24h

Nam Định: Siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh thương mại điện tử

Minh Huệ 27/08/2024 00:06

Cuối năm là thời điểm hoạt động khuyến mãi kích cầu mua sắm diễn ra sôi động trên các trang thương mại điện tử. Tuy nhiên, thị trường này luôn tiềm ẩn nguy cơ buôn bán hàng lậu, kém chất lượng...

Mua bán trên mạng ngày càng phổ biến

Việc mua bán hàng hóa, dịch vụ trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) hoặc mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok đang ngày càng trở nên phổ biến mang lại nhiều tiện ích cho cả người bán và người mua, trở thành kênh phân phối, tiêu thụ sản phẩm quan trọng. Tuy nhiên, "sân chơi" lớn này cũng đang bị các đối tượng lợi dụng để kinh doanh hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, thậm chí cả hàng cấm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của người tiêu dùng, thiệt hại cho những doanh nghiệp chân chính.

Thị trường TMĐT luôn tiềm ẩn nguy cơ buôn bán hàng lậu, kém chất lượng (Ảnh minh họa)
Thị trường thương mại điện tử luôn tiềm ẩn nguy cơ buôn bán hàng lậu, kém chất lượng (Ảnh minh họa)

Theo Cục quản lý thị trường Nam Định: Những tháng cuối năm được coi là thời điểm "vàng" cho cả người tiêu dùng và những nhà bán lẻ, doanh nghiệp. Bắt tay nhau tổ chức sự kiện khuyến mãi quy mô lớn vào thời điểm ngày và tháng trùng số đang là xu hướng mà các sàn TMĐT tại Việt Nam triển khai. Xuất phát từ trào lưu Ngày Độc thân 11/11 hàng năm, các sàn mở rộng "cuộc đua" khuyến mại với các ngày như 9/9, 10/10 và 12/12...

Sắp tới đây, với lễ hội mua sắm 9/9, các sàn TMĐT sẽ tiếp tục ghi nhận nhu cầu shopping online mạnh mẽ của người dùng. Bên cạnh những sản phẩm hỗ trợ việc học và làm tại nhà như laptop, dụng cụ học tập, các khóa học online thì sản phẩm chăm sóc sức khỏe, làm đẹp, trang điểm và thiết bị thể thao cũng được mua nhiều dịp này.

Hiện nay, chỉ cần click chuột vào bất kỳ trang TMĐT nào, người tiêu dùng cũng có thể thuận tiện đặt hàng với những mức chiết khấu. Vào những dịp khuyến mãi kích cầu mua sắm, mức giảm sâu càng thu hút các tín đồ mua sắm online.

Ngoài ra, các sàn đều tận dụng tối đa xu hướng mua sắm kết hợp giải trí thông qua game, livestream, tổ chức show ca nhạc... bên cạnh việc tặng mã giảm giá, ưu đãi vận chuyển...

Tuy nhiên, theo nhận định của lực lượng Quản lý thị trường Nam Định, thời điểm cuối năm nhu cầu tiêu dùng tăng cao, vẫn nạn buôn bán hàng giả, gian lận thương mại, hàng nhập lậu... trên môi trường TMĐT sẽ diễn biến phức tạp và gia tăng. Do đó, trong thời gian tới, lực lượng Quản lý thị trường sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác quản lý để bảo vệ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính cũng như quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. TMĐT sẽ tiếp tục bùng nổ trong thời gian tới đi liền với hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến phức tạp. Vì vậy lực lượng quản lý thị trường sẽ tập trung triển khai các kế hoạch kiểm tra, xử lý một cách chuyên nghiệp, bài bản với hoạt động kinh doanh trên internet.

Siết chặt

Theo Ban Chỉ đạo chống gian lận thương mại tỉnh Nam Định: Thời gian qua, các ngành thành viên Ban Chỉ đạo đã phối hợp phát hiện nhiều vụ việc vi phạm pháp luật khi kinh doanh trên nền tảng TMĐT. Trong đó, Cục Quản lý thị trường phối hợp với lực lượng Công an phát hiện, xử lý hàng chục vụ việc vi phạm, xử phạt gần 100 triệu đồng với nhiều hành vi như: trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu. Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; không thông báo website TMĐT bán hàng với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng hoặc cung ứng dịch vụ đến người tiêu dùng; hàng hóa vi phạm tập trung vào nhóm sản phẩm như mỹ phẩm, thực phẩm, đồ điện tử, thời trang...

