Doanh nghiệp

Hải Dương: Doanh nghiệp may khởi sắc

Trung Thành 26/08/2024 02:27

Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp may tại Hải Dương khởi sắc. Nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết tháng quý 1/2025.

Đơn hàng tăng

Đại diện Công ty TNHH May mặc Makalot Việt Nam cho biết, năm nay, đơn hàng của công ty đạt khoảng 78 triệu sản phẩm, tăng khoảng 20% so với năm ngoái.

Thời điểm này, công ty đã nhận đủ đơn hàng của năm 2025. Khách hàng của doanh nghiệp vẫn là các thị trường truyền thống như Mỹ, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU), nhưng đơn hàng nhiều hơn.

Hiện nay đơn hàng tăng cao, nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất về nhiều. Tuy nhiên, điều chúng tôi lo lắng là nếu tình trạng thiếu hụt lao động xảy ra sẽ ảnh hưởng kế hoạch sản xuất. Hầu hết các thời điểm trong năm, doanh nghiệp đều thiếu công nhân và đăng tuyển dụng lao động liên tục. Thậm chí, nhiều khách hàng muốn tăng sản lượng nhưng do không đủ nhân công nên doanh nghiệp chỉ nhận đủ đơn hàng.

2.jpg
Thời gian gần đây, các doanh nghiệp may ở Hải Dương dần phục hồi và có dấu hiệu khởi sắc (Ảnh minh họa)

Thời điểm cuối năm 2023 và đầu năm 2024, do ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế toàn cầu nên Công ty gặp rất nhiều khó khăn, có thời điểm phải cắt giảm lao động. Trước những khó khăn đó, lãnh đạo Công ty đã năng động tìm kiếm thêm những nguồn hàng mới để duy trì sản xuất.

Hiện nay, khi ngành may có dấu hiệu phục hồi, các khách hàng đối tác đã tự tìm đến, ký kết nhiều hợp đồng với doanh nghiệp, công nhân làm không hết việc. Hiện, hơn các công nhân đang tập trung sản xuất cho đơn hàng đi các thị trường châu Mỹ và châu Âu.

Năm nay, kế hoạch sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty TNHH May Tinh Lợi cũng tăng khoảng 10% so với năm 2023. Để bảo đảm đơn hàng, công nhân đã tăng ca 2 giờ/ngày. Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu chính của doanh nghiệp. Dù không mở rộng thị trường nhưng đơn hàng của đối tác vẫn đều đặn. Vì thế, công nhân có việc làm ổn định, tăng thu nhập.

Chia sẻ về nguyên nhân giúp dệt may khởi sắc, lãnh đạo Công ty cho biết: Nhiều đối tác trước đây đặt hàng ở Bangladesh do nhân công rẻ nhưng vì một số nguyên nhân, trong đó có chất lượng không đảm bảo nên năm nay đã chuyển sang Việt Nam.

Ngoài tiếp tục tăng cường biện pháp kiểm soát chặt chất lượng để bảo đảm uy tín, Công ty đã linh hoạt tổ chức sản xuất, đầu tư các thiết bị công nghệ mới tăng năng suất lao động nhằm giảm chi phí nhân công…

Đến thời điểm này, doanh nghiệp đã ký được đơn hàng đến hết năm 2024 và sang đầu năm 2025.

Được biết, kinh tế thế giới vẫn đang ảm đạm, trong khi đó, chi phí điện, nước, cước phí vận tải, lương tối thiểu cùng các quy định mới sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của ngành dệt may. Ngoài ra, sau một thời gian không có đơn hàng, công nhân nghỉ việc, nay đơn hàng trở lại, các doanh nghiệp dệt may lại gặp khó trong việc tìm nhân sự.

Công ty TNHH May Formostar Việt Nam ở TP Hải Dương có hơn 1.000 công nhân, lao động chuyên sản xuất hàng may mặc. Theo đại diện công ty, các đơn hàng hiện đã đủ đến cuối năm 2024. Mỗi tháng, doanh nghiệp sản xuất khoảng 250.000 sản phẩm. Hiện nay, sản phẩm của doanh nghiệp xuất khẩu đi các thị trường Mỹ (chiếm đến 80%), EU và châu Á.

