Cần cơ chế hút nguồn lực tư nhân, thúc đẩy hợp tác công tư
Tạo cơ chế ưu đãi về thuế, tín dụng và hỗ trợ tài chính phù hợp để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào dự án trọng điểm hình thức PPP.
Chia sẻ về hiệu quả các nguồn lực tài chính tại hội thảo “Phát huy và nâng cao hiệu quả các nguồn lực tài chính phát triển kinh tế đất nước trong bối cảnh mới”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch IPPG đánh giá, nguồn lực tài chính là một trong những vấn đề then chốt, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bền vững,và lâu dài của nền kinh tế Việt Nam.
Theo Chủ tịch IPPG, trong nhiều năm qua, Việt Nam đã đạt được những bước tiến quan trọng trong việc huy động và phân bổ nguồn lực tài chính phục vụ cho phát triển kinh tế. Hệ thống ngân hàng, thị trường vốn, và các tổ chức tài chính đã không ngừng phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, chúng ta cũng đang đối diện với một số hạn chế trong việc khai thác các nguồn lực tài chính như: Nguồn lực tài chính chưa được phân bổ hiệu quả, thiếu cơ chế kết nối giữa các nguồn vốn trong và ngoài nước, công cụ tài chính hiện đại và các dịch vụ tài chính số chưa phát triển đồng bộ.
Để cải thiện và nâng cao hiệu quả khai thác và sử dụng nguồn lực tài chính, ông Johnathan Hạnh Nguyễn nêu 4 giải pháp chính:
Thứ nhất, cơ chế thu hút nguồn lực từ tư nhân, thúc đẩy hợp tác công tư (PPP). Theo Chủ tịch IPPG, hiện nay thu hút đầu tư PPP đa số tại các dự án hạ tầng, chúng ta nên mở rộng sang các dự án tài chính, các dự án lớn về cơ sở hạ tầng tài chính, quỹ đầu tư mạo hiểm và các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, năng lượng, công nghệ thông tin và các dự án công cộng có ý nghĩa chiến lược.
Để các cơ chế này thực sự phát huy hiệu quả, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đề xuất cần tiếp tục hoàn thiện luật pháp về PPP một cách minh bạch và ổn định, đặc biệt là về quy trình đấu thầu, phân chia rủi ro giữa các bên, và bảo đảm quyền lợi cho các nhà đầu tư tư nhân.
Đồng thời, đa dạng hóa các hình thức đầu tư như mô hình đối tác công – tư, đầu tư công – quản trị tư và đầu tư tư – quản trị công. Việc áp dụng linh hoạt các mô hình này sẽ tạo ra sự chủ động cho khu vực tư nhân trong quản lý và vận hành dự án, đồng thời giảm tải gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Tạo cơ chế ưu đãi về thuế, tín dụng và hỗ trợ tài chính phù hợp để thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn lớn tham gia đầu tư vào các dự án trọng điểm.
Thứ hai, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp và tập đoàn kinh tế tư nhân tiếp cận vốn từ thị trường vốn quốc tế. Theo đó, nâng cao năng lực quản trị tài chính và minh bạch hóa báo cáo tài chính, tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về quản trị tài chính. Điều này sẽ giúp họ xây dựng uy tín và nâng cao cơ hội huy động vốn trên thị trường quốc tế.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn cũng kiến nghị Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc phát hành trái phiếu quốc tế, đồng thời thúc đẩy quá trình niêm yết trên các sàn giao dịch quốc tế, tạo điều kiện để họ tiếp cận được nguồn vốn lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài.
Tăng cường hợp tác với các tổ chức tài chính quốc tế: như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế …các quỹ đầu tư quốc tế này sẻ tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận các gói hỗ trợ kỹ thuật, tài chính và tư vấn chuyên sâu, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường vốn quốc tế.
Thứ ba, mở rộng và cải thiện khung pháp lý để thu hút vốn ngoại. Theo đó, Chủ tịch IPPG kiến nghị Chính phủ cần xem xét mở rộng room giới hạn sở hữu và điều chỉnh các chính sách ưu đãi để thu hút các tập đoàn tài chính quốc tế lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho họ tham gia vào việc phát triển thị trường tài chính. Điều này không chỉ giúp tăng cường nguồn lực mà còn mang lại công nghệ quản trị hiện đại và tri thức tài chính tiên tiến.
Thứ tư, vai trò của việc thành lập trung tâm tài chính quốc tế trong việc huy động nguồn lực tài chính cho Việt Nam và cơ chế để hình thành trung tâm tài chính (TTTC) quốc tế.