81.jpg
Lực lượng Quản lý thị trường thu giữ hàng hóa vi phạm tại kho hàng ở xã Mỹ Tiến - Mỹ Lộc (Ảnh Báo Nam Định)

Cục Thuế tỉnh Nam Định cũng đã có giải pháp tăng cường thực hiện quản lý và thu thuế đối với cá nhân, hộ kinh doanh có hoạt động kinh doanh TMĐT qua các mạng xã hội, sàn giao dịch TMĐT, qua tổ chức trung gian vận chuyển COD, logistics và cá nhân cung cấp dịch vụ, sản phẩm nội dung thông tin số (quảng cáo, phần mềm, bản quyền). Bình quân số thuế từ hoạt động TMĐT trên địa bàn tỉnh đã nộp ngân sách Nhà nước khoảng 3 tỷ đồng/tháng. Lực lượng Công an đã phát hiện, khởi tố, điều tra hàng chục vụ việc liên quan đến tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Con số này trên thực tế còn quá ít so với thực trạng hoạt động kinh doanh TMĐT. Các cơ quan chức năng rất khó quản lý các cá nhân kinh doanh online qua mạng xã hội do các đối tượng kinh doanh này thường không đăng ký kinh doanh, không có địa chỉ kinh doanh, cư trú rõ ràng, sử dụng tên đăng ký tài khoản trên mạng lại khác với tên ngoài đời thực... thậm chí không bày bán hàng hóa thực tế.

Nhiều người hoạt động kinh doanh TMĐT tại Việt Nam nhưng không bị giới hạn về không gian, thời gian giao dịch giữa người bán, người mua, liên quan đến các yếu tố nước ngoài, không được cấp và quản lý bởi các tổ chức đăng ký tên miền tại Việt Nam. Việc lập một tài khoản để giao dịch thương mại hay hủy bỏ rất đơn giản, không bị ràng buộc bởi bất cứ một quy định nào. Khi bị phát giác, truy vết theo số điện thoại đối tượng cung cấp để liên lạc khi bán hàng thì đối tượng cố tình không nghe điện thoại để lẩn tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng và nhanh chóng xóa dấu vết vi phạm.

Đây là kẽ hở khiến nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng để kinh doanh hàng hóa nhập lậu, giả mạo các thương hiệu nổi tiếng, không có hóa đơn chứng từ. Trong khi đó nhiệm vụ quản lý TMĐT lại thuộc trách nhiệm của nhiều bộ, ngành như: Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan về vấn đề nộp thuế, thu ngân sách Nhà nước. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan thúc đẩy tiến độ kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương để thực hiện định danh và xác thực điện tử; đồng bộ dữ liệu dân cư với dữ liệu hộ tịch, thuế, ngân hàng… phục vụ định danh, xác thực cá nhân, tổ chức phòng ngừa các hành vi gian lận, trốn thuế, lừa đảo trong hoạt động TMĐT. Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng các giải pháp công nghệ nhằm tăng cường giám sát, quản lý các giao dịch trên môi trường trực tuyến, chống các hành vi gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Để tăng cường đấu tranh phòng chống, gian lận, lừa đảo trên không gian mạng và bán hàng qua livestream, các ngành chức năng cần tích cực vào cuộc. Trong đó chú trọng việc tuyên truyền trên báo chí, hệ thống thông tin cơ sở, qua tin nhắn và mạng xã hội để nâng cao nhận thức, của người dân về các hành vi, phương thức, thủ đoạn của tội phạm trên không gian mạng, các kỹ năng cơ bản để đảm bảo thông tin cá nhân.

Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các nhà mạng triển khai chuẩn hóa thông tin thuê bao làm cơ sở để xác minh hành vi vi phạm trong kinh doanh TMĐT; triển khai các lớp đào tạo, tập huấn kỹ năng số cho người dân, trong đó có phổ biến kiến thức về an toàn thông tin mạng và phòng chống lừa đảo trực tuyến cho người dân ở khu vực nông thôn.

Các lực lượng chức năng như Quản lý thị trường, Thuế, Công an sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh với loại tội phạm này, cũng như phổ biến, hướng dẫn người dân tích cực cung cấp các nguồn tin về tội phạm và vi phạm pháp luật trên không gian mạng thông qua các số điện thoại, đường dây nóng của các cơ quan chức năng, qua App VNeID của Bộ Công an, Cổng thông tin điện tử…

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Nam Định làm tốt công tác tuyên truyền, cảnh báo người dân về các phương thức, thủ đoạn của tội phạm lợi dụng hệ thống thanh toán điện tử để thực hiện hành vi phạm tội và rà soát, kiểm tra, phát hiện các tài khoản ngân hàng sử dụng dịch vụ Internet Banking và ứng dụng ví điện tử để thực hiện các giao dịch nghi vấn có liên quan đến tội phạm và vi phạm pháp luật.

Để tránh trở thành nạn nhân của những đối tượng lừa đảo trên mạng, người dân trước khi quyết định mua sắm trực tuyến, cần lựa chọn địa chỉ mua sắm uy tín, công khai rõ địa chỉ, danh tính người bán, minh bạch cách thức thanh toán… để tránh bị “tiền mất, tật mang”.

Để ngăn chặn các hành vi vi phạm trên nền tảng trực tuyến, Cục Quản lý thị trường Nam Định sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tập trung xử lý những đường dây, ổ nhóm kinh doanh hàng giả, hàng nhái quy mô lớn trên môi trường internet.

Minh Huệ