Chuyển đổi xanh gia tăng lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp
Hành động bảo vệ môi trường, chuyển đổi xanh dần trở nên quan trọng trong hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và gia tăng lợi thế cạnh tranh thông qua các sản phẩm có chuyển đổi.
Chiều ngày 22/8, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với USAID tại Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn Hiệp hội doanh nghiệp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hướng tới nền kinh tế xanh và phát triển bền vững khu vực duyên hải miền Trung tại tỉnh Bình Định. Sự kiện nhằm cung cấp thông tin đầu vào hỗ trợ địa phương, các Hiệp hội doanh nghiệp nhằm thúc đẩy tạo lập môi trường kinh doanh hướng tới phát triển xanh và bền vững.
Thông tin khai mạc, ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng thư ký VCCI, Giám đốc dự án PGI cho rằng chuyển đổi xanh dần có vai trò quan trọng trong các hoạt động sản xuất, gia tăng lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Theo ông Tuấn, cách triển khai của các địa phương cũng đóng phần quan trọng trong vấn đề này.
Nói về bối cảnh thực tế, hành động bảo vệ môi trường đang dần được chú trọng hơn. Nhận thấy vấn đề này, ông Đậu Anh Tuấn cho hay VCCI đã xây dựng Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI), để khảo sát, thông tin đến cộng đồng doanh nghiệp cũng như các địa phương.
“Tuy nhiên, với vấn đề này các doanh nghiệp tư nhân trong nước lại ít quan tâm hơn so với các doanh nghiệp nước ngoài. Đây cũng không phải là điểm mạnh của doanh nghiệp tự nhân Việt Nam, khi các doanh nghiệp không có thông tin, không có những chuyển đổi, không quan tâm đến các vấn đề liên quan đến xuất nhập khẩu, thay đổi chính sách,.. thì hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp”, ông Đậu Anh Tuấn nói.
Cũng theo Giám đốc dự án PGI, thời gian qua VCCI đã nỗ lực để truyền tải thông tin đến cộng đồng doanh nghiệp về vấn đề chuyển đổi chính sách đối với chuyển đổi xanh. Từ đây góp phần vào xu hướng chuyển đổi của doanh nghiệp trong sản xuất và trong thu hút đầu tư của địa phương.
Theo ông Tuấn, cộng đồng doanh nghiệp cũng cần có góc nhìn mới về chuyển đổi xanh, không chỉ là sản xuất, kinh doanh mà còn phải hành động bảo vệ môi trường, thể hiện trách nhiệm trọng các hành động. Và các địa phương cũng phải có những thay đổi, chuyển đổi xanh nhưng phải đảm bảo hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.
Nói về tăng trưởng xanh, TS. Đặng Hồng Hạnh - Đồng sáng lập, Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần Tư vấn Năng lượng và Môi trường (VNEEC) thông tin phát thải khí nhà kính nhân tạo gây ra hiệu ứng nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu (BĐKH) là kết quả của sự tăng nhiệt độ toàn cầu, ảnh hưởng đến hệ thống môi trường và tài nguyên trên toàn cầu. Theo vị này, BĐKH được đánh giá là rủi ro nghiêm trọng nhất trên phạm vi toàn cầu trong 10 năm tới.
“Việt Nam nằm trong số các quốc gia rất dễ bị tổn thương trên thế giới, xếp hạng 127/182 theo Sáng kiến thích ứng toàn cầu Notre Dame (ND-GAIN) và xếp thứ 13/180 quốc gia theo Chỉ số rủi ro khí hậu toàn cầu của Germanwatch giai đoạn 2000–2019. Theo WB, ước tính thiệt hại do biến đổi khí hậu của Việt Nam khoảng 10 tỷ USD năm 2020 (3.2% của GDP) và có thể tăng lên 12-14,5% vào năm 2050 và làm 1 triệu người sẽ rơi vào nhóm đặc biệt nghèo vào 2030”, TS. Hạnh thông tin.
