Tài chính doanh nghiệp

CTD khó lấy lại vị thế đầu ngành?

Lê Mỹ 24/08/2024 2:50

Công ty CP Xây dựng Coteccons (HoSE: CTD) vẫn tìm mọi cách lấy lại vị thế dẫn đầu ngành xây dựng, nhưng hành trình này không hề dễ dàng.

Bieu do T7
Doanh thu dự phóng theo các mảng kinh doanh của CTD. Nguồn: VNDirect.

CTD gặp không ít thách thức khi ngành xây dựng Việt Nam vẫn gặp khó khăn trong bối cảnh thị trường bất động sản (BĐS) dân cư còn yếu, việc trích lập dự phòng của các dự án xây dựng đang thành khoản nợ khó đòi làm suy yếu nguồn thu.

Hướng xuất ngoại

CTD mới đây đã công bố thành lập công ty con, hướng đến mục tiêu đạt doanh thu 3 tỷ USD. Đây là động thái nối tiếp chủ trương “xuất ngoại”, theo Nghị quyết HĐQT về việc đầu tư ra nước ngoài dưới hình thức thành lập công ty con là Coteccons Constructions Inc để thực hiện các hoạt động liên quan đến xây dựng vào năm 2023.

Trước đó, vào cuối tháng 3/2024, CTD cũng đã quyết định thành lập văn phòng đại diện tại Indonesia để tham gia đấu thầu và thực hiện dự án tại thị trường này.

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán DSC, CTD là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng với việc sở hữu hàng loạt gói thầu trị giá hàng nghìn tỷ đồng. Việc áp dụng các tiêu chuẩn phát triển bền vững ESG trong hoạt động kinh doanh đã giúp cho CTD có lợi thế giành được các hợp đồng triệu USD từ đối tác nước ngoài lớn như dự án xây dựng nhà máy VinFast của Vingroup, nhà máy LEGO của Tập đoàn LEGO… Đây cũng là bệ phóng để CTD tham gia các gói thầu ở thị trường nước ngoài.

Sẵn sàng cho cơ hội đầu tư mới trên thị trường ngoại, CTD cũng có loạt động thái đáng kể. Cụ thể như gần nhất vào tháng 7, CTD ký kết hợp tác với Daewoo E&C. Theo ông Bolat Duisenov, Chủ tịch HĐQT CTD, việc hợp tác chiến lược với Daewoo E&C kỳ vọng sẽ mang lại những thành tựu quan trọng và thiết lập những chuẩn mực mới trong ngành xây dựng.

Được biết, trên thị trường quốc tế, Daewoo E&C đang xây dựng các dự án nhà máy và cơ sở hạ tầng. Tại Việt Nam, tập đoàn này cũng đang mở rộng thị trường thi công xây dựng, xây dựng thành phố mới cũng như phát triển kho lạnh và trung tâm dữ liệu sử dụng nhiệt lạnh LNG, đồng thời theo đuổi các dự án đầu tư và xây dựng trong lĩnh vực kinh doanh nhà máy điện LNG và năng lượng tái tạo. Các mảng miếng để phát triển gói thầu xây dựng và phát triển BĐS, cơ sở hạ tầng và kinh doanh xây dựng nhà máy theo mạng lưới quan hệ, đối tác và từ lợi thế của 2 bên theo đó được vọng sẽ nhân nhiều lần khi “đi cùng nhau” trong hành trình xuất ngoại.

Thực tế trên chỉ là một ví dụ “xuất ngoại” mà CTD hướng tới. Ngoài ra, theo thông tin DSC, CTD cũng đang thi công cho một số dự án nhà xưởng tại Ấn Độ và Indonesia do hãng xe điện VinFast làm chủ đầu tư và đang nghiên cứu đấu thầu một số dự án khác ở thị trường quốc tế.

Và nội tại

Trở lại với nội tại của doanh nghiệp, Công ty cũng vừa kết năm tài chính 2024.

ctd1.jpg
CTD vừa kết năm tài chính theo niên độ công ty với doanh thu tăng trưởng hơn 30%. Đây cũng là mức tăng trưởng mục tiêu/năm theo Lãnh đạo CTD, đang được Công ty đặt ra. Ảnh minh họa

Theo báo cáo, doanh thu năm tài chính của CTD đạt 21.045 tỷ đồng, tăng 30,8% so với năm tài chính 2023 và hoàn thành 118% so với kế hoạch kinh doanh cũ (17.793 tỷ đồng) và 105% so với kế hoạch kinh doanh mới điều chỉnh (20.000 tỷ đồng). Lợi nhuận gộp tăng gần gấp đôi so với năm trước đạt 712 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng 343%, đạt 299 tỷ đồng, hoàn thành lần lượt 109% và 104% so với kế hoạch kinh doanh cũ (274 tỷ đồng) và kế hoạch kinh doanh mới (288 tỷ đồng). CTD cũng cho biết trong năm 2024, Công ty đạt giá trị trúng thầu 22.000 tỷ đồng, là nền tảng vững chắc cho việc hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh cho năm tiếp theo.

Một lưu ý theo DSC, kết năm tài chính 2024, tỷ lệ vay tài chính/vốn chủ sở hữu của CTD chỉ đạt 0,18 lần, thuộc top thấp nhất ngành. Phía CTD cũng thông tin, công ty sẽ chủ động trong việc huy động dòng tiền, đảm bảo tiến độ thực hiện dự án xuyên suốt. Cam kết đầu tư 200 triệu USD của cổ đông Kusto Group trong giai đoạn 2024-2028 dự kiến sẽ hỗ trợ cho công ty trong định hướng mở rộng, đầu tư và cải thiện tỷ suất sinh lời.

Trong năm tài chính 2025, CTD sẽ duy trì hoạt động hiệu quả trong đầu năm tài chính 2025 dựa trên (1) thời điểm đẩy mạnh giải ngân đầu tư công cuối năm, (2) sau khi Luật sửa đổi đất đai có hiệu lực từ 01/08/2024, nguồn cung BĐS dự kiến mở rộng khi mà khung pháp lý được minh bạch, (3) lượng hợp đồng Backlogs khổng lồ.

Theo đó, DSC thay đổi sang khuyến nghị mua với cổ phiếu CTD, mục tiêu giá đạt 82.000 đồng/cp, tương đương mức P/B forward 0,9 lần.

Rủi ro của CTD ở trong nước là thị trường BĐS vẫn chưa thực sự khởi sắc; nhiều chủ đầu tư đầu tư gặp khó khăn thanh khoản và nếu chưa cải thiện khả năng thanh toán, CTD có thể sẽ tăng nợ khó đòi.

Ở nước ngoài, các biến động liên quan đến chiến tranh địa chính trị và nguy cơ suy thoái kinh tế cũng có thể làm chững lại nhu cầu đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng của các chủ đầu tư ở các thị trường đang phát triển. Cạnh tranh giá xây dựng tăng cao có thể làm hẹp biên lợi nhuận.

Theo đó, CTD cần phải xây dựng kịch bản xấu nhất khi các đối tác là các đơn vị phát triển BĐS gặp khó khăn trong vấn đề thanh toán công nợ; cũng như phương án dự phòng đối với các thị trường đang đặt kỳ vọng như Đông Nam Á, Saudi Arabia, Ukraine…

Lê Mỹ