Chủ tịch Tập đoàn IPPG cho biết rất tâm huyết về việc này và đã tài trợ cho đề án TTTC Quốc Tế tại thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng vì nhận thấy việc xây dựng một TTTC quốc tế tại Việt Nam là chiến lược dài hạn có ý nghĩa quan trọng, không chỉ để thu hút nguồn lực tài chính mà còn nâng tầm vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế toàn cầu.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn cũng nêu một số lợi ích và các khía cạnh quan trọng khi Việt Nam có được một TTTC Quốc tế. Cụ thể, TTTC sẽ giúp gia tăng hiệu quả phân bổ nguồn lực tài chính. Hiện tại, Việt Nam đã có nền tảng tốt với hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính đang phát triển. Tuy nhiên, việc tập trung các dịch vụ tài chính vào một trung tâm quy mô lớn sẽ tạo ra sự kết nối tốt hơn giữa các nguồn vốn trong nước và quốc tế. Điều này sẽ nâng cao khả năng huy động vốn cho các dự án quan trọng, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế.
TTTC sẽ thu hút các định chế tài chính quốc tế và dòng vốn FDI chất lượng cao. Với việc xây dựng một môi trường đầu tư minh bạch, pháp lý rõ ràng và cơ sở hạ tầng hiện đại, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một điểm đến lý tưởng cho các tập đoàn tài chính và nhà đầu tư quốc tế. Điều này không chỉ mang lại nguồn vốn dồi dào mà còn thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ và tri thức tài chính tiên tiến cho nền kinh tế Việt Nam.
TTTC sẽ góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. Trong bối cảnh cạnh tranh khu vực ngày càng gay gắt, việc có một trung tâm tài chính tầm cỡ quốc tế sẽ giúp Việt Nam khẳng định vai trò và vị trí của mình trong mạng lưới kinh tế toàn cầu, qua đó mở rộng thêm cơ hội hợp tác quốc tế và tham gia sâu hơn vào các tổ chức tài chính quốc tế.
TTTC là nơi kết nối tài chính trong khu vực và quốc tế. TTTC quốc tế Việt Nam sẽ liên kết với các trung tâm tài chính lớn trong khu vực như Singapore, Hồng Kông và Thượng Hải để tận dụng mạng lưới vốn và dòng chảy tài chính quốc tế. Đồng thời, thúc đẩy các cơ chế hợp tác tài chính và thương mại với các quốc gia khác, tạo điều kiện cho dòng vốn xuyên biên giới đổ về Việt Nam.
Chủ tịch IPPG khẳng định đề án về TTCT quốc tế là chiến lược dài hạn có ý nghĩa quan trọng, không chỉ để thu hút nguồn lực tài chính mà còn nâng tầm vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, Việt Nam đang thiếu một chiến lược tổng thể rõ ràng về phát triển trung tâm tài chính quốc tế.
“Chưa có một kế hoạch dài hạn và nhất quán về xây dựng cơ chế chính sách cũng như lộ trình phát triển, tạo ra sự không chắc chắn cho các nhà đầu tư lớn muốn tham gia sớm vào thị trường. Họ cần sự cam kết từ Chính phủ và một chiến lược rõ ràng để thấy rằng đây là một kế hoạch bền vững và có tiềm năng”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn chia sẻ.
Từ năm 2016, đề án về trung tâm tài chính quốc tế đã được đề xuất. Ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã làm việc suốt nhiều năm và đã có lộ trình về việc cần có một trung tâm tài chính Việt Nam đặt tại TP.HCM và Đà Nẵng.
Cách đây 2 năm, nếu được thông qua, phía nhà đầu tư Mỹ đã cam kết trước mắt họ sẽ đồng ý rót vốn khoảng 10 tỷ USD vào Việt Nam. Trong đó 4 tỷ USD ở Đà Nẵng và 6 tỷ USD ở TP.HCM để xây dựng trung tâm tài chính quốc tế. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các nhà đầu tư Mỹ có thể đã chùn chân.
Thời điểm đó, theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, ngoài 10 tỷ USD mà các nhà đầu tư Mỹ cam kết bằng văn bản thì phía Mỹ đã có những quyết định quan trọng đó là xác định xây dựng sáu trung tâm nổi tiếng thế giới là Disneyland, Marvel, Universal, Sea World, Knotts và SixFlags tại Việt Nam.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho rằng, nếu các nhà đầu tư Mỹ đưa Disney vào TP.HCM, ước tính sẽ thu hút khoảng 25 triệu khách du lịch. Nếu đưa Universal đặt tại Hà Nội cũng sẽ có thể 25 triệu khách. Còn đưa Sea World vào Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) thì cũng có “kéo” được 20 triệu du khách mỗi năm. Như vậy, nếu chỉ đưa 3 trung tâm vào hoạt động thì chúng ta đã có đến 70 triệu khách du lịch.