Điện Biên: Giải “bài toán” “thừa thầy, thiếu thợ”
Vói tâm lý chuộng bằng cấp, gia đình nào cũng muốn con em mình học đại học nên các tỉnh, thành nói chung, Điện Biên nói riêng đang phổ biến tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”. Điều này cũng phản ánh phần nào về Chỉ số Đào tạo lao động nằm trong 10 Chỉ số PCI các tỉnh, thành còn khá khiêm tốn. Minh chứng, năm 2023 Chỉ số đào tạo lao động của Điện Biên đạt 5.41 điểm, tăng 0.87 điểm so với năm 2022 (4.54 điểm).
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, DĐDN có buổi trò chuyện cùng ông Vũ Văn Đức, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Điện Biên.
Ông Đức cho biết, năm 2024, Điện Biên đặt mục tiêu tuyển sinh đào tạo nghề cho 8.500 người, trong đó lao động kỹ thuật cao (trình độ cao đẳng, trung cấp) từ 600-800 người, còn lại là trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo dưới 3 tháng. Đến nay, các cơ sở đào tạo đã tuyển sinh được trên 6.000 người (đạt trên 70,5% kế hoạch tỉnh giao; cao hơn 12% so với cùng kỳ năm 2023), trong đó số học sinh học trình độ trung cấp đạt trên 800 người. Đây là kết quả tuyển sinh khả quan nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây.
- Thực tế hiện nay việc tuyển sinh đào tạo nghề tại các trường cao đẳng, trung cấp cả nước gặp nhiều khó khăn, đặc biệt các trường dạy nghề bởi, xu hướng trào lưu bằng mọi giá các gia đình cho con em học đại học. Ông nhìn nhận gì về vấn đề này?
Đúng vậy! Nhiều năm trở lại đây, các tỉnh, thành nói chung, Điện Biên nói riêng phổ biến tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” do tâm lý chuộng bằng cấp. Bởi, hầu như gia đình nào cũng muốn con em mình học đại học mà bỏ qua học nghề, mặc dù cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp đại học còn rất hạn chế, quá trình học tốn kém chi phí, thời gian và công sức hơn rất nhiều so với học nghề.
Để khắc phục tình trạng này, vừa qua chúng tôi đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Điện Biên; trong đó nhấn mạnh mục tiêu “Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và toàn xã hội về đổi mới, phát triển giáo dục nghề nghiệp; về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của giáo dục nghề nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tạo việc làm bền vững cho người lao động và thế hệ trẻ. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người học, gia đình và xã hội về ý nghĩa của việc học nghề, kỹ năng nghề trong tiếp cận việc làm, nâng cao thu nhập và cơ hội học tập suốt đời”.
- Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về những giải pháp nguồn nhân lực có tay nghề, có kỹ thuật nghề nghiệp khắc phục tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” ở Điện Biên?
Hiện nay, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt và triển khai thực hiện nhiệm vụ đổi mới, phát triển giáo dục nghề nghiệp nhằm khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của giáo dục nghề nghiệp trong phát triển kinh tế xã hội, góp phần tạo việc làm bền vững, tăng thu nhập cho người lao động.
Đồng thời, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người học, của các hộ gia đình và toàn xã hội về ý nghĩa của việc học nghề, kỹ năng nghề trong tiếp cận việc làm, nâng cao thu nhập và cơ hội học tập suốt đời, góp phần thực hiện thành công đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực của tỉnh, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Bên cạnh đó, tập trung thực hiện công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp theo Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Tăng tỷ lệ học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở tham gia học các chương trình giáo dục nghề nghiệp; thực hiện vừa đào tạo nghề vừa dạy văn hóa tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp để học sinh tốt nghiệp vừa có bằng trung học phổ thông vừa có bằng nghề, đủ điều kiện tham gia thị trường lao động và cơ hội tiếp tục học tập nâng cao trình độ.
Đặc biệt, chúng tôi rà soát, bổ sung cơ chế, chính sách liên quan đến công tác giáo dục nghề nghiệp; triển khai đầy đủ, đồng bộ các cơ chế, chính sách này thông qua việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định, phù hợp với yêu cầu thực tiễn của tỉnh.
Sắp xếp cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh theo hướng giảm tối đa đầu mối, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động. Bảo đảm quy mô, cơ cấu và hợp lý về ngành nghề, trình độ đào tạo, chuẩn hóa, hiện đại hóa gắn với yêu cầu và xu hướng phát triển của thị trường lao động. Chú trọng các ngành, nghề, lĩnh vực đào tạo có thế mạnh gắn với nhu cầu thị trường lao động trong và ngoài tỉnh.
