Xuất khẩu rau quả kỳ vọng vượt kế hoạch tỷ USD
Xuất khẩu rau quả 8 tháng năm 2024 ước đạt 4,58 tỷ USD, tăng 29,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT), trong tháng 8/2024 xuất khẩu rau quả của Việt Nam ước đạt hơn 700 triệu USD, tăng 26,8% so với tháng trước và tăng 50,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Đây là một trong những tháng có giá trị xuất khẩu rau quả cao nhất năm do rơi vào giai đoạn cao điểm thu hoạch sầu riêng tại Tây Nguyên. Lũy kế 8 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả ước đạt 4,58 tỷ USD, tăng 29,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất với gần 2,5 tỷ USD rau quả từ Việt Nam trong 7 tháng đầu năm, chiếm tới 64% thị phần. Tiếp đến là Hoa Kỳ, Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu lần lượt đạt 189 và 188 triệu USD, tăng 31% và 51%, chiếm 4,88% và 4,87% về thị phần.
Đáng chú ý, Thái Lan đã vươn lên vị trí thứ tư trong danh sách các thị trường nhập khẩu rau quả từ Việt Nam. Trong 7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Thái Lan đạt 123 triệu USD, tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái…
VINAFRUIT kỳ vọng tổng kim ngạch xuất khẩu rau củ quả năm 2024 có thể đạt 6,5-7 tỷ USD, vượt mục tiêu 6 tỷ USD. Song, cũng cảnh báo “nền kinh tế lớn thứ hai thế giới” đã nâng tiêu chuẩn kiểm soát hàng nhập khẩu về nguồn gốc, chất lượng an toàn thực phẩm và dịch bệnh động thực vật. Đơn cử, gần đây nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc liên tục bị cảnh báo về chất lượng.
Do đó, VINAFRUIT đề nghị các doanh nghiệp cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, đảm bảo hàng xuất đi đạt chất lượng cao để giữ uy tín. Các hành vi kinh doanh thiếu trách nhiệm gây ảnh hưởng đến uy tín của ngành cần bị xử phạt nghiêm.
Theo Chủ tịch VINAFRUIT Nguyễn Thanh Bình, mặc dù xuất khẩu rau quả có sự tăng trưởng ấn tượng nhưng ngành vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó có nỗi lo chất lượng.
“Vấn đề về chất lượng, nhất là rau quả còn chưa cao, thể hiện ở sự đồng đều của sản phẩm, vẫn tồn tại dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nên cần có giải pháp để xử lý”, ông Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, còn có hiện tượng tranh mua, tranh bán khi thị trường biến động, nhất là ở vùng nguyên liệu xảy ra nghiêm trọng. Đây là vấn đề tồn tại đã lâu, dù có nhiều giải pháp nhưng chưa giải quyết tốt được khi thị trường biến động, nhất là sầu riêng.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng cho rằng quy trình sản xuất, chế biến của các hộ sản xuất và doanh nghiệp chưa hoàn toàn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về chất lượng, yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng.
“Quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, phân tán, thiếu liên kết, chất lượng chưa ổn định, phần lớn sản phẩm xuất khẩu còn ở dạng thô, thiếu chế biến sâu”, ông Nguyễn Anh Sơn nói.
Trước thực trạng trên, để cạnh tranh xuất khẩu bền vững đòi hỏi sản phẩm rau quả của Việt Nam phải nâng cao hơn về chất lượng. Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, Bộ sẽ cùng các địa phương kiểm soát, hạn chế gia tăng diện tích, sản lượng với một số trái cây đang tăng trưởng nóng, vượt quy hoạch như sầu riêng thông qua việc khuyến cáo các điều kiện vùng trồng, giống, quy trình canh tác, thu hoạch….
Cùng với đó, tăng cường hoạt động thanh kiểm tra, giám sát các mã vùng trồng, đóng gói xuất khẩu theo các yêu cầu thị trường nhập khẩu.