Để bảo đảm kịp tiến độ các đơn hàng, công ty đã bổ sung nhiều loại máy móc hiện đại, tự động như máy lập trình, ép là, cắt trải vải, cấp cúc, hệ thống chuyền treo…

Nâng cao năng lực cạnh tranh

Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh Hải Dương, 7 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất của nhóm ngành may mặc tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2023.

3.jpg
Sản lượng của ngành may của Hải Dương đều phục vụ xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc (Ảnh minh họa)

Được biết, năm 2023, ngành may mặc của Hải Dương gặp khá nhiều khó khăn do các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU, Nhật Bản đều suy giảm vì lạm phát. Trong đó, nhiều doanh nghiệp may mặc Trung Quốc quay trở lại sản xuất làm nguồn cung tăng đột biến trong khi cầu thấp, gây áp lực lớn lên giá sản xuất hàng hóa... Hầu hết doanh nghiệp trong các ngành này thiếu hụt đơn hàng, nhiều công nhân phải nghỉ việc hoặc làm việc luân phiên.

Theo lãnh đạo Sở Công thương, bước sang năm 2024, ngành may mặc đã dần phục hồi và trên đà tăng trưởng tích cực, khởi sắc. Từ đầu năm đến nay, sức mua hàng may mặc trên thị trường thế giới đang dần được cải thiện khi các thị trường lớn đã kiềm chế được lạm phát.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp mở rộng nhà xưởng, và những doanh nghiệp này đã có những tín hiệu tích cực như dự án Tinh Lợi 3, Công ty TNHH Best Pacific, Công ty TNHH Quốc tế Ngân Tường… cũng góp phần tăng sản lượng của ngành.

Được biết, hiện nay có khoảng 25% doanh nghiệp dự báo số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu quý I/2025, 65% đơn hàng hết quý 4/2024 và số còn lại các đơn hàng đã ký hết quý 3/2024.

Quý 1/2025, các chuyên gia kinh tế dự báo, sẽ có nhiều điểm sáng cho ngành dệt may hơn quý 1/2024, nhất là tại những thị trường xuất khẩu truyền thống. Việt Nam được đánh giá là điểm đến an toàn, kinh tế vĩ mô trong nước tiếp tục ổn định, dự báo tăng trưởng cao hơn.

Dù vậy, do phần lớn các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh Hải Dương vẫn hoạt động theo hình thức gia công, chưa có thương hiệu và giá trị gia tăng thu về còn hạn chế nên chưa tận dụng được cơ hội và dư địa do các FTA mang lại.

Trong khi đó, thị trường thế giới vẫn biến động rất khó lường, khó khăn vẫn còn nhiều nên không được chủ quan, mà cần tiếp tục có giải pháp nâng cao sức chống chịu, nâng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Các chuyên gia khuyến cáo, hiện nay, thị trường đang ấm dần, nhiều tập đoàn bán lẻ trong khối thành viên FTA như Canada, châu Âu… đã tìm đến Việt Nam để tìm kiếm chuỗi cung ứng có giá thành cạnh tranh.

Chính vì thế, các doanh nghiệp Hải Dương cần tận dụng tối đa cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), tham gia các chuỗi cung ứng để có khả năng cung cấp trọn gói sản phẩm dệt may. Cùng với đó, tận dụng tối đa cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do FTA trong sử dụng lao động, sử dụng nguyên liệu đầu vào, đáp ứng phát triển bền vững khi xuất khẩu.

Chủ động chuẩn bị điều kiện thiết bị, năng lực quản trị, sản xuất với năng suất, chất lượng cao nhất để đón “sóng” đơn hàng mới. Xa hơn, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh, tiến đến xây dựng thương hiệu riêng, đáp ứng tiêu chuẩn về phát triển bền vững.

Trung Thành