Sớm tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà
Để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư lắp đặt điện mặt trời mái nhà, chúng ta cần hỗ trợ hơn nữa về phương án lắp hệ thống lưu trữ BESS cùng với hệ thống này, chẳng hạn như cho phép nâng tỷ lệ công suất hệ thống điện mặt trời gắn BESS cao hơn công suất phụ tải hiện hữu.
Đây là chia sẻ của TS Trần Huỳnh Ngọc - Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu phát triển PECC2 với Diễn đàn Doanh nghiệp.
Thưa ông, là thành viên thuộc đơn vị nghiên cứu, ông có những góp ý nào cho Dự thảo Nghị định quy định Điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu đang được lấy ý kiến hoàn thiện?
Tôi cho là hầu hết các yếu tố kỹ thuật đều đã được hướng dẫn (ở mức độ phù hợp) trong dự thảo Nghị định. Tuy vậy, có 1 vấn đề khiến tôi băn khoăn là quy định trong dự thảo về việc không cho phép sử dụng các thiết bị quang điện, inverter nhập khẩu đã qua sử dụng.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, tính đến tháng 7 năm 2023 có khoảng 1.030 hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất xấp xỉ 400 MWp đã được các tổ chức, cá nhân lắp đặt (chủ yếu là các công ty TNHH, khu công nghiệp) với mục đích tự dùng tại chỗ. Đây là những nơi thực sự có nhu cầu, có động lực tự dùng vì họ đã lắp mà không cần bán lên lưới. Vậy với quy định này thì các hệ thống điện mặt trời mái nhà đã lắp tại các khu công nghiệp, các tổ chức (không phải hộ gia đình, nhà ở ở riêng lẻ) đấu nối lưới điện quốc gia này sẽ khó mà được công nhận, ngay cả trong trường hợp họ tự tháo ra, đăng ký và lắp lại theo đúng quy trình trong dự thảo Nghị định.
Mặt khác, tôi thấy cần có hướng dẫn thêm của EVN, tương tự như việc hướng dẫn thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg. Đặc biệt là đối với trường hợp một hồ sơ đăng ký không đáp ứng yêu cầu do vấn đề ảnh hưởng đối với lưới điện (nếu có), các cơ quan điện lực sẽ phản hồi về biện pháp giái quyết như thế nào để chủ cơ sở có thể điều chỉnh công suất hoặc nộp lại hồ sơ vào một thời điểm sau đó, khi mà cơ sở hạ tầng lưới điện đã sẵn sàng.
Tuy vậy, vẫn có vấn đề cần lưu tâm là việc cân bằng pha trong hệ thống ba pha lưới phân phối. Phát tuyến phân phối đã được thiết kế và vận hành cân bằng 3 pha trước khi có các nguồn điện mặt trời mái nhà. Việc lắp đặt các nguồn này thường theo phụ thuộc nhu cầu của các chủ hộ tiêu thụ, trong đó có các hộ tiêu thụ điện một pha, và nếu không được kiểm soát theo tiêu chí cân bằng pha thì sẽ dẫn đến khả năng mất cân bằng pha, nhất là vào các thời điểm điện mặt trời phát công suất cao. Tôi cho là yếu tố này sẽ được điện lực địa phương phản hồi với cơ sở đăng ký trong giai đoạn nộp hồ sơ.
Chính sách điện mặt trời mái nhà sẽ dành cho ba nhóm đối tượng gồm hộ dân cư, công sở/văn phòng và khu công nghiệp, vậy theo ông nhóm đối tượng nào sẽ được hưởng lợi ích nhiều hơn?
Tôi thấy về hiệu quả đầu tư điện mặt trời mái nhà của nhóm thứ ba cao hơn, vì những lý do sau:
Thứ nhất, nhóm này có thể sử dụng gần như hoàn toàn sản lượng điện mặt trời mái nhà trong ngày, đặc biệt trong 2 ngày cuối tuần và buổi trưa.