Thông tin thêm, TS. Đặng Hồng Hành cho rằng kinh tế tuần hoàn, net-zero và tăng trưởng xanh đều liên quan đến đối phó với thách thức về BĐKH và bảo vệ môi trường. Cụ thể, tăng trưởng xanh có thể tạo ra những cơ hội mới cho các hoạt động kinh tế tuần hoàn và giúp giảm phát thải khí nhà kính, từ đó góp phần đạt net-zero.
Cạnh đó, Net-zero phát thải khí nhà kính sẽ thúc đẩy đầu tư vào năng lượng sạch và cơ sở hạ tầng bền vững, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng xanh. Còn lại, kinh tế tuần hoàn sẽ giảm tiêu thụ nguyên vật liệu và giúp đạt net-zero bằng cách giảm phát thải khí nhà kính. Cả 3 phương thức khi kết hợp thực hiện sẽ thúc đẩy chuyển đổi nền kinh tế xanh và trực tiếp đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững.
Dẫn chứng cụ thể, TS. Hạnh cho hay Việt Nam đã ký kết 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), tạo cơ hội cho doanh nghiệp thâm nhập thị trường mới và tăng lợi nhuận. Tuy nhiên để xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa cần phải đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt hơn về bảo vệ môi trường và “tăng trưởng xanh” khi chuỗi cung ứng vượt ra ngoài tầm ảnh hưởng, kiểm soát.
“Các yêu cầu về quy trình xanh hóa chuỗi cung ứng đã rất rõ ràng và tác động đến sức cạnh tranh, cơ hội nhận đơn hàng xuất khẩu, vì vậy doanh nghiệp bắt buộc phải chuyển đổi, là “sống còn” chứ không còn ở mức “phấn đấu” “nỗ lực”, vị này nói thêm.
Cùng trao đổi, ông Nguyễn Minh Đức – Ban Pháp chế VCCI cũng cho hay các quy định về môi trường ngày càng khó và làm tăng chi phí kinh doanh. Theo ông Đức, vấn đề biến đổi khí hậu là trọng tâm chính, bên cạnh đó là các vấn đề về sinh thái như rừng, thuỷ sản cũng được quan tâm.
“Trong nước hiện nay các quy định ngày càng chặt chẽ còn nước ngoài thì có xu hướng áp đặt tiêu chuẩn môi trường lên hàng hoá nhập khẩu”, ông Đức nói.
Dẫn chứng cụ thể, ông Đức cho biết một số chính sách đáng chú ý của Việt Nam như Luật Bảo vệ môi trường 2020 bao gồm đánh giá sơ bộ tác động môi trường, đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường. Ngoài ra, còn có Nghị định 08/2022/NĐ-CP để cụ thể hoá Luật Bảo vệ môi trường 2020, về quan trắc tự động có Nghị định 40/2019/NĐ-CP ngày 31/12/202, Nghị quyết 129/NQ-CP lùi đến 31/12/2021, Nghị định 08/2022/NĐ-CP lùi đến 31/12/2024,... và hiện nay đang có dự thảo sửa đổi Nghị định 08/2022/NĐ-CP.
Một chính sách khác là trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR). Cụ thể, nhà sản xuất, nhà nhập khẩu phải chịu trách nhiệm đối với hàng hoá đã bán cho người tiêu dùng, thu gom, xử lý, tái chế.
Ngoài ra còn có các chính sách liên quan đến giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, phí bảo vệ môi trường đối với khí thải, các cơ sở sản xuất có khí thải (trong GPMT), bảo vệ tầng ozone, năng lượng tái tạo,...
“Doanh nghiệp cần thể hiện trách nhiệm xã hội, quan tâm đến môi trường, theo dõi sát các diễn biến của chính sách. Doanh nghiệp cũng có thể quan tâm nội dung góp ý bao gồm chi phí tuân thủ hợp lý, đặc biệt là bối cảnh trong nước, có lộ trình phù hợp, quy định minh bạch để tránh tiêu cực khi áp dụng. Đồng thời, cố gắng tránh tâm lý lách quy định, thúc đẩy các công cụ tự nguyện thay vì bắt buộc”, ông Đức khuyến nghị.
