Công nghệ

Ngày càng nhiều lĩnh vực kinh tế được hưởng lợi từ AI

Lê Hà 24/08/2024 07:26

Theo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, AI đang được thúc đẩy phát triển mạnh mẽ tại nhiều quốc gia và ngày càng nhiều lĩnh vực kinh tế hưởng lợi từ công nghệ này.

Chiều 23/8, Ngày hội Trí tuệ nhân tạo - AI4VN 2024 đã diễn ra với chủ đề "Mở khóa sức mạnh trí tuệ nhân tạo tạo sinh” (Unlock the power of Generative AI) được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội.

Tại sự kiện, các diễn giả đề cập tới những tiến bộ mới nhất trong AI, từ việc tối ưu hóa quy trình công việc đến việc phát triển các giải pháp sáng tạo cho những vấn đề phức tạp.

305-202408231714291.jpg
Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại Ngày hội trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2024

AI4VN 2024 - ứng dụng AI lấy con người và doanh nghiệp làm trung tâm

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Bùi Thế Duy, đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu cột mốc mới sau 7 năm tổ chức nhằm thúc đẩy hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo. Sự xuất hiện của đại diện các lãnh đạo, đoàn đại biểu cấp cao và khách mời cho thấy sự quan tâm đặc biệt đến AI trong thời gian qua.

Trí tuệ nhân tạo đang phát triển vượt bậc và cho thấy tiềm năng ứng dụng rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như giải quyết các thách thức xã hội. Chúng ta đã được chứng kiến những đột phá của mô hình ngôn ngữ lớn, trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Generative AI) và các ứng dụng nổi bật dựa trên nền tảng này như ChatGPT.

Vì vậy, AI4VN 2024 được tổ chức với chủ đề "Mở khóa sức mạnh trí tuệ nhân tạo tạo sinh - Unlock the power of Generative Al" với mục đích tạo cơ hội để trao đổi, thảo luận, cùng khám phá tiềm năng to lớn của công nghệ trí tuệ nhân tạo trong việc tạo ra giá trị mới và thay đổi cách chúng ta sống, làm việc và đồng thời nhận diện các thách thức khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo tạo sinh.

Đây không chỉ đơn thuần là một sự kiện công nghệ mà còn là cơ hội để gặp gỡ, kết nối các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm đến trí tuệ nhân tạo ở cả trong và ngoài nước.

Ông Duy hy vọng AI4VN có thể giúp các doanh nghiệp tại Việt Nam tìm kiếm được giải pháp áp dụng AI vào cuộc sống cũng như cơ hội có thể kết nối với các tổ chức quốc tế, tìm kiếm giải pháp công nghệ phù hợp.

Thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ ngành liên quan đã nỗ lực trong hoàn thiện hành lang pháp lý, triển khai các cơ chế, chính sách nhằm tạo thuận lợi cho phát triển trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam.

305-202408231714292.jpg
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy phát biểu tại Ngày hội AI4VN 2024.

Tuy nhiên, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo không chỉ mở ra cơ hội mới mà còn đặt ra nhiều thách thức trong quản lý, quản trị trí tuệ nhân tạo. Vấn đề về đạo đức trí tuệ nhân tạo, phát triển trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm đang được các quốc gia, các tổ chức quốc tế quan tâm và thảo luận sôi nổi.

Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 127/QĐ- TTg về Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030, trong đó nêu rõ định hướng phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo lấy con người và doanh nghiệp làm trung tâm, tránh lạm dụng công nghệ và xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Bộ Khoa học và Công nghệ đã có Quyết định số 1290/QĐ-BKHCN ngày 11/6/2024 hướng dẫn một số nguyên tắc về nghiên cứu, phát triển các hệ thống trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm, đây là văn bản đầu tiên ở Việt Nam nêu ra một số nguyên tắc chung cần chú ý trong nghiên cứu, phát triển các hệ thống trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm và khuyến nghị các tổ chức, đơn vị, cá nhân tự nguyện tham khảo, áp dụng trong quá trình nghiên cứu, thiết kế, phát triểncung cấp các hệ thống trí tuệ nhân tạo.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hy vọng, ngày hội có thể góp phần phát triển hệ sinh thái AI bền vững, đưa Việt Nam trở thành trung tâm phát triển AI tại khu vực và trên thế giới.

