Đầu tư

Chuyển trạng thái đầu tư công

Lê Mỹ 24/08/2024 03:15

Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, ước tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 của cả nước đến hết tháng 7 đạt 32,22% tổng kế hoạch, đạt 34,68% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.

giai-ngan.jpg
Giải ngân đầu tư công 7 tháng đầu năm 2024. Nguồn: NLĐ

Tại TP Hồ Chí Minh, địa bàn có trọng trách lớn với nguồn vốn đầu tư công cần giải ngân năm nay (hơn 79.000 tỷ đồng), thì thống kê trong 7 tháng năm 2024 vốn đầu tư công từ ngân sách Nhà nước ước thực hiện 20.744,4 tỷ đồng, tăng, 4,1% so với cùng kỳ (7 tháng năm 2023 thực hiện 19.927,9 tỷ đồng). Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của TP Hồ Chí Minh vẫn đang ở mức thấp. Cục Thống kê TP cho biết tính đến ngày 12/7/2024, tổng số vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước mà TP đã giải ngân là 11.511,3 tỷ đồng, đạt 14,5% so với kế hoạch vốn năm 2024.

Có thể nói, trên cả nước nói chung và TP Hồ Chí Minh - đầu tàu kinh tế phía Nam nói riêng, nhiệm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công các tháng còn lại năm 2024, đang rất cần sự quyết liệt. Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo, phê bình các đơn vị chậm trễ, chưa giải quyết dứt điểm các vướng mắc; giao trách nhiệm cụ thể cho từng sở, ban ngành, UBND cấp huyện. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị rút ngắn 30% thời gian giải quyết thủ tục đối với các dự án đầu tư công, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp chậm trễ vì lý do chủ quan; đề nghị nhà thầu, đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện; trực tiếp kiểm tra, giám sát, bám sát tiến độ thực hiện và giải quyết các thủ tục liên quan.

Thực tế, sự “đủng đỉnh” của đầu năm không thể tiếp tục trong những tháng còn lại của năm, mà phải chuyển trạng thái “chạy đua”, mới có thể tác động lên tăng trưởng kinh tế, TS Trần Du Lịch, Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, Chủ tịch Hội đồng tư vấn thực hiện Nghị quyết 98 cho TP Hồ Chí Minh khẳng định.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh (HUBA), Chủ tịch HĐTV Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP Hồ Chí Minh (HFIC) cho biết, doanh nghiệp trên địa bàn cũng rất nôn nóng, sốt ruột, bởi chỉ có giải ngân nhanh cho các dự án đầu tư công thì doanh nghiệp mới có việc làm. Theo ông Hòa, những điểm nghẽn hiện nay của các dự án đầu tư chủ yếu vướng cơ chế quy hoạch, phê duyệt, đấu thầu và cách thức vận hành, phối hợp không đồng bộ, nhịp nhàng giữa các cơ quan chức năng và chủ đầu tư. Do đó, cần sự tiếp cận khác, đặc biệt từ phía cơ quan hữu quan, mới có thể giải quyết tình trạng đầu tư công - có tiền đầu tư nhưng nghẽn cơ chế.

Nghiên cứu của TS. Hồ Hoàng Anh, Đại học Kinh tế TP HCM (UEH) cùng các cộng sự về kinh tế TP HCM năm 2024 chỉ ra rằng, để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng và đóng góp cho tăng trưởng GDP cả nước ở mức cao, TP HCM cần phải nỗ lực hết sức trong 6 tháng cuối năm để giải ngân đầu tư công nhanh hơn, đặc biệt là các công trình, dự án trọng điểm.

“Bên cạnh đóng góp trực tiếp của các khoản chi đầu tư công vào tăng trưởng kinh tế, việc hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm sẽ góp phần giảm thiểu chi phí sản xuất kinh doanh và gia tăng lợi nhuận, từ đó góp phần thúc đẩy đầu tư tư nhân và đầu tư trực tiếp nước ngoài”, các chuyên gia UEH nhấn mạnh.

Lê Mỹ