Thứ hai, nhóm sản xuất công nghiệp chịu áp giá điện theo thời gian cao ứng với khoảng thời gian từ 9h30 sáng đến 17h (khung giờ cao điểm và khung giờ bình thường), là khoảng thời gian có thể sử dụng điện mặt trời để thay thế việc mua điện từ lưới.
Thứ ba, là giải quyết được áp lực chuyển đổi xanh, đặc biệt với các doanh nghiệp xuất khẩu, tôi nghĩ đây cũng là một phần nguyên nhân mà Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia phân bổ chỉ tiêu cho các tỉnh theo quy mô diện tích đất khu công nghiệp (theo Quyết định 362).
Với nhóm một và nhóm hai, hiệu quả đầu tư trong việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu tuy không cao bằng nhóm ba, nhưng nếu tính toán mức công suất lắp phù hợp để có hệ số tải cao thì vẫn có thể thu hồi vốn trong vòng vài năm, do giá bán lẻ điện bình quân đã tăng cao hơn giá FIT2 (2020) trong khi chi phí đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà hiện nay đã giảm đi so với năm 2020. Việc cho phép bán điện dư lên lưới là một biện pháp giúp tăng hiệu quả đầu tư của các nhóm này, do giảm lãng phí điện năng vào giờ phát đỉnh của tấm PV (giờ nghỉ trưa). Tuy vậy, với dự kiến giá bán điện thỏa thuận thấp hơn giá điện năng thị trường bình quân trong năm trước liền kề, giá này cần sớm được thống nhất chi tiết để các cơ sở ước tính được hiệu quả đầu tư.
Vậy việc đầu tư hệ thống lưu trữ BESS kết hợp cùng với điện mặt trời mái nhà thì doanh nghiệp có tận dụng được tối đa sản lượng điện mặt trời mái nhà không, thưa ông?
Với các cơ sở sản xuất được áp giá điện theo thời gian, việc đầu tư BESS có thể giúp lưu trữ sản lượng ĐMTMN dư thừa buổi trưa (sau 11h30) để dùng cho buổi chiều tối (17h-20h), nhưng việc này phát sinh thêm chi phí đầu tư. Việc giới hạn công suất điện mặt trời mái nhà nhỏ hơn hoặc bằng phụ tải hiện hữu với các dự án có BESS khiến cho hiệu quả sử dụng và nhu cầu dùng BESS giảm đi. Việc này sẽ giảm ý nghĩa khuyến khích việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà có gắn thêm BESS.
Về vấn đề này tôi sẽ nhắc đến giới hạn chỉ tiêu phát triển điện mặt trời mái nhà, căn cứ vào quy tắc phân bổ chi tiêu trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, tôi ước tính mỗi 50 ha đất khu công nghiệp được quy đổi xấp xỉ 1MW chỉ tiêu hoặc bé hơn. Trong khi đó, với 0.8 ha diện tích mái, có thể lắp đặt 1MW điện mặt trời. Để nhận định khách quan nhất về tiềm năng lắp điện mặt trời mái nhà của các khu công nghiệp thì cần có con số cụ thể về diện tích phần mái nhà còn chưa sử dụng, nhưng nhìn vào tỉ lệ 50/1 và 0.8/1, tôi thấy cần đặt ra câu hỏi rằng liệu con số chỉ tiêu của các tỉnh có đủ để giúp các cơ sở trong các khu công nghiệp khai thác tối ưu diện tích mái của họ cho lắp đặt điện mặt trời mái nhà chưa?
Nếu câu trả lời là chưa thì giới hạn 2600MW là còn thấp so với nhu cầu, tiềm năng phát triển điện mặt trời mái nhà của các khu công nghiệp. Đấy là chưa xét đến các văn phòng, công sở với mục tiêu 50% cơ sở lắp đặt điện mặt trời mái nhà đến 2030 như Quy hoạch điện 8 đã đề ra.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa có đủ thông tin hoặc chưa nhận thức đầy đủ về lợi ích và cơ hội của việc sử dụng điện mặt trời, cũng như chưa có được thông tin đầy đủ về hệ sinh thái hỗ trợ họ trong việc này, từ việc khai thác các ưu đãi về vốn, thuế, … cho đến việc được đào tạo, tư vấn các vấn đề kỹ thuật liên quan.
