Sửa Luật Đầu tư công: Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Đánh giá việc sửa đổi Luật Đầu tư công là cần thiết, song góp ý sửa đổi Luật, các chuyên gia đề xuất sửa đổi một số nội dung nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 13/6/2019 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Luật Đầu tư công năm 2019 trong thời gian qua cũng bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc.
Chẳng hạn, việc phân cấp, phân quyền chưa triệt để, một số trình tự, thủ tục còn phải trình, báo cáo qua nhiều cấp, gây mất thời gian và ảnh hưởng đến tiến độ triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn; một số nội dung còn chồng chéo, chưa được quy định cụ thể hoặc còn có nhiều cách hiểu đối với cùng một nội dung, gây lúng túng cho các bộ, cơ quan và địa phương trong triển khai…
Mặt khác, đầu tư công càng ngày càng đóng vai trò quan trọng, là một trong các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế, giúp ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo công ăn việc làm cho người dân và doanh nghiệp, bảo đảm an sinh xã hội và về lâu dài góp phần tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ cho phát triển. Do đó, cần thiết phải nghiên cứu, sửa đổi Luật Đầu tư công để hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư công nhằm tối ưu hóa, tăng cường hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.
Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất xây dựng Luật Đầu tư công (sửa đổi) tập trung vào các nhóm chính sách như luật hoá các chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Chính phủ về các cơ chế, chính sách thí điểm đã được Quốc hội cho phép áp dụng và phát huy hiệu quả trong thời gian qua; tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhằm phát huy tính linh hoạt, chủ động, đề cao trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các ngành, các địa phương trong quản lý và thực hiện dự án, kế hoạch đầu tư công; nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư dự án, đa dạng hoá các hình thức, phương thức quản lý, thực hiện dự án, huy động năng lực quản lý và nguồn lực của địa phương, các thành phần kinh tế khác trong thực hiện dự án đầu tư công…
Góp ý vào đề nghị, nhiều ý kiến cho rằng, cần tháo gỡ kịp thời những vấn đề như vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài, giải ngân vốn ngân sách…, đặc biệt là tính thống nhất và đồng bộ giữa Luật Đầu tư công và các luật khác như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Xây dựng… rà soát về tính tương thích và phù hợp của dự án Luật với các Hiệp định, Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã kí kết hoặc tham gia…
Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Trần Quang Anh, Vụ Pháp chế và Kiểm soát nội bộ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng, Luật Đầu tư công 2019 không quy định các nội dung cấp phép bố trí ngân sách trung ương cho doanh nghiệp nhà nước để đầu tư vào hỗ trợ nợ, đầu tư cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích, phúc lợi xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ cũng như nguồn vốn ngân sách nhà nước để duy trì, bảo dưỡng, xây dựng các công trình hồ đập, thủy lợi.
Điều này dẫn tới việc một số doanh nghiệp như Tổng Công ty Cà phê Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ giao dự án đầu tư nhưng chưa được bố trí vốn ngân sách nhà nước khiến tiến độ các dự án bị chậm trễ.
“Vì vậy, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung nội dung này để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Để giảm bớt các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp đầu tư, ông Bùi Phương Đông, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu quy định trình tự, thủ tục áp dụng với các nguồn vốn vay ODA cho các doanh nghiệp vay lại theo hướng trình tự, thủ tục đầu tư về vốn ban đầu sẽ tuân theo Luật Đầu tư công còn quá trình thực hiện dự án đầu tư sẽ được xác định như quy trình vay thương mại và tuân theo quy định pháp luật chuyên ngành.
Ngoài ra, ông Bùi Phương Đông cũng đề xuất cho phép các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được làm cơ quan chủ quản dự án đầu tư công và đề nghị làm rõ việc cho phép doanh nghiệp có 100% vốn điều lệ do Nhà nước sở hữu là cơ quan chủ quản thực hiện dự án đầu tư công theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ là như thế nào.
Bên cạnh những vấn đề đã nêu, về sự phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung cơ sở chính trị để ban hành Luật là 1 trong 3 đột phá chiến lược của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII về cải cách thể chế, Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới và một số nghị quyết khác có liên quan tới đầu tư công.
Về tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, Thứ trưởng lưu ý cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định với Hiến pháp và các luật khác như Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp, Luật Ngân sách nhà nước…
Ngoài ra, cơ quan chủ trì soạn thảo cũng cần rà soát lại nội dung về phân loại dự án; dự án triển khai trên hai hoặc nhiều đơn vị hành chính; nghiên cứu các giải pháp để rút ngắn thời gian thực hiện dự án như chuẩn bị đầu tư hiệu quả, tăng cường cắt giảm thủ tục hành chính…