Hải Phòng: Chậm tiến độ giải ngân gói tín dụng mua nhà ở xã hội
Sau một năm triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay mua nhà ở xã hội, Hải Phòng đang bị chậm tiến độ.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hải Phòng, tính đến ngày 31/7/2024, mới chỉ có 3/5 dự án nhà ở xã hội tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi 120.000 tỷ đồng, số dư đạt 75,51 tỷ đồng.
Trong đó, các tổ chức tín dụng giải ngân cho Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng PG đối với dự án xây dựng khu chung cư cho người thu nhập thấp tại Khu dân cư An Đồng với dư nợ 31,5 tỷ. Giải ngân cho 54 khách hàng mua nhà ở xã hội tại 384 Lê Thánh Tông và dự án nhà ở công nhân khu Tràng Duệ với dư nợ 13,51 tỷ đồng. Và Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Hải Phòng giải ngân cho vay theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP đối với 62 khách hàng với dư nợ 30,5 tỷ đồng.
Hải Phòng cũng đã có 3 văn bản công đối với 5 dự án nhà ở xã hội thực hiện gói vay tín dụng với tổng nhu cầu vay vốn là 6.780 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Xây dựng TP Hải Phòng, số kinh phí mà phía ngân hàng cam kết chỉ là 3.820 tỷ đồng, trong đó 3.330 tỷ đồng vay thương mại và 490 tỷ đồng vay từ gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng. Đến nay, nguồn vốn vay thương mại mới giải ngân được 415 tỷ đồng. Vay gói 120.000 tỷ đồng được 39,1 tỷ đồng.
Theo phản ánh của các chủ đầu tư, việc tiếp cận với gói tín dụng trên còn khá khó khăn và lãi suất khá cao tiệm cận với lãi suất vay thương mại. Mức lãi suất áp dụng trong nửa đầu năm 2024 là 8%/năm đối với chủ đầu tư, đối với người mua nhà là 7,5%. Mức lãi suất áp dụng từ ngày 1/7 đến ngày 31/12/2024 mặc dù lãi suất có giảm nhưng không đáng kể.
Cụ thể, đối với người mua nhà là 6,5%, đối với chủ đầu tư dự án là 7%. Bên cạnh đó, thời hạn được hưởng lãi suất ưu đãi ngắn, 3 năm đối với chủ đầu tư và 5 năm đối với khách hàng cá nhân. Ngoài ra, nguồn vốn hỗ trợ cho khách hàng cá nhân thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội TP Hải Phòng theo Nghị định 100/2024/NĐ-CP của Chính phủ chưa được bố trí trong giai đoạn năm 2024-2025.
Bà Trần Thị Hiền - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hải Phòng cho biết, vốn cho vay nhà ở xã hội đến từ 2 nguồn lực. Một nguồn từ 4 Ngân hàng Nhà nước và 4 ngân hàng ngoài nhà nước. Nguồn thứ hai là hỗ trợ người mua nhà ở xã hội đến từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Theo nội dung Nghị định 100 của Chính phủ, nguồn này đến từ vốn phân bổ của Trung ương và của địa phương. Năm 2024, do Ngân hàng Chính sách xã hội chưa được cấp vốn nên có trường hợp dù nhận hồ sơ xong rồi nhưng chưa thể giải ngân. Khi nào ngân hàng nhận được nguồn vốn cấp sang sẽ giải quyết cho các hồ sơ Ngân hàng Chính sách xã hội đang thụ lý.
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho biết, tỷ lệ giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng vay mua nhà ở xã hội mới đạt 1%, với số tiền 1.234 tỷ đồng. Trong đó, giải ngân cho chủ đầu tư khoảng 1.202 tỷ đồng, chiếm 97,4%. Số tiền giải ngân cho người dân vay mua nhà khoảng 32 tỷ, chiếm 2,6% .
Ông Đính nhận định, tỷ lệ giải ngân còn thấp vì làm nhà ở xã hội còn nhiều vấn đề khó khăn. 5 khó khăn chính gồm: Quỹ đất, quy hoạch, thủ tục, vốn và đầu ra. Trong đó, khó khăn với chủ đầu tư có khó khăn trong tìm quỹ đất, thủ tục rườm rà, tốn thời gian chi phí nhưng vẫn phải thực hiện. Phải dành tỷ lệ tối thiểu 20% diện tích nhà ở xã hội cho thuê và chỉ được bán sau 5 năm sử dụng. Quy định về lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội còn chồng chéo, chưa thống nhất với quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu, đất đai...
Ngoài 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước, BIDV, Vietinbank, Agribank, Vietcombank thì có thêm Ngân hàng Tiên Phong (TPbank) và VPBank đã có văn bản đăng ký tham gia chương trình với số tiền đăng ký của mỗi ngân hàng là 5.000 tỷ đồng. Hiện, Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thiện hồ sơ dự thảo Tờ trình, Nghị quyết điều chỉnh nội dung Chương trình 120.000 tỷ đồng tại Nghị quyết số 33/NQ-CP theo hướng giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng mua từ 3 - 5% (đối với khách hàng là chủ đầu tư thì giữ nguyên mức hỗ trợ 1,5-2%) – ông Đính cho biết thêm.
Ông Nguyễn Quang Ngọc - Phó Trưởng Ban chính sách tín dụng Agribank cho biết, tại TP Hải Phòng, đến 31/7/2024, dư nợ cho vay triển khai Nghị quyết 33 là 4.264 triệu đồng với 19 khách hàng là người mua nhà tại 2 Chi nhánh Bắc Hải Phòng và Đông Hải Phòng. Chi nhánh Bắc Hải Phòng giải ngân 3.700 triệu đồng cho 15 khách hàng là Người mua nhà tại Dự án nhà ở xã hội thuộc Khu đô thị - dịch vụ thương mại và nhà ở công nhân Tràng Duệ (Evergreen Tràng Duệ). Chi nhánh Đông Hải Phòng giải ngân 564 triệu đồng cho 4 khách hàng là Người mua nhà tại Dự án Khu đô thị mới Hoàng Huy New City.
Hiện, Agribank đang đã phê duyệt 1 dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, tại địa chỉ số 39 Lương Khánh Thiện, Hải Phòng với tổng mức cấp tín dụng là 260 tỷ đồng, dự kiến sẽ giải ngân trong thời gian tới. Đồng thời, số lượng dự án đang tiếp cận và dự kiến tiếp cận là 12 dự án, số tiền dự kiến đề xuất trên 5.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, Agribank nhận thấy nhu cầu vay vốn nhà ở xã hội trên địa bàn TP Hải Phòng nói riêng và cả nước nói chung vẫn không nhiều lắm. Do đó, Agribank mong muốn được tiếp cận với chủ đầu tư và người dân có nhu cầu vay vốn để phát triển và mua nhà ở xã hội – ông Ngọc chia sẻ.
Cùng với vấn đề lãi suất, hiện giá nhà ở xã hội tại Hải Phòng đang là rào cản lớn để nhà ở xã hội đến gần với người dân hơn, tác động trực tiếp đến nhu cầu vay gói 120.000 tỷ đồng mua nhà ở xã hội chưa thực sự thu hút người vay.