Quyết liệt chống khai thác thủy sản trái phép trên Vịnh Hạ Long
Quảng Ninh đang đẩy mạnh việc kiểm tra nghiêm ngặt, kiểm soát, kiên quyết xử lý những trường hợp cố tình vi phạm khai thác thủy sản trái phép trên Vịnh Hạ Long.
Hạ Long không chỉ được đánh giá là vùng giàu tiềm năng về du lịch, đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên… đây còn là vùng đất giàu nguồn lợi thủy sản của cả nước. Hiện, với diện tích khoảng 1.553 km2, là nơi hội tụ của gần 2.000 hòn đảo lớn nhỏ không chỉ tạo nên không gian cảnh quan hùng vĩ cho Vịnh Hạ Long. Nơi đây còn là chỗ trú ẩn, sinh sống và phát triển của nhiều loại thủy, hải sản, ước tính khoảng 1.151 loài động vật, trong đó có khoảng 300 loài động vật nhuyễn thể, 500 loài cá, 57 loài cua… Vịnh Hạ Long được đẩy mạnh nuôi trồng và khai thác các loài như bào ngư, hải sâm, sá sùng, tôm, cá, mực, bạch tuộc, sò huyết, trai và điệp nuôi lấy ngọc trai, đem lại nguồn lợi lớn cho ngư dân.
Là một trong 28 địa phương có biển trong cả nước, tỉnh Quảng Ninh luôn xác định tầm quan trọng của việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (khai thác IUU), coi việc gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Suốt thời gian qua, Quảng Ninh nói chung và Hạ Long nói riêng đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, giám sát, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục người dân, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế cho người dân, đẩy mạnh nuôi trồng thủy hải sản để hạn chế đánh bắt.
Song, mặc dù đã có nhiều quy định nghiêm ngặt về cấm sử dụng ngư lưới cụ khai thác tận diện và quy định về vùng cấm đánh bắt trong vùng lõi Vịnh Hạ Long, cùng với công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức cho ngư dân nhưng tình trạng vi phạm vẫn thường xuyên diễn ra.
Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Công an tỉnh, lãnh đạo Thành ủy, UBND TP Hạ Long, từ đầu năm 2024 đến nay, Công an TP Hạ Long đã phối hợp với các lực lượng, tăng cường tuần tra. Kết quả đã bắt giữ 44 vụ tàu cá vi phạm trong lĩnh vực thủy sản, tai nạn an toàn giao thông, xử phạt vi phạm hành chính các tàu cá vi phạm với tổng số tiền 635 triệu đồng, với các hành vi vi phạm chủ yếu là: khai thác thủy sản trong khu vực cấm khai thác; sử dụng ngư cụ cấm để khai thác thủy sản; tàng trữ ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản.
Thế nhưng, nhiều chủ tàu đã giúp nhau “qua mắt” đội ngũ tuần tra hoặc có nhiều hành vi cố tình khai thác trái phép… gây nhiều khó khăn cho việc triển khai công tác chống khai thác thủy sản trái phép, nhất là ở các vùng lõi Vịnh.
Trung tá Trần Văn Đảm - Đội phó Đội CSGT-TT, Công an TP Hạ Long cho biết: Do đặc thù hoạt động trên biển nên khi có lực lượng chức năng đi tuần tra, kiểm soát, thông qua bộ đàm và điện thoại di động, các ngư dân thường thông báo cho nhau bỏ trốn hoặc tạm dừng các hành vi đánh bắt trái phép. Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng đi khỏi thì hoạt động khai thác trái phép lại tiếp diễn, gây khó khăn cho các lực lượng làm nhiệm vụ.
Được biết, Quảng Ninh luôn xác định công tác chống khai thác thủy sản trái phép trên vịnh Hạ Long là nhiệm vụ lâu dài, thường xuyên, liên tục trong thời gian tới, bám sát các chỉ đạo của tỉnh, đặc biệt Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 10/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác quản lý và phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản trên biển. Hiện, các lực lượng chức năng của tỉnh và TP Hạ Long vẫn đang tiếp tục ra quân kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi khai thác thủy hải sản trái phép trên biển tại vùng vịnh, tuyến lộng thuộc phạm vi quản lý. Cùng với đó, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về chống khai thác IUU, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của bà con ngư dân trong khai thác hải sản cũng được UBND tỉnh Quảng Ninh ưu tiên hàng đầu.
Lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh cũng đang tích cực triển khai, mở đợt cao điểm tuần tra, quyết liệt xử lý các trường hợp khai thác thủy sản trái phép, không đúng theo quy định. Trong đó, riêng Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Hòn Gai, Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, từ đầu năm 2024 đến nay, qua công tác phối hợp tuần tra kiểm soát, phát huy vai trò tai mắt từ quần chúng nhân dân, đơn vị đã chủ trì và phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện xử lý 45 vụ với 45 phương tiện vi phạm trong lĩnh vực quản lý bảo vệ biên giới quốc gia; giao thông thủy nội địa, lĩnh vực thủy sản, lĩnh vực thương mại, xử phạt hành chính 753 triệu đồng, tiêu hủy 115 m² lưới cước, hàng chục giã cào bằng sắt.
Trung tá Lê Thanh Công - Phó đồn trưởng nghiệp vụ, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Hòn Gai chia sẻ: Trong thời gian tới, để thực hiện tốt công tác đấu tranh phòng chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Hòn Gai sẽ chỉ đạo các trạm, tổ đội tăng cường công tác tuần tra kiểm soát. Đặc biệt xử lý nghiêm các phương tiện không có đăng ký, đăng kiểm hoạt động khai thác thủy sản, chở khách du lịch đi câu đêm trên Vịnh Hạ Long. Đồng thời tuyên truyền tới ngư dân, các du khách về các quy định IUU; không tham gia vào các hoạt động du lịch tự phát, trái phép.
Mặt khác, việc nghiêm cấm đánh bắt thủy hải sản trái phép, nhất là các hành vi khai thác tận diệt trong vùng lõi Vịnh Hạ Long góp phần bảo vệ môi trường biển, tránh tình trạng suy giảm, cạn kiệt, tàn phá hệ sinh thái dưới biển khiến nhiều loài thủy hải sản từng có ở Vịnh Hạ Long bị “xóa sổ”. Đồng thời, bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị Di sản - Kỳ quan Thiên nhiên Thế giới Vịnh Hạ Long. Tùy theo tính chất, mức độ, người có hành vi đánh bắt thủy sản tận diệt có thể bị xử phạt hành chính hoặc hình sự.
Việc dừng khai thác thủy sản trong vùng lõi Vịnh Hạ Long và có lộ trình từng bước chấm dứt hẳn hoạt động khai thác trên Vịnh, là giải pháp để đảm bảo đời sống ổn định, bền vững lâu dài cho chính người dân sinh sống khu vực ven biển, nghề biển Quảng Ninh.
Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản nhằm phát triển thủy sản bền vững, đồng thời thúc đẩy gỡ “thẻ vàng” của EU, hiện Quảng Ninh đang đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền cho tất cả ngư dân cũng như đội ngũ cán bộ các cấp về tầm quan trọng của công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chống đánh bắt thủy sản bất hợp pháp IUU đối với sinh kế lâu dài cũng như đời sống, thu nhập của ngư dân; coi đây là nhiệm vụ xuất phát từ nhu cầu bức thiết phát sinh từ nội tại, chứ không phải chỉ là việc để gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EU.