Thiệt hại vô cùng lớn khi nước tràn vào khoang lái ô tô
Mùa mưa đã đến, những cơn mưa lớn kéo dài, khiến cho nhiều đường phố chìm trong biển nước. Đây là nỗi kinh hoàng với những chiếc xe ô tô. Nếu để nước tràn vào trong khoang lái thì thiệt hại vô cùng lớn.
Ông Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại và sửa chữa ô tô QĐ 361 (Hà Nội) cho biết, hầu như năm nào cũng vậy, cứ đến mùa mưa, khi những trận mưa lớn làm ngập lụt đường phố, lại có không ít ô tô bị nước tràn vào khoang lái. Những chiếc xe kiểu sedan, hatchback có gầm thấp thường “dính đòn” nhiều nhất.
Nguyên nhân khiến nước tràn vào khoang lái là do xe đi vào, hoặc đỗ ở những khu vực nước ngập sâu, trong khi hệ thống gioăng cửa xe đã cũ, lão hóa, bị nứt, vênh, giảm khả năng ngăn nước. Ngoài ra, còn do gioăng và keo dán kính lái, kính hậu, cửa sổ trời... bị hở, khi gặp mưa to nước chảy vào bên trong.
Nếu xe bị nước tràn vào khoang lái nhiều thì thiệt hại rất lớn. Nước sẽ phá hỏng hoặc gây trục trặc các bộ phận điện của xe. Bệ trung tâm là khu vực chứa rất nhiều hệ thống điều khiển phức tạp như hộp số, hệ thống điều khiển đa năng thông minh, đàm thoại…khi bị ngập nước sẽ dẫn đến các hậu quả lâu dài như hoạt động trục trặc, tín hiệu không chính xác, dễ bị chập cháy.
Với nhiều dòng xe, hệ thống điều khiển túi khí đặt ngay dưới sàn xe ở khu vực bệ trung tâm. Nước lọt vào có thể làm tê liệt hoạt động của hệ thống này. Túi khí sẽ không bung khi có va chạm, gây nguy hiểm đến tính mạng.
Nước tràn vào nhiều thì hệ thống dây điện chạy quanh thân xe sẽ bị ảnh hưởng. Các đầu nối của hệ thông điện sẽ bị nước thâm nhập, hệ thống loa, hệ thống chiếu sáng bị ảnh hưởng nặng nề.
Cùng với đó, tùy mức độ nước tràn vào nhiều hay ít, nội thất khoang lái như: ghế ngồi, các tấm ốp thậm chí cả trần xe cũng bị ảnh hưởng. Nhất là ghế ngồi, phần đệm mút sẽ ngậm nước, nhiều xe có điều khiển điện sẽ bị nước phá hủy.
Theo ông Tuấn Anh, nhiều người đi ô tô điện cứ nghĩ không bị thủy kích, nên thoải mái lội nước, đó là sai lầm. Nếu để nước tràn vào khoang lái hãy coi chừng, bởi ô tô điện còn có pin đặt ở dưới sàn có thể bị ngấm nước.
Để xử lý tình trạng này khá phức tạp. Trước hết phải dỡ nội thất ra để sấy khô toàn bộ bằng máy chuyên dụng. Việc làm khô này đảm bảo rằng nước không bị đọng ở bất cứ vị trí nào trên sàn xe, đồng thời loại bỏ toàn bộ hơi ẩm, mùi, ẩm mốc và vi khuẩn. Tiếp đến là kiểm tra hệ thống điện ở thân xe, đặc biệt là khu vực phía dưới bệ trung tâm, dưới taplo và bên trong ốp cửa. Hệ thống điện bị nhiễm nước sẽ rất nguy hiểm, dễ gây chập điện và cháy. Các loại dây dẫn, giắc nối đều phải được kiểm tra kỹ và xì khô. Những gì hỏng phải bỏ và thay mới. Cho dù xử lý, khắc phục thế nào, cũng không dám chắc chắn những xe này sẽ hoạt động bình thường, ổn định như trước. Có không ít xe sau khi khắc phục hết rồi nhưng vẫn gặp trục trặc, luôn thấy bất an khi vận hành.
Tùy từng trường hợp, mức độ nặng, nhẹ mà đánh giá thiệt hại. Nếu để nước tràn vào khoang lái thì thiệt hại nhẹ nhất cũng khoảng 30% giá trị, còn ngập nặng tới nắp capo thì coi như bỏ. Trên thực tế đã có chiếc Toyota Camry bị nước ngập tới nắp capo và tràn vào khoang lái, đưa ra sửa chữa thì nhận hóa đơn báo giá hơn 600 triệu đồng. Vì vậy, tốt nhất là đừng để nước tràn vào khoang lái.
Nhiều xe bị nước tràn vào khoang lái, sau khi khắc phục xong là chủ nhân thường rao bán ngay với giá khá rẻ. Mua phải những chiếc xe này sẽ rất mệt mỏi, ông Tuấn Anh cho biết.