Đưa trí tuệ nhân tạo trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng

Phát biểu chỉ đạo sự kiện, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, trí tuệ nhân tạo đã trở thành một trong những công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi thế giới và cuộc sống của nhân loại. Trí tuệ nhân tạo đang được thúc đẩy phát triển rất mạnh mẽ tại nhiều quốc gia với tiềm năng ứng dụng vào rất nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau.

Trong năm 2023, chúng ta đã chứng kiến những đột phá liên quan đến các công nghệ nền tảng như: Mô hình ngôn ngữ lớn (Large Linguistic Model), trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Generative AI) và các ứng dụng nổi bật dựa trên các nền tảng này.

Nhận thức được tầm quan trọng của trí tuệ nhân tạo, thời gian qua, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn rất quan tâm, đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, định hướng cụ thể nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 với mục tiêu đưa trí tuệ nhân tạo trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam; với mong muốn đến năm 2030, Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khu vực ASEAN.

Sau 3 năm triển khai Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, Việt Nam đã đạt một số kết quả bước đầu đáng được khích lệ. Công nghệ trí tuệ nhân tạo đang góp phần nâng cao rõ rệt năng suất lao động và cải thiện chất lượng cuộc sống của con người. Trên thực tế, ngày càng nhiều lĩnh vực kinh tế được hưởng lợi từ AI.

Phát triển hệ sinh thái AI bền vững tại Việt Nam

Sau 3 năm triển khai Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI, Việt Nam đã đạt một số kết quả bước đầu đáng được khích lệ. Công nghệ trí tuệ nhân tạo đang góp phần nâng cao năng suất lao động và cải thiện chất lượng cuộc sống của con người. Trên thực tế, ngày càng nhiều lĩnh vực kinh tế được hưởng lợi từ AI.Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo cũng đặt ra nhiều thách thức trong quản lý, quản trị không chỉ tại Việt Nam mà tất cả quốc gia trên thế giới. "Việt Nam luôn khẳng định, việc phát triển và ứng dụng AI phải lấy lợi ích quốc gia, lợi ích của xã hội, người dân làm trung tâm, không được lạm dụng công nghệ để xâm phạm các quyền, lợi ích hợp pháp này".

305-202408231714293.jpg
Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và các đại biểu thăm quan gian hàng giới thiệu, trải nghiệm sản phẩm AI

Thông qua Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam năm 2024, Phó Thủ tướng đề nghị tất cả cùng hợp tác, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, các sáng kiến, giải pháp về xây dựng chính sách và quản lý, các kinh nghiệm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ứng dụng về trí tuệ nhân tạo, kinh nghiệm trong việc hình thành và phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao để góp phần thúc đẩy việc phát triển hệ sinh thái AI bền vững tại Việt Nam.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực của các bộ ngành, địa phương liên quan đã chủ động xây dựng, hoàn thiện các quy định, văn bản hướng dẫn, tổ chức hội thảo, hội nghị về quản trị, nghiên cứu phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Phó Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao nỗ lực xây dựng hơn 10 chương trình đào tạo chuyên biệt về trí tuệ nhân tạo và hoan nghênh một số tổ chức, doanh nghiệp đã chủ động đầu tư nghiên cứu phát triển một số sản phẩm trí tuệ nhân tạo phục vụ cho cuộc sống, đặc biệt là các sản phẩm dựa trên nguồn dữ liệu và tri thức đặc thù của Việt Nam. Đồng thời đề nghị, các doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, đào tạo, đầu tư, phát triển, cung cấp sản phẩm trí tuệ nhân tạo để phục vụ đời sống của mọi người.

"Tôi tin tưởng rằng, qua các hoạt động Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam năm 2024, chúng ta sẽ có nhiều trao đổi, thảo luận, tìm ra các định hướng, giải pháp, cơ hội hợp tác mới hướng đến tương lai" - Phó Thủ tướng nói.

Lê Hà