Từ những giải pháp cụ thể trên, số học sinh đăng ký học nghề trình độ trung cấp, cao đẳng đãtăng hơn so với các năm trước. Dự kiến năm học 2024-2025, thay vì tuyển sinh đối với 100% hồ sơ đăng ký học giáo dục nghề nghiệp thì các trường như Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên sẽ phải thực hiện tuyển sinh bằng hình thức xét tuyển.
- Cùng với những giải pháp trên, chắc hẳn Sở cũng triển khai nhiều giải pháp đồng bộ góp phần cải thiện hơn nữa Chỉ số Đào tạo lao động (Trong 10 tiêu chí thành phần Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)) của Điện Biên năm 2024, thưa ông?
Vừa qua, Sở đã xây dựng và ban hành Kê hoạch hành động Nâng cao chỉ sô năng lực cạnh tranh câp tỉnh (PCI), chỉ sô năng lực cạnh tranh cấp Sở, ngành và địa phương (DDCI) năm 2024. Kế hoạch này nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện chỉ số đào tạo lao động trong PCI gắn với trách nhiệm ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đảm bảo tính thống nhất, thiết thực, hiệu quả trong tổ chức thực hiện. Tạo sự chuyển biến trong nhận thức của công chức, viên chức, người lao động về ý nghĩa, tầm quan trọng của PCI, về trách nhiệm của các phòng, đơn vị trong việc nâng cao thứ bậc xếp hạng PCI của tỉnh, DDCI của ngành, hướng tới sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.
Một chủ trương được chúng tôi hết sức lưu ý, đó là: Nghiên cứu, học tập các tỉnh, thành phố có điểm số cao, các địa phương có điều kiện về kinh tế - xã hội tương tự trong khu vực để lựa chọn, vận dụng có hiệu quả các phương thức, cách làm hay, sáng tạo, thực chất phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương mình.
Trong công tác giáo dục nghề nghiệp, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu cho tỉnh triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề; chú trọng đào tạo lại và đào tạo thường xuyên lực lượng lao động để tạo chuyển biến mạnh mẽ về quy mô, chất lượng và hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp; bảo đảm người học có kỹ năng chuyên môn, kỹ năng số, kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động; đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc kết nối cung - cầu để nâng cao hiệu quả đào tạo và sử dụng lao động.
Tiếp tục tăng cường chuyển đổi số và đào tạo trực tuyến, chú trọng đào tạo và đào tạo thường xuyên lực lượng lao động để tạo chuyển biến mạnh mẽ về quy mô, chất lượng và hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp; bảo đảm người học có kỹ năng chuyên môn, nhất là trình độ cao đẳng, trung cấp, đồng thời tăng cường đào tạo về kỹ năng số, kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp và ngoại ngữ… để thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động.
Tích cực tuyển sinh đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của địa phương nhất là một số ngành trọng điểm như: du lịch, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao,…
Nâng cao hiệu quả đào tạo hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh thông qua việc mở rộng hình thức đào tạo nghề theo hợp đồng đào tạo giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp; gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp và thị trường lao động; đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp...
- Để tạo bước đột phá về phát triển nguồn nhân lực của Điện Biên, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, theo ông đâu là những “nút thắt” cần “gỡ”?
Hiện nay, điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo của các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) cấp huyện rất khó khăn, thiếu thốn, cần có sự đầu tư, hỗ trợ về cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo từ các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG). Đề nghị có cơ chế để bổ sung những đơn vị này thuộc đối tượng thụ hưởng của các Chương trình MTQG.
Nhà nước chưa có hướng dẫn cụ thể để xác định tiêu chí “Người có thu nhập thấp” nên các địa phương, cơ sở đào tạo gặp rất nhiều khó khăn trong việc tuyển sinh, đào tạo cho người lao động thuộc nhóm này.
Ngoài ra, do bị hạn chế bởi chỉ tiêu biên chế của đơn vị sự nghiệp công lập, nên số lượng giáo viên cơ hữu của trung tâm GDNN-GDTX công lập cấp huyện chỉ từ 05-07 người. Trong khi đó, Điều 14 Nghị định số 143/2016/NĐ-CP quy định : "Có đội ngũ giáo viên đạt tiêu chuẩn, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề và nghiệp vụ sư phạm theo quy định của pháp luật… Có giáo viên cơ hữu cho nghề tổ chức đào tạo".
Để đáp ứng yêu cầu tổ chức linh hoạt, đa dạng ngànhnghề đào tạo của trung tâm GDNN-GDTX, Chính phủ cần sớm sửa đổi, bỏ quy định yêu cầu "Có giáo viên cơ hữu” để các đơn vị chủ động trong quá trình tổ chức đào tạo nghề cho người lao động...