Cùng trao đổi, ông Phạm Ngọc Thạch - Phó Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho rằng khi Việt Nam cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hướng tới nền kinh tế xanh và phát triển bền vững sẽ góp phần vào thu hút đầu tư chất lượng cao hơn, khuyến khích nghiên cứu phát triển để thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Cùng với đó sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, của nền kinh tế và tạo thêm nhiều việc làm và nâng cao thu nhập của người dân để cải thiện chất lượng cuộc sống,...
Và việc xây dựng nền kinh tế xanh, phát triển bền vững đang trở thành ưu tiên mới của Đảng và Nhà nước.
Về Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI), ông Thạch cho hay PGI đang có những tác động đến cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại các địa phương. Trong đó, lãnh đạo các tỉnh, thành phố cần thông tin để đánh giá kết quả, tác động của các hoạt động nâng cao chất lượng quản trị môi trường, xây dựng, triển khai các chương trình hồ trợ doanh nghiệp trên địa bàn chuyển đổi Xanh. Cùng với đó là thu hút các nhà đầu tư với các dự án Xanh hơn vào địa phương.
Với các cơ quan trung ương cần thông tin để theo dõi, đánh giá việc thực thi các chính sách liên quan đã ban hành, cũng như sử dụng làm đầu vào cho những cải cách sắp tới.
Doanh nghiệp, nhà đầu tư cần thông tin để nắm bắt được các chủ trương, định hướng, những ưu tiên của chính quyền trong nỗ lực tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Cùng với đó, nắm bắt tốt hơn các ưu đãi, hỗ trợ từ chính quyền các tỉnh, thành phố trong thúc đẩy chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh theo hướng thân thiện môi trường,...
Các Hội/hiệp hội doanh nghiệp có thể sử dụng để hỗ trợ doanh nghiệp hội viên tư vấn, đào tạo, nâng cao nhận thức, kỹ năng . Ngoài ra, có thể xây dựng quy trình, nâng cấp công nghệ thân thiện hơn với môi trường, xanh hóa hoạt động sản xuất kinh doanh, đóng góp vào quá trình xây dựng chính sách tại các địa phương.
Về PGI, ông Thạch cho rằng đây là Chỉ số đánh giá chất lượng môi trường cấp tỉnh dưới góc nhìn của doanh nghiệp, phản ánh mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường và ứng xử với môi trường của doanh nghiệp, đồng thời cho thấy mức độ sẵn sàng đầu tư về môi trường tại các tỉnh, thành phố. Qua đó, cung cấp thông tin về chất lượng môi trường, hỗ trợ các địa phương trong sàng lọc các dự án đầu tư, tạo ra được động lực để các doanh nghiệp đầu tư theo hướng thân thiện môi trường.
“Địa phương có chất lượng quản trị môi trường tốt khi có những nỗ lực phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm và thiên tai, thực thi các quy định và có các biện pháp hợp lý để đảm bảo việc tuân thủ các quy định pháp luật về môi trường mà không tạo thêm gánh nặng quá lớn cho doanh nghiệp và hướng dẫn, phổ biến đầy đủ về các thực hành xanh và chú trọng mua sắm xanh, khuyến khích “xanh hóa” mô hình sản xuất kinh doanh thông qua các chính sách và chương trình hỗ trợ”, ông Thạch thông tin.
Ông Nguyễn Đức Lam - Chuyên gia dự án PGI cho rằng Hiệp hội doanh nghiệp/doanh nghiệp có thể dùng PCI, PGI và với thông tin trải nghiệp của Hiệp hội doanh nghiệp/doanh nghiệp để góp, đề xuất chính sách, đánh giá giải pháp chính sách,... PCI, PGI cũng giúp các đơn vị hiểu đúng về thực trạng, thực tế của chính sách để góp ý “trúng”.