Trung tâm thương mại “nỗ lực” xanh hoá
Xu hướng tiêu dùng xanh, bền vững ngày càng được nhiều người lựa chọn. Các doanh nghiệp phát triển trung tâm thương mại cũng đang nỗ lực triển khai các sáng kiến để lan toả và thúc đẩy lối tiêu dùng này.
Theo một nghiên cứu của Cushman & Wakefield, thế hệ Millennials và GenZ là động lực kinh tế chính và luôn muốn tạo ra sự khác biệt, họ thích những công ty coi trọng trách nhiệm xã hội và sự bền vững của môi trường. Chính vì vậy, để thu hút những thế hệ tiêu dùng này, các nhà phát triển rất chú trọng vào tính bền vững.
Bộ Xây dựng cho biết, Việt Nam chưa có quy định bắt buộc áp dụng đối với công trình xanh, việc phát triển công trình xanh thực hiện theo hình thức tự nguyện, khuyến khích.
Trong khi các toà nhà cũ đã tồn tại nhiều năm không có chứng nhận công trình xanh thì các toà nhà mới có lợi thế hơn trong việc hướng tới các chứng nhận công trình xanh. Tính đến cuối tháng 3/2024, số lượng công trình xanh của Việt Nam đạt khoảng 430 công trình với tổng diện tích khoảng 10 triệu m2 sàn xây dựng.
Theo bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield, việc bổ sung các chứng nhận công trình xanh có thể giúp nâng cao hình ảnh của công ty, của chủ đầu tư và uy tín của các dự án phát triển đó.
Một lợi thế khác, các toàn nhà thương mại thân thiện với môi trường thường có giá thuê cao hơn và giá thị trường tăng cao. Và chúng cũng có khả năng phục hồi tốt hơn trước bất kỳ sự suy thoái nào của thị trường.
Trong đó, một trong những chủ đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ quan tâm đến tiêu chuẩn bền vững phải kể đến Tập đoàn Aeon. Trong đó, dự án Aeon Mall Huế nhận được 2 chứng nhận xanh trong giai đoạn thiết kế: LOTUS Gold (theo tiêu chuẩn đánh giá công trình mới, phiên bản 3) và EDGE. Đây cũng là dự án trung tâm thương mại đầu tiên tại Việt Nam nhận được chứng chỉ EDGE.
EDGE là một hệ thống đánh giá công trình sử dụng tài nguyên hiệu quả, giúp tiết kiệm năng lượng, nước và năng lượng dùng để sản xuất vật liệu xây dựng công trình, qua đó giúp giảm phát thải khí nhà kính. Để đạt chứng nhận EDGE, các dự án cần đảm bảo giảm tiêu thụ ít nhất 20% mức năng lượng, nước và năng lượng hàm chứa trong vật liệu so với với công trình thông thường.
Theo EDGE, kinh doanh "xanh" xuất phát ngay từ khâu xây dựng trung tâm thương mại. Cụ thể, khi được thiết kế để hoạt động tốt ngay từ đầu, các tòa nhà sẽ tiêu thụ ít năng lượng hơn, chi phí vận hành thấp hơn. Giá trị này cũng sẽ quay lại phục vụ trực tiếp khách hàng khi họ tới trải nghiệm tại cơ sở có hạ tầng, giúp bảo vệ sức khỏe, giảm phát thải, bảo vệ môi trường. Công trình xanh cũng được chứng minh giúp doanh nghiệp tăng doanh thu, thu hút và giữ chân khách hàng. Các tòa nhà trung tâm thương mại xanh mang lại doanh thu cho khách thuê hơn tới 8% với tỷ lệ lấp đầy cao hơn tới 23% .
Với cam kết thúc đẩy môi trường bền vững, phát triển kinh tế và thực hiện trách nhiệm xã hội, ngày 25/8 vừa qua, hơn 5000 cây xanh đã được vun trồng xung quanh khu vực trung tâm thương mại Aeon Mall Huế, đóng góp vào chương trình “Cánh rừng quê hương AEON”.
Sự kiện này là một phần trong những nỗ lực không ngừng của Tập đoàn Aeon tại Thừa Thiên Huế, đóng góp vào các chương trình trồng cây trước đó của tập đoàn từ các năm 2010 và 2012 với tổng cộng 72.000 cây trên diện tích 34 hecta rừng tại Lăng Cô.
Tiếp nối sự đóng góp và mối quan hệ bền vững từ hơn 1 thập kỷ trước, hơn 5.000 cây giống bản địa từ 8 loại khác nhau được gieo trồng, bao gồm: mật cật, mẫu đơn, nhài, mai vạn phúc, dành dành, dâm bụt, nguyệt quế, hoàng mai. Bằng việc lựa chọn và trồng các loài cây bản địa, Aeon Mall hướng đến mục tiêu nuôi dưỡng và trồng nên những “khu rừng” dành cho cộng đồng địa phương.
Ông Nguyễn Việt Bằng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Huế khẳng định: “Sự kiện trồng cây để xây dựng một môi trường xanh kết nối đến cộng đồng địa phương của Aeon Mall Việt Nam có ý nghĩa quan trọng, thể hiện vai trò đồng hành, trách nhiệm của doanh nghiệp trên địa bàn đối với chủ trương bảo vệ môi trường, xây dựng thành phố Huế ngày càng xanh-sạch-sáng của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế”.