Với phân tích về các lợi ích và vướng mắc ở trên ông có những đề xuất nào giúp cho các doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời mái nhà được hiệu quả hơn?
Từ những phân tích trên, tôi có vài đề xuất như sau:
Một là, cần nâng cao khả năng tiếp cận thông tin và nhận thức của các doanh nghiệp về các vấn đề quy định, kỹ thuật, tài chính…liên quan đến điện mặt trời mái nhà thông qua các buổi Hội thảo, các khóa đào tạo ngắn. Cụ thể như Diễn đàn về điện mặt trời mái nhà qua các năm do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp (VCCI) tổ chức là một ví dụ.
Hai là, giá bán điện thừa cho lưới điện sớm được thống nhất, làm rõ hơn nữa sau khi ban hành Nghị định để các chủ cơ sở lắp đặt dễ dàng đánh giá hiệu quả đầu tư. Đồng thời cần sớm có các hướng dẫn cụ thể của các bên liên quan trong việc phối hợp đánh giá xét duyệt hồ sơ, và việc nghiệm thu công trình sau khi ban hành nghị định để doanh nghiệp đỡ mất thời gian phải chờ đợi thông tư hướng dẫn.
Ba là, cần có điều chỉnh, quy định phù hợp để tạo điều kiện công nhận cho các công trình điện mặt trời mái nhà đã lắp đặt tại các tổ chức sau ngày 31/12/2020 và trước thời điểm ban hành nghị định.
Bên cạnh đó, cần có biện pháp khuyến khích, hỗ trợ hơn nữa cho việc lắp BESS cùng với điện mặt trời mái nhà, chẳng hạn như cho phép nâng giới hạn công suất hệ thống điện mặt trời mái nhà gắn BESS cao hơn công suất phụ tải hiện hữu.
Bốn là, cần xem xét nâng chỉ tiêu lắp đặt điện mặt trời mái nhà theo thời gian (theo sự phát triển của lưới điện và phụ tải). Có thể là thay đổi theo từng năm, thay vì giới hạn 2600MW như hiện nay. Bởi việc này có liên hệ với quy hoạch điện, và tôi thấy một số cơ quan báo chí có nêu chỉ đạo của Phó Thủ tướng về việc đánh giá các điều kiện để tăng chỉ tiêu điện mặt trời mái nhà.
Năm là, về quota công suất của địa phương thì tôi cho rằng, từ tỉ lệ 50/1 và 0.8/1 đã nói ở trên, nảy sinh câu hỏi là chỉ tiêu công suất hiện tại liệu có đáp ứng nhu cầu sử dụng của các cơ sở hay không? Việc này, như tôi đã phân tích, cần được khảo sát để có con số chính xác. Thế nhưng, tôi cho là với động lực chuyển đổi xanh như hiện nay thì nhu cầu lắp đặt của các doanh nghiệp rất cao, và một cách định tính thì tôi cho là chỉ tiêu công suất cần được điều chỉnh tăng thêm.
Do vậy, tổng chỉ tiêu này được giới hạn trong Quy hoạch điện 8, do đó việc điều chỉnh cần được thực hiện sau khi sửa đổi Quy hoạch điện 8. Bởi cơ sở của việc xác định chỉ tiêu điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu toàn quốc sẽ phụ thuộc vào quy hoạch tổng thể các nguồn điện, trong đó có yếu tố tiến độ phát triển các nguồn điện hiện tại.
Ngoài ra, việc xem xét cơ sở hạ tầng lưới điện, đặc biệt là các ảnh hưởng kỹ thuật của điện mặt trời mái nhà đối với việc vận hành lưới điện phân phối, lưới điện truyền tải, cũng là một yếu tố quan trọng để đánh giá khả năng mở rộng chỉ tiêu này.
Trân trọng cảm ơn ông!