Thái Bình: Mục tiêu phát triển nhanh nhà ở xã hội
Thái Bình thực hiện mục tiêu đến năm 2025, xây dựng khoảng 11.100 căn nhà ở xã hội. Phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh có diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 35m2 sàn/người.
Trong đó, khu vực đô thị đạt 39m2 sàn/người và khu vực nông thôn đạt 32,3m2 sàn/người. Để thực hiện được mục tiêu nêu trên, diện tích quỹ đất cần để triển khai xây dựng nhà ở thương mại đến năm 2030 là 910ha; nhà ở xã hội là 134ha.
Trong đó, nhà ở cho công nhân là 92ha và nhà ở cho người thu nhập thấp là 42ha. Theo tính toán, nguồn vốn để phát triển nhà ở nêu trên là rất lớn. Cụ thể, trong giai đoạn 2021-2025 là gần 100.000 tỷ đồng và giai đoạn 2026-2030 là gần 125.000 tỷ đồng.
Điểm nhấn trọng tâm là giải phóng mặt bằng
Để đảm bảo chỉ tiêu trên, UBND tỉnh Thái Bình đã yêu cầu các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các tổ chức, đơn vị có liên quan theo thẩm quyền, lĩnh vực quản lý triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Phạm Việt Anh - Giám đốc Sở Xây dựng Thái Bình: Thực hiện đề án phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã xây dựng, hoàn thành 8 dự án NƠXH với tổng 2.000 căn hộ.
Thời gian qua, việc thu hút các nhà đầu tư tham gia đề xuất xây dựng NƠXH gặp nhiều khó khăn là do Chính phủ ban hành Nghị định số 49/2021/NĐ-CP và Nghị định số 35/2023/NĐCP sửa đổi một số nội dung về cơ chế, chính sách phát triển NƠXH, chủ đầu tư các dự án NƠXH không không được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, không được dành 20% tổng diện tích đất ở đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật...
Vì vậy, hiện nay nhiều nhà đầu tư đang đợi khi Luật Nhà ở có hiệu lực mới đề xuất dự án. Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) chậm cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư dự án phát triển nhà ở, trong đó có công trình NƠXH.
Để nâng cao hiệu quả công tác phát triển NƠXH, góp phần giải quyết cơ bản nhu cầu nhà ở cho người dân, ông Việt Anh cho biết: Các cấp ủy, chính quyền các cấp cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa của công tác phát triển NƠXH, tạo sự đồng thuận, ủng hộ trong quá trình triển khai thực hiện.
Các địa phương tập trung làm tốt công tác quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất làm cơ sở giao đất thực hiện dự án. Các huyện, thành phố đẩy nhanh tiến độ GPMB, sớm bàn giao đất cho nhà đầu tư để triển khai thực hiện dự án bảo đảm tiến độ.
Các sở, ngành của tỉnh tổ chức lập đề xuất chủ trương các dự án phát triển NƠXH độc lập, các dự án phát triển nhà ở thương mại, trong đó bố trí quỹ đất NƠXH để tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án theo quy định; tham mưu điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm phục vụ cho việc phát triển NƠXH. Công khai, giới thiệu quỹ đất NƠXH để doanh nghiệp nghiên cứu, đề xuất đầu tư.
Đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính liên quan. Rà soát, lập danh mục các dự án NƠXH, nhà ở công nhân đủ điều kiện vay vốn, công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử tỉnh để các ngân hàng có cơ sở áp dụng cho vay theo gói 120.000 tỷ đồng. Các nhà đầu tư phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương bố trí kinh phí chi trả đền bù hỗ trợ GPMB, huy động các nguồn lực để triển khai thi công xây dựng công trình bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Tháo gỡ “nút thắt”
Được biết, toàn tỉnh hiện có 46 dự án phát triển nhà ở đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư. Tuy nhiên mới có 4 dự án hoàn thành công tác GPMB, đủ điều kiện giao đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án.
Ông Phạm Việt Anh - Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Đến nay, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư 46 dự án phát triển nhà ở thương mại. Trong 31 dự án đã lựa chọn được nhà đầu tư có 4 dự án đã hoàn thành công tác GPMB, đủ điều kiện giao đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án.
Các dự án còn lại đang trong quá trình GPMB. Tiến độ triển khai chậm là do một số dự án vẫn chưa được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển đổi mục đích đất trồng lúa; công tác trích đo, trích lục gặp nhiều khó khăn do việc quy chủ, xác định nguồn gốc đất dẫn đến chậm phê duyệt phương án GPMB.
Trong đó một số địa phương quỹ đất để thực hiện tái định cư còn thiếu nhiều so với nhu cầu tái định cư của các dự án trên địa bàn. Công tác quy hoạch và thực hiện các khu tái định cư phục vụ công tác GPMB còn chậm.
Ngoài các khó khăn nêu trên, các dự án khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu còn có thêm khó khăn về quy định: diện tích đất công trong dự án chiếm 30 - 35%, diện tích lô đất từ 200 - 500m2, mật độ xây dựng tối đa 40 - 45% làm giảm hệ số sử dụng đất, giảm hiệu quả đầu tư.
Để tháo gỡ “nút thắt” cho các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh, theo Giám đốc Sở Xây dựng, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân đồng thuận với chủ trương, chính sách phát triển nhà ở của tỉnh.
Chủ động rà soát, tổ chức lập quy hoạch, thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư, khu nghĩa trang mới để di dân và di chuyển mộ trong phạm vi các dự án (nếu có). Rà soát, đẩy nhanh tiến độ xác định nguồn gốc đất phục vụ công tác thẩm định trích đo, trích lục và xây dựng phương án đền bù, hỗ trợ, tái định cư.
Các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh giải trình, làm rõ các ý kiến thẩm định của Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các thủ tục về đất đai, xây dựng, môi trường, phòng cháy, chữa cháy.
Hướng dẫn, giải quyết các kiến nghị của nhà đầu tư trong thực hiện các thủ tục huy động vốn từ các tổ chức tín dụng, các tổ chức, cá nhân khác có liên quan theo quy định của Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản. Các nhà đầu tư phối hợp cùng địa phương chi trả tiền đền bù hỗ trợ GPMB theo quy định, triển khai thi công xây dựng công trình bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Hiện Sở Xây dựng đang chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện tham mưu điều chỉnh một số nội dung liên quan đến mô hình khung dự án nông thôn mới kiểu mẫu để làm cơ sở triển khai thực hiện trong thời gian tới.