩm đạt tiêu chuẩn này dễ tiếp cận thị trường quốc tế”, đại diện này chia sẻ.
Với những phân tích trên, đại diện Công ty Canon kiến nghị, cơ quan soạn thảo nên cân nhắc, xem xét sửa khoản 1 Điều 38 của Dự thảo quy định về nguyên tắc, phương thức áp dụng quy chuẩn kỹ thuật theo hướng “Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được áp dụng bắt buộc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm lưu thông, phân phối trên thị trường Việt Nam và những sản phẩm nhập khẩu để lưu thông, phân phối trên thị trường Việt Nam nhưng chưa đạt tiêu chuẩn kỹ thuật của các nước tiên tiến hơn Việt Nam”.
Đồng quan điểm, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khẳng định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có ý nghĩa rất quan trọng trong việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế phục vụ cho nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn
và Quy chuẩn kỹ thuật phải góp phần nâng cao sức cạnh tranh, tham gia vào hội nhập kinh tế, tham gia vào các Hiệp định FTA.
Tuy nhiên, ông Thanh cho biết, hiện nay, nhiều doanh nghiệp có phản ánh một số tiêu chuẩn chuẩn kỹ thuật Việt Nam vẫn còn có những quy định thiếu thống nhất dẫn đến việc triển khai còn vướng mắc nhất định.
“Do đó, Ban soạn thảo Dự án Luật cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét bất cập này để có những sửa đổi kịp thời. Ngoài ra, khi việc xây dựng các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam cũng phải phù hợp và dựa theo tiêu chuẩn quốc tế, tránh việc xây dựng tốn kém về kinh phí và không thể áp dụng hiệu quả. Vì nhiều hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang các nước khác cũng phải tuân theo quy chuẩn, quy định của nước đó đề ra”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị.