Mua - bán trên thị trường carbon
Thế giới hiện có có 58 quốc gia phát triển thị trường carbon và đã có nhiều giao dịch, nguồn thu về rất lớn, nhưng liên minh hỗ trợ người mua thì có, rất ít liên minh hỗ trợ người bán.
Tại tọa đàm “Chia sẻ, cập nhật thông tin về thị trường chứng chỉ carbon từ hệ thống sinh thái rừng ven biển” do Trường Đại học Nông Lâm TPHCM, Tổ chức Nghiên cứu Lâm nghiệp quốc tế (CIFOR), và Viện Nghiên cứu Môi trường/Đại học Adelaide tổ chức từ 22-23/8 tại TP Hồ Chí Minh, Tiến sĩ Phạm Thu Thủy - Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Quốc tế (CIFOR) và Đại học Adelaide (Úc) - cho biết: Thị trường carbon đang rất sôi động và tất cả các ngành có phát thải đều tham gia vào thị trường được.
Theo Tiến sĩ Phạm Thu Thủy, hiện nay trên thế giới có 58 quốc gia phát triển thị trường carbon. Các quốc gia này xây dựng sàn giao dịch tín chỉ carbon và đã có nhiều giao dịch, nguồn thu về rất lớn.
Đặc biệt, hiện có cả ngành công nghiệp “ăn theo” thị trường carbon, đồng thời có nhiều bên đang hưởng lợi từ thị trường này như: doanh nghiệp tạo ra carbon, đơn vị tư vấn về đo đếm carbon, bên cung cấp phần mềm để có công cụ tự tính toán lượng phát thải carbon và tín chỉ carbon…
Tiến sĩ Phạm Thu Thủy cho biết thêm, mặc dù ngành nào cũng có thể tạo ra tín chỉ carbon, song hệ thống rừng có tiềm năng nhất.
Về hệ thống giao dịch trên thị trường, phía người mua tập trung Thụy Sỹ (15%), Mỹ (6%), Đức (3%), Hà Lan (3%), Pháp (3%). Phía người bán ở khu vực Châu Phi có Kenya; Uganda; Châu Mỹ Latin: Peru, Colombia, Brazil; Châu Á Thái Bình Dương: Indonesia, Trung Quốc, Ấn Độ; Myanmar. Giá bán trung bình toàn cầu: 11.2USD/tấn.
Đáng chú ý theo TS Thủy, do thị trường này tiến triển nhanh nên hàng tuần đều có những chính sách, cơ chế và giá cả mới.
Đối với Việt Nam, bà cho rằng có nhiều thuận lợi cũng như thách thức để tham gia thị trường carbon và khai thác tín chỉ carbon từ hệ thống rừng; nhưng cơ bản, cần có chính sách và phối hợp đa ngành để giải quyết các nguyên dẫn đến phá rừng và suy thoái rừng. Cùng với đó, là các cơ chế, giải pháp đồng bộ để khai thác thị trường hiệu quả.
Chia sẻ về thông tin thị trường carbon từ hệ sinh thái rừng ven biển, Tiến sĩ Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm TP HCM - cho biết, Việt Nam có đường bờ biển dài và hệ sinh thái ven biển dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu nên chúng ta đã có những chính sách tiên tiến nhằm bảo vệ, mở rộng và nâng cao chất lượng rừng và hệ sinh thái ven biển.
Cụ thể, Chính phủ Việt Nam đã đặt ra mục tiêu cao trong việc phát triển thị trường carbon rừng, bao gồm cả carbon xanh, để tạo ra cơ chế tài chính bền vững hỗ trợ các chính sách giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo tính toán, với tổng diện tích 14,7 triệu ha, Việt Nam có tiềm năng huy động một nguồn tài chính từ các dự án carbon lâm nghiệp để bảo vệ và phát triển rừng. Một số tính toán cũngcho thấy mỗi năm rừng của Việt Nam có thể hấp thụ khoảng gần 70 triệu tấn carbon. Trong thời gian Việt Nam đã bán được 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (10,3 triệu tấn CO2) tại 6 tỉnh Bắc Trung Bộ thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) với đơn giá 5 USD/tấn, thu về 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỉ đồng). Đây là bước khởi đầu, cho thấy tiềm năng tín chỉ carbon rừng tại Việt Nam, mở ra kỳ vọng cho những địa phương có rừng.
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm TP HCM cũng cho rằng dù vậy, thị trường carbon xanh từ các hệ sinh thái này vẫn chưa được khai thác và phổ biến rộng rãi. Nguyên nhân chính là do thiếu thông tin và sự hạn chế trong giao dịch tín chỉ carbon xanh đã gây khó khăn trong việc phát triển các dự án carbon hiệu quả.
Với tọa đàm, ông kỳ vọng các thông tin thông tin khoa học được cung cấp đầy đủ, cập nhật về thị trường carbon, là một vấn đề rất được xã hội quan tâm. Đây là dịp để khơi mở các vấn đề của thị trường nhằm xây dựng những dự án carbon xanh chất lượng cao.
Tại tọa đàm, các diễn giả cũng nhấn mạnh ở góc độ doanh nghiệp, việc tham gia thị trường carbon không chỉ là cơ hội, mà sẽ là điều kiện tất yếu của quá trình thực hành ESG, đóng góp cho phát triển bền vững, trên cơ sở đạt được 4 trụ cột mục tiêu: Tuân thủ pháp luật, gia tăng lợi nhuận, giảm thiểu rủi ro và tăng ưu thế cạnh tranh.