“Khơi dậy” tiềm năng nhân lực bán dẫn
Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050” có tổng mức đầu tư 26.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính khả thi của Đề án đang là vấn đề được dư luận quan tâm.
DĐDN đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VERP), Trường Đại học Kinh tế, Đại học quốc gia Hà Nội về vấn đề này.
- Theo ông, chúng ta cần làm như thế nào để đảm bảo tổng mức đầu tư cho nguồn nhân lực bán dẫn được sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực của Nhà nước?
Phải khẳng định đây là chủ trương đúng đắn khi Nhà nước. Tuy nhiên, để đầu tư phát triển nhân lực ngành bán dẫn có hiệu quả, nên có sự tham khảo và lắng nghe ý kiến của những người trong cuộc.
Thứ nhất, phải xuất phát từ việc đặt hàng và nhu cầu thực của các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp sẽ đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn hay xây dựng ngành công nghiệp chip.
Thứ hai, phải nắm chắc nhu cầu và yêu cầu từ phía thị trường và doanh nghiệp. Nếu chỉ hướng đến đào tạo nhưng dàn trải thì sẽ rất lãng phí.
Thứ ba, phải công khai, minh bạch, bình đẳng để tất cả các chủ thể đều có khả năng tiếp cận, không nên lựa chọn những doanh nghiệp hoặc trường đào tạo có tính chất chọn sẵn. Chúng ta nên có hình thức đấu thầu công khai, kể cả việc hợp tác với các doanh nghiệp hoặc phối hợp cùng với các trường đại học.
Thứ tư, phải có sự kết hợp hình thức công-tư. Tiền hỗ trợ của Nhà nước cho công tác đào tạo chỉ là nguồn “vốn mồi”. Các doanh nghiệp sau khi đăng ký tiếp nhận nguồn nhân lực trong tương lai sẽ phải phối hợp để chia sẻ trách nhiệm, tiền hỗ trợ đầu tư cho người học..
- Chúng ta cần có thêm những chính sách gì để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia hợp tác, đầu tư vào lĩnh vực đào tạo nhân lực ngành bán dẫn, thưa ông?
Điều quan trọng nhất là phải xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp về phát triển công nghiệp bán dẫn, và từ bản thân năng lực của doanh nghiệp trong chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh. Ví dụ, doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực lắp ráp điện tử có thể chuyển đổi sang lĩnh vực cao cấp hơn như thiết bị bán dẫn.
Tuy nhiên, đầu ra phải đảm bảo vì lĩnh vực này thường do các chuỗi giá trị doanh nghiệp nước ngoài nắm giữ. Do đó, cần có được đơn hàng và sự tham gia của các doanh nghiệp ở thượng nguồn có nhu cầu đặt hàng.
Về phía các doanh nghiệp Việt Nam, phải nhanh chóng đổi mới công nghệ, mô hình kinh doanh, quản trị nhân lực để đáp ứng các điều kiện tham gia vào chuỗi sản xuất đó.
Tất cả các yêu cầu trên đòi hỏi phải có sự đổi mới từ bản thân doanh nghiệp trong nước. Nếu Nhà nước hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi để đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp nước ngoài thì mới có được các đơn hàng. Khi đó, mới có nhu cầu về nhân lực để tham gia vào dây chuyền sản xuất của họ.
- Như vậy, về lâu dài Nhà nước không thể chi những khoản tiền lớn hàng tỷ USD từ ngân sách cho đào tạo nhân lực bán dẫn, mà phải gắn đào tạo với thị trường để có thể tái đầu tư và phát triển bền vững, thưa ông?
Theo quan điểm của tôi, Nhà nước chỉ đóng vai trò là nguồn “vốn mồi”, còn lại để cho thị trường tự điều tiết. Cụ thể, theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp tham gia cùng Nhà nước đào tạo và phát triển nguồn nhân lực theo lộ trình và nhu cầu thực tế của doanh nghiệp sẽ tốt hơn việc đưa ra các chương trình đào tạo nhưng không đáp ứng đúng mong muốn của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, trong xu thế xã hội hoá thì người học cũng phải bỏ tiền đầu tư cho bản thân để nâng cấp bản thân trong công việc. Tất cả những điều kiện đó phải dựa trên một cơ chế, chính sách để làm sao cho các bên cùng tham gia vào quá trình đào tạo và tự đào tạo đối với người lao động. Khi đó, sẽ đáp ứng được mục tiêu cũng như chiến lược do Nhà nước đề ra.
- Theo ông, cần có những giải pháp nào để khơi dậy tiềm năng nguồn nhân lực bán dẫn theo đề án nói trên?
Theo tôi, cần có những giải pháp sau đây. Thứ nhất, cần dựa trên sự trao đổi và cùng đồng hành với các doanh nghiệp lớn FDI hoặc doanh nghiệp ở nước ngoài đang chi phối một chuỗi sản xuất hoặc ngành cụ thể như ngành bán dẫn hoặc chip.
Thứ hai, phải nắm bắt được nhu cầu thực và mọi hoạt động liên quan đến chiến lược kinh tế nói chung và phát triển công nghiệp nói riêng dựa trên cơ chế thị trường. Tức là, dựa trên cung, cầu thật của thị trường và có tiềm năng để đáp ứng các yêu cầu đó bằng các nguồn cung về sản xuất, lắp ráp, các hoạt động thử nghiệm hay phần mềm liên quan đến sản xuất bán dẫn hoặc chip.
Thứ ba, đánh giá cụ thể thế mạnh, khả năng đáp ứng của của các doanh nghiệp và các ngành sản xuất của Việt Nam, khả năng tiếp cận và chuyển đổi nguồn lực của Việt Nam sang lĩnh vực này.
Thứ tư, khi xây dựng các đề án đào tạo nguồn nhân lực, cần tính đến đầu ra của thị trường; chất lượng, cơ sở vật chất của hệ thống đào tạo, hệ thống giảng viên… Tất cả những yếu tố này đều liên quan đến nhau, đồng bộ trong hệ sinh thái về bán dẫn, từ đào tạo, nghiên cứu, sản xuất đến thị trường.
- Trân trọng cảm ơn ông!