Việt Nam lần đầu tổ chức Hội nghị quốc tế về phục hồi chức năng trong ICU
Lần đầu tiên, Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị quốc tế thường niên “Vận động sớm và Phục hồi chức năng trong ICU” lần thứ 8, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (ICURehab 2024), vào 24 và 25/08/2024.
Hội nghị diễn ra tại Viện Nghiên cứu Tâm Anh, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh do Hội Vật lý trị liệu Việt Nam (VNPTA), Viện Nghiên cứu Tâm Anh (TAMRI), Mạng lưới Vận động sớm Châu Á Thái Bình Dương và Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OCRU) tổ chức.
Hội nghị quy tụ gần 300 diễn giả và chuyên gia hàng đầu thế giới và trong nước từ Hoa Kỳ, Úc, Bỉ, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia… Đông đảo đội ngũ chuyên gia, bác sĩ, kỹ thuật viên trong lĩnh vực Phục hồi chức năng, Hồi sức tích cực - Chống độc, Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Lọc máu, Dinh dưỡng… thuộc Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh và các bệnh viện lớn tham dự.
Tại Hội nghị, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết tại Việt Nam lĩnh vực phục hồi chức năng chưa được đầu tư đồng bộ, đúng mức. Bác sĩ khoa ICU thường tập trung điều trị, cứu sống người bệnh nhưng chưa chú trọng tập vật lý trị liệu và vận động sớm khi bệnh nhân vừa qua giai đoạn nguy kịch. Hội nghị hứa hẹn thúc đẩy áp dụng những cải tiến trong thực hành lâm sàng, từ đó nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh. Hội nghị chứng minh quyết tâm của các chuyên gia và lãnh đạo trong việc nâng cao hơn nữa lĩnh vực này tại Việt Nam.
ThS Trần Văn Dần, Chủ tịch Hội Vật lý trị liệu Việt Nam, Kỹ thuật viên Trưởng Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết người bệnh được chỉ định nằm phòng ICU (Hồi sức tích cực - Chống độc) thường là đang trong tình trạng nguy kịch hoặc bệnh có nguy cơ trở nặng như suy đa tạng, đột quỵ, nhồi máu cơ tim, sốc tim, viêm phổi nặng, xẹp phổi, xuất huyết tiêu hóa nặng, hôn mê gan, viêm tụy cấp, suy thận cấp, người bệnh tiểu đường hôn mê. Các trường hợp chấn thương, đuối nước, điện giật, sốc nhiễm khuẩn, ngộ độc… cũng thuộc dạng này.
Tập phục hồi chức năng sớm trong ICU cần được cân nhắc triển khai khi người bệnh tỉnh lại, vượt qua giai đoạn nguy kịch và có thể vẫn còn nằm trên giường. Điều này giúp người bệnh giảm đau, hồi phục nhanh hơn, giảm thời gian điều trị và hiệu quả điều trị bền vững kéo dài hơn, giảm nguy cơ tái điều trị. Đồng thời, giảm các biến chứng như xẹp phổi, teo cơ, loét tì đè, biến chứng nghiêm trọng về hô hấp, tim mạch…
GS.TS Dale Needham, Giám đốc chương trình chăm sóc tích cực và phục hồi chức năng, Bệnh viện trường Đại học John Hopkins, Hoa Kỳ, cho biết người bệnh nằm ICU thường cần sự hỗ trợ của máy thở nên ảnh hưởng chức năng hô hấp, hạn chế vận động. Lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến nhiều chức năng trong cơ thể. Trung bình mỗi tuần nằm ICU, người bệnh mất 4-5% khối lượng cơ, yếu cơ, giảm 13-16% chức năng các tạng, suy đa tạng. Khoảng 50% người bệnh nằm ICU trong 12 tháng khó trở lại làm việc như bình thường.
Phục hồi chức năng trong ICU cần kết hợp giữa tập hô hấp, vận động và các chức năng khác bao gồm: Vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu, công nghệ dụng cụ trợ giúp. Ví dụ, với phục hồi chức năng giao tiếp và nuốt ở bệnh nhân ICU mở khí quản, Tiến sĩ Charissa, Đại học Melbourn (Úc) cho biết ngôn ngữ trị liệu trong ICU giúp tái định hướng lại luồng khí của bệnh nhân. Nhờ đó, thúc đẩy tái nhạy cảm hóa vùng thanh quản, cải thiện chức năng sử dụng dây thanh và khả năng tự bảo vệ đường thở và nuốt. Đồng thời, cải thiện cách bệnh nhân xử lý dịch tiết, cách nói chuyện, ho, hỗ trợ cai ống và ăn qua đường miệng.
