Luật hoá tài sản số
Lĩnh vực tài sản số là lĩnh vực khá đặc thù khi thu hút rất nhiều vốn đầu tư từ các cá nhân, doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam.
Ông Trần Huyền Dinh, CEO Công ty AlphaTrue:
Trong thời gian qua, chúng tôi đã nhận được khá nhiều sự quan tâm từ Chính phủ, thông qua các chính sách thúc đẩy chuyển đổi số cũng như phát triển kinh tế số.
Đầu tiên, tôi muốn nhắc đến Quyết định 194/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm giúp Việt Nam loại ra khỏi danh sách xám. Trong quyết định này, lần đầu tiên Chính phủ nhắc đến VASP có nghĩa là tài sản số và những nhà cung cấp dịch vụ tài sản số. Đó là một trong những định nghĩa đầu tiên trong Quyết định 194.
Thứ hai, đó là Dự thảo về Nghị định cơ chế thử nghiệm có kiểm soát - Sandbox cho ngành Fintech tại Việt Nam. Thứ ba, đó là dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số để trình Quốc hội xem xét và thông qua trong kỳ họp sắp tới.
Chúng tôi ghi nhận sự tiến bộ này trong việc xây dựng cũng như hoàn thiện các quy định pháp lý liên quan đến công nghệ số. Điều này giúp cho doanh nghiệp có định hướng rõ ràng hơn trong hoạt động đầu tư và kinh doanh.
Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi về chính sách cũng còn nhiều khó khăn đáng kể, đặc biệt trong lĩnh vực tài sản số. Hiện nay, hành lang pháp lý về tài sản số chưa được hoàn thiện, cho nên dẫn đến tình trạng thiếu rõ ràng trong việc xác lập quyền sở hữu và trách nhiệm thuế của doanh nghiệp.
Lĩnh vực tài sản số là lĩnh vực khá đặc thù khi thu hút rất nhiều vốn đầu tư từ các cá nhân, doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam. Với mức độ tăng trưởng và thuận lợi này, việc các quy định cũng như định nghĩa đồng bộ với các chuẩn mực quốc tế cũng cực kỳ quan trọng trong việc thúc đẩy vốn đầu tư từ nước ngoài, các doanh nghiệp nước ngoài cũng có thể dễ dàng vào Việt Nam hơn.
Đối với dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số và các luật liên quan đến tài sản số sắp tới, tôi rất kỳ vọng các quy định này sẽ mang lại sự minh bạch, cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong lĩnh vực này, đồng thời hạn chế sự chảy máu chất xám, cũng như thu hút nhiều dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam.
Nếu dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số được thông qua, doanh nghiệp chúng tôi cũng đã có một số kế hoạch dự kiến triển khai. Đầu tiên, tôi đồng tình với ý kiến về những luật liên quan đến phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố. Phía doanh nghiệp trước tiên phải xây dựng kế hoạch tuân thủ pháp lý, đặc biệt các luật hợp tác quốc tế liên quan đến phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố.
Thứ hai, phía doanh nghiệp đánh giá và cập nhật hệ thống quản lý tài sản số thì doanh nghiệp cần thực hiện đánh giá toàn diện về hệ thống quản lý tài sản số hiện tại cũng như xác định, khắc phục những điểm yếu hoặc thiếu sót so với các quy định mới.
Thứ ba, chúng tôi tiếp tục thúc đẩy cũng như nâng cao nhận thức để đảm bảo tất cả nhân viên, lãnh đạo cũng như các doanh nghiệp khác tuân thủ các quy định mới.