Kinh tế địa phương

Hải Dương phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế lớn

Hải Ngân 27/08/2024 3:46

Đó là một nội dung quan trọng trong định hướng phát triển để Hải Dương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Hồng.

110.jpg
Tỉnh Hải Dương được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phương án phát triển các KCN đến năm 2030 là 32 KCN với tổng diện tích 5.661 ha

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 891/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

8 tỉnh định hướng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Bắc Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hải Dương, Bình Dương (dự kiến đến năm 2030 là đô thị loại I).

Trong đó, Hải Dương nằm ở vùng đồng bằng sông Hồng, có tăng trưởng đạt 10% trong 6 tháng năm 2024, cao thứ 7/63 cả nước và thứ 3/11 Vùng Đồng bằng sông Hồng. Cụ thể, khu vực công nghiệp và xây dựng ghi nhận mức tăng cao nhất, ước tăng 13,71%, đóng góp 7,38 điểm % vào tăng trưởng chung. Riêng khu vực công nghiệp tăng 14,3%, tiếp tục là mũi nhọn của nền kinh tế.

Trước đó, theo Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt, với tầm nhìn đến năm 2050, Hải Dương phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương văn minh, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa xứ Đông và là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Hồng. Địa phương này cũng phấn đấu trở thành một đô thị hiện đại, xanh, thông minh, an ninh, an toàn, bền vững và hội nhập quốc tế sâu rộng. Phát triển công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao phục vụ các hoạt động sản xuất trên địa bàn và toàn vùng; phát triển kinh tế nông nghiệp đa giá trị tạo sự ổn định cho nền kinh tế.

Theo ông Trần Đức Thắng - Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, Hải Dương quy hoạch đến năm 2030 là tỉnh công nghiệp hiện đại, có quy mô nền kinh tế lớn trong cả nước; kết cấu hạ tầng đồng bộ; hệ thống đô thị xanh, thông minh, giàu bản sắc; đạt một số tiêu chí cơ bản của thành phố trực thuộc Trung ương. Tầm nhìn đến 2050, Hải Dương đạt tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương.

Thực tế, Hải Dương là địa phương có điều kiện giao lưu kinh tế - xã hội, văn hóa với các tỉnh, thành phố nằm trong vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô Hà Nội, vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Không chỉ vậy, địa phương này còn là nơi chuyển tiếp, kết nối giữa các tỉnh, thành phố trong vùng Đông Bắc với các tỉnh phía nam vùng Duyên hải Bắc Bộ.

Do vậy, để đạt được những mục tiêu đã đề ra, trong phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng, Hải Dương sẽ tập trung phát triển công nghiệp theo 4 trụ cột chính. Trong đó, tập trung mở rộng và nâng cao chuỗi giá trị, tận dụng liên kết vùng cho các ngành công nghiệp chủ lực; xây dựng năng lực cạnh tranh chiến lược, tiến tới phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng trong tương lai.

Đồng thời, tỉnh này sẽ duy trì, tái cơ cấu các ngành công nghiệp giá trị sản xuất nhỏ, bảo đảm an sinh xã hội, dừng thu hút đầu tư và phát triển thêm các ngành công nghiệp giá trị thấp, ảnh hưởng môi trường. Đặc biệt, xây dựng Hải Dương thành trung tâm công nghiệp động lực của vùng đồng bằng sông Hồng, gắn với khu kinh tế chuyên biệt, cụm công nghiệp hiện đại và lõi trung tâm đổi mới sáng tạo.

Địa phương này cũng sẽ hình thành 3 vùng công nghiệp gồm: Vùng công nghiệp động lực, vùng công nghiệp hỗ trợ, vùng công nghiệp nặng, chế biến nông lâm thuỷ sản và năng lượng sạch.

111.jpg
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Move Vina, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương

Mới đây, HĐND tỉnh Hải Dương đã thông qua nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng khu công nghiệp (KCN) Hoàng Diệu, huyện Gia Lộc; KCN Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ và đồ án quy hoạch phân khu xây KCN Tân Trường mở rộng, huyện Cẩm Giàng; cùng tỷ lệ 1/2000.

Theo đó, KCN Hoàng Diệu và KCN Hưng Đạo đều có tính chất là KCN tổng hợp đa ngành nhằm thu hút các dự án đầu tư sản xuất công nghiệp có giá trị gia tăng cao, thu hút các ngành nghề theo lĩnh vực thu hút đầu tư của tỉnh Hải Dương và pháp luật có liên quan. Đồng thời, xây dựng, kinh doanh kho bãi, nhà xưởng cho thuê, văn phòng, bãi đỗ xe và hoạt động vận tải, logistics, trung tâm dữ liệu cùng các dịch vụ hỗ trợ phụ vụ cho hoạt động của KCN. Ngoài ra, 2 KCN đều có hệ thống công trình dịch vụ, công trình xã hội công cộng tiện ích, có hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ… Đặc biệt, mục tiêu lập quy hoạch hai KCN này đều nhằm cụ thể hoá quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 và điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng huyện Gia Lộc và huyện Tứ Kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt.

Cùng với việc thông qua nhiệm vụ quy hoạch KCN Hoàng Diệu và KCN Hưng Đạo, HĐND tỉnh Hải Dương cũng đã thông qua đồ án quy hoạch KCN Tân Trường mở rộng, huyện Cẩm Giàng, tỷ lệ 1/2000 với quy mô nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch là hơn 115 ha. Theo đó, KCN Tân Trường sẽ chia thành 5 khu chức năng chính gồm: khu dịch vụ điều hành; khu vực nhà máy kho tàng; khu dịch vụ tiện ích công cộng; khu hạ tầng kỹ thuật, bãi đỗ xe; đất cây xanh, mặt nước.

Ông Bùi Ngọc Hiếu – Giám đốc Công ty TNHH Logistics Tân Hải Long cho biết, được biết, theo phê duyệt Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hải Dương là 1 trong 8 tỉnh được định hướng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Điều này sẽ mở ra không gian phát triển mới cho Hải Dương. Đồng thời, mở ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư đến tìm hiểu và đầu tư tại đây, hình thành các cụm liên kết ngành quy mô lớn. Từ đó, tạo cơ hội để các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logisitcs tham gia vào chuỗi cung ứng này.

Hải Ngân