Ngôn ngữ trị liệu phục hồi chức năng trong ICU còn giải quyết vấn đề về giao tiếp. Giúp bệnh nhân thể hiện tính tự chủ, bày tỏ nhu cầu và cùng nhân viên y tế tham gia vào quá trình ra quyết định điều trị.
Trường hợp khác, TS.BS.CKII Phan Thị Xuân, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Tâm Anh TP HCM, cho biết những lợi ích của việc sử dụng máy oxy dòng cao HFNC trong điều trị bệnh nhân ICU. Người bệnh càng tăng thời gian thở máy thì nguy cơ tử vong càng cao. Sử dụng máy HFNC giúp cải thiện tình trạng suy hô hấp cho bệnh nhân, cải thiện oxy máu, nồng độ oxy hít vào, độ ẩm hít vào, cải thiện hoạt động của lông mao, biểu mô đường thở, tăng thải chất nhầy… Nhờ đó, giảm được nhiều nguy cơ.
Các chuyên gia khẳng định phục hồi chức năng sớm trong ICU rất quan trọng, tuy nhiên tiêu chí an toàn của người bệnh luôn được đặt lên hàng đầu. Người bệnh cần được đánh giá khả năng đáp ứng tập luyện với sự hội chẩn của đa chuyên khoa liên quan. Nếu đáp ứng tập và trong suốt quá trình tập, người bệnh cần được kiểm tra, điều chỉnh mức độ tập phù hợp hàng ngày.
Người bệnh có thể tập từ đơn giản đến nâng cao. Tùy mức độ, có thể tập tại giường với các động tác cơ bản, tập tay, tập gậy, tập cử động chân có kháng lực, thậm chí chơi game giúp cải thiện các chức năng phối hợp. Các chương trình tập với thiết bị, máy móc chuyên dụng sẽ được triển khai với sự phối hợp giữa các chuyên gia ICU và phục hồi chức năng, vật lý trị liệu.
ThS Trần Văn Dần cho biết, qua thời gian, chuyên ngành phục hồi chức năng được nghiên cứu, tạo ra và cải tiến dần nhiều thiết bị, máy móc hiện đại. Ví dụ, hiện nay tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh có thể đáp ứng 95% yêu cầu về protocol, thiết bị, máy móc phục hồi chức năng chuyên dụng trong ICU và gần 100% trong chấn thương chỉnh hình, cơ xương khớp.
Bệnh viện Tâm Anh ứng dụng các kỹ thuật, thiết bị, máy móc chuyên dụng hiện đại từ cơ bản đến nâng cao trong phục hồi chức năng đa ngành như: Máy tập thụ động CPM ngay trên giường bệnh, máy vỗ rung tập cho vận động và hô hấp, máy điện xung điều trị 62 dòng, máy laser công suất cao, radio trúng đích… Các bài tập khoa học được thiết kế riêng cho từng bệnh nhân giúp giảm đau, cải thiện chức năng hô hấp, cơ hô hấp, hạn chế tình trạng mất cơ, teo cơ do bất động chi trong thời gian dài.
Sau khi hồi phục, rời khỏi ICU, người bệnh tiếp tục được tập phục hồi chức năng, vật lý trị liệu với các chương trình tập luyện cá nhân hóa và các thiết bị chuyên dụng. Bác sĩ sẽ theo sát quá trình tập luyện và phục hồi của bệnh nhân, thay đổi kịp thời giúp bệnh nhân đạt hiệu quả cao nhất.
Nhiều chuyên đề hữu ích được báo cáo tại Hội nghị như: “Tổng quan lý luận và chứng cứ về phục hồi chức năng trong ICU” của GS.TS Dale Needham, Giám đốc chương trình chăm sóc tích cực và phục hồi chức năng, Bệnh viện trường Đại học John Hopkins, Hoa Kỳ; “Ứng dụng lượng giá cơ trong di chuyển sớm ở bệnh nhân nặng” và “Đánh giá vận động cho bệnh nhân thở máy” của ThS. Thomas Rollinson, chuyên viên Vật lý trị liệu Austin Health, Đại học Melbourn, Úc; “Ứng dụng đánh giá vận động cho bệnh nhân thở máy” của TS.BS Phùng Trần Huy Nhật, AstraZeneca; “Phục hồi chức năng trong ICU tại Việt Nam: Thực trạng, thách thức và giải pháp” của ThS Nguyễn Ngọc Minh, chuyên viên Vật lý trị liệu, Đại học Y Dược TPHCM, Việt Nam;...