Sửa Luật Quảng cáo: Cần phân hóa rõ hơn trách nhiệm của các chủ thể liên quan
Để tránh tình trạng lợi dụng các phương tiện để truyền tải nội dung quảng cáo sai sự thật, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng, góp ý Dự thảo Luật Quảng cáo (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, cần phân hóa rõ hơn trách nhiệm của các chủ thể liên quan…
Trong bối cảnh hoạt động quảng cáo đang có sự chuyển dịch từ quảng cáo theo hình thức truyền thống sang hình thức quảng cáo trên môi trường mạng và dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới kéo theo sự khó khăn trong công tác quản lý Nhà nước do việc ràng buộc trách nhiệm, phát hiện và xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo trên phương tiện này áp dụng với một loại chủ thể không giới hạn phạm vi lãnh thổ.
Đặc biệt Luật Quảng cáo năm 2012 cũng chưa có quy định cụ thể về quyền, trách nhiệm của đối tượng tham gia, quy trình phát hiện và xử lý vi phạm mà nằm rải rác tại một số văn bản dưới Luật nên hiệu quả quản lý chưa cao.
Để giải quyết hiện trạng đã nêu, góp ý Dự thảo Luật Quảng cáo (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, phân hóa rõ hơn trách nhiệm của các chủ thể liên quan.
Nhìn nhận về Dự thảo Luật (sửa đổi), ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, điểm sửa đổi đáng chú ý tại Dự thảo Luật là đã bổ sung khái niệm người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, đưa ra các quy định về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của những cá nhân này. Đây chính là những điểm mới quan trọng của lần sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo này.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, trên thực tế, tiếp thị sử dụng người có ảnh hưởng (KOL, KOC) đang ngày càng phổ biến, có tác động lớn đến hành vi của người tiêu dùng. Kết quả điều tra cho thấy, có đến 79% số người tiêu dùng mua hàng sau khi được KOL đề xuất, mức chi tiêu của doanh nghiệp cho loại hình này cũng tăng cao trong thời gian qua.
“Điều 15a của Dự thảo Luật đưa ra quy định “các cá nhân này chịu trách nhiệm liên đới trong trường hợp nội dung quảng cáo không bảo đảm các yêu cầu” là rất cần thiết để duy trì môi trường quảng cáo lành mạnh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”, vị này đánh giá.
Tuy nhiên, theo ông Đậu Anh Tuấn, cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục “gia cố” các điều khoản liên quan tại Dự thảo Luật để làm rõ hơn trách nhiệm của mỗi chủ thể trong hoạt động quảng cáo, từ đó có cơ sở phân định trách nhiệm của mỗi bên khi có vấn đề xảy ra. Bởi, trên thực tế, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mới là chủ thể chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Người chuyển tải sản phẩm quảng cáo chỉ là người chuyển tải thông điệp của nhãn hàng đến người tiêu dùng dựa trên tài liệu doanh nghiệp cung cấp. Những cá nhân này không đủ điều kiện và năng lực để kiểm chứng độ chính xác trong các thông tin được cung cấp.
Trong khi đó, quy định “trách nhiệm liên đới” nếu đối chiếu với quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015 sẽ thấy hậu quả pháp lý với những người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là khá nặng.
“Do đó, bên cạnh quy trách nhiệm pháp lý cho các cá nhân này, thì phải phân hóa trách nhiệm cụ thể giữa các chủ thể liên quan đến hoạt động quảng cáo”, ông Đậu Anh Tuấn góp ý.
Đồng thời cho rằng, các nhãn hàng sẽ phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm (bao gồm cả công dụng, tính năng sản phẩm) và chịu trách nhiệm về nội dung, thông tin, tài liệu cung cấp cho KOL, KOC. Các cá nhân người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có trách nhiệm phải bảo đảm sự phù hợp với các nội dung được doanh nghiệp cung cấp.
Đồng quan điểm, góp ý Dự thảo Luật Quảng cáo (sửa đổi), một số ý kiến cũng cho rằng, với sự phát triển mạnh mẽ của Internet, mạng xã hội và sự phát triển các công nghệ, kỹ thuật quảng cáo hiện đại, bên cạnh các hình thức quảng cáo trực tiếp/offline truyền thống, các hình thức quảng cáo online, livestream bán hàng trên các mạng xã hội ngày càng phát triển đa dạng, nên chuẩn hóa, bổ sung các khái niệm để đảm bảo bao quát cả các hình thức quảng cáo truyền thống vừa phản ánh được sự phát triển các hình thức quảng cáo mới, qua các phương tiện điện tử, qua mạng Internet.
Trong đó, cần chuẩn hóa khái niệm “người chuyển tải sản phẩm quảng cáo” và “sản phẩm quảng cáo”, cụ thể, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo và cách truyền đạt sản phẩm quảng cáo có vai trò rất quan trọng trên nhiều khía cạnh như giới thiệu tính năng, tiện ích của sản phẩm, dịch vụ đến người tiêu dùng; quảng bá hình ảnh công ty, doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm đồng thời còn có vai trò quyết định/đóng góp lớn việc chốt đơn hàng, hợp đồng, từ đó tăng doanh thu, lợi nhuận cho tổ chức/doanh nghiệp, cá nhân quảng cáo đặc biệt trường hợp người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người nổi tiếng, nghệ sỹ, người thành công trong các lĩnh vực nghệ thuật, khoa học công nghệ, truyền thông, người có ảnh hưởng...
Nên chuẩn hóa khái niệm “người chuyển tải sản phẩm quảng cáo” và “sản phẩm quảng cáo” theo hướng vừa giữ đặc trưng của quảng cáo truyền thống theo Luật Quảng cáo 2012, vừa bổ sung các các đối tượng chuyển tải sản phẩm, hình thức quảng cáo mới.
Được biết, theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10 tới đây.