Đường sắt đô thị là “xương sống” vận tải thành phố
Trong Quy hoạch giao thông vận tải Hà Nội đến năm 2030, đường sắt đô thị được kỳ vọng là "xương sống" của mạng lưới giao thông vận tải thành phố.
Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, thời gian qua hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông Việt Nam đã có những phát triển đáng ghi nhận với hơn 24.300km quốc lộ, 2.000km đường bộ cao tốc, 6.800km đường thủy nội địa, 2.640 đường sắt quốc gia, 298 bến cảng, 22 cảng hàng không và nhiều công trình quan trọng, quy mô lớn được đầu tư.
Tuy nhiên, ông Lưu Quang Thìn, Vụ phó Vụ Kế hoạch đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải Bộ) đánh giá hạ tầng giao thông đất nước vẫn đang mất cân đối giữa các dự án, chủ yếu tập trung cho lĩnh vực đường bộ, tiếp đến là hàng hải, hàng không, đường thủy nội địa.
Trong khi đó, hệ thống đường sắt mặc dù là phương thức có nhiều ưu điểm nhưng chưa được ưu tiên đầu tư, còn lạc hậu, đường sắt đô thị triển khai chậm nên chưa giải quyết được tình trạng ùn tắc, ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn…
Bình luận về việc phát triển đường sắt đô thị, các chuyên gia cho rằng mục tiêu xây dựng hệ thống đường sắt đô thị tại TP Hà Nội và TP HCM vào năm 2035 là khả thi nếu có tư duy mới, thực sự đột phá cùng một khung khổ pháp lý mới, “may đo” riêng cho 2 TP tiệm cận với cơ chế phổ biến của các nước đã phát triển thành công hệ thống đường sắt đô thị.
Theo PGS,TS Vũ Minh Khương, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore), Việt Nam cần coi đường sắt đô thị là ngành đặc biệt chiến lược, không thua kém ngành bán dẫn.
“Các cơ quan trung ương cần huy động đội ngũ tinh nhuệ nhất tư vấn và hỗ trợ TP Hà Nội và TP HCM để Việt Nam có những bước tiến vượt bậc trong phát triển đường sắt đô thị trong các năm tới”, PGS.TS Vũ Minh Khương nói.
Do đó, PGS,TS Vũ Minh Khương kiến nghị Hà Nội và TP HCM nên “bắt tay” thử nghiệm đầu tư xây dựng ở mỗi TP 1 đến 2 tuyến đường sắt đô thị đáp ứng được các tiêu chí như có tính khả thi cao, tác động lớn, chi phí thu hồi đất thấp, được các nhà đầu tư quan tâm, có giá trị học hỏi cho các dự án tiếp theo...
Thời gian hoàn tất các dự án thử nghiệm này là trước năm 2030, chú trọng bảo đảm 3 tiêu chí lớn là chất lượng, giá thành, tiến độ thực hiện.
Còn theo nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, muốn phát triển đường sắt đô thị thì phải triển khai đồng bộ công tác quy hoạch, bảo đảm quy hoạch đi trước.
Trong bối cảnh chúng ta đang điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, trong đó có hệ thống đường sắt thì cần nghiên cứu và chuẩn hóa quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị, làm rõ số tuyến xây dựng và có kế hoạch thực hiện bảo đảm khả thi.
“Đồng thời, kiến nghị xây dựng 1 nghị quyết của Quốc hội về xây dựng hệ thống đường sắt đô thị với nhiều cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho việc thực hiện”, ông Lê Quang Hùng đề xuất.
Trong Quy hoạch giao thông vận tải Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050, tới năm 2030, đường sắt đô thị được kỳ vọng là "xương sống" của mạng lưới giao thông vận tải thành phố. Loại hình này đáp ứng khoảng 30% nhu cầu đi lại của người dân trong đô thị hạt nhân và từ 15% - 25% ở đô thị vệ tinh.
Khi hoàn thành, được gắn kết với xe buýt và các phương thức vận tải công cộng khác, hệ thống đường sắt đô thị không chỉ giúp cho việc đi lại của người dân dễ dàng hơn, giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của các khu vực và đô thị dọc tuyến.
Theo Kết luận 49-KL/TW của Bộ Chính trị, trong 12 năm tới Hà Nội phải hoàn thành được gần 405 km còn lại, với kinh phí cần bố trí thực hiện là khoảng 37 tỷ USD, tương đương khoảng 850.000 tỷ đồng. Điều này là khó khả thi về mặt thời gian cũng như bố trí nguồn lực.
Thực tế chậm triển khai, đội vốn các dự án đường sắt đô thị thời gian qua cho thấy vẫn còn nhiều bất cập. Nổi lên là việc thiếu gắn kết với tái cấu trúc không gian đô thị, thiếu kết nối với chính hệ thống giao thông, khó khăn trong việc tiếp cận nhà ga.
Nếu không được giải quyết sẽ làm giảm đáng kể hiệu quả khai thác và tính ưu việt của loại hình giao thông công cộng khối lượng lớn này.
Những bất cập nêu trên, cùng với dự báo dân số Hà Nội đến năm 2030 tăng lên khoảng 11,5 triệu người, ùn tắc giao thông diễn biến ngày càng phức tạp, sẽ tiếp tục tạo ra các gánh nặng, kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Từ kinh nghiệm thực tiễn trên thế giới, để giải quyết các vấn đề trên thành phố cần nghiên cứu, áp dụng mô hình Phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) cho việc phát triển hệ thống đường sắt đô thị nhằm đảm bảo tính tổng thể, tầm nhìn dài hạn của phát triển đô thị theo hướng bền vững, trong đó giao thông công cộng trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.