Chưa đủ điều kiện giao dịch đất đấu giá ngoại thành Hà Nội
Sau khi các phiên đấu giá đất ngoại thành Hà Nội phải tạm dừng để phục vụ công tác kiểm tra thì các lô đất trúng đấu giá trước đó cũng bất ngờ ngừng giao dịch.
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, ngay sau 2 phiên đấu giá đất nóng "bỏng tay" tại huyện Thanh Oai, Hoài Đức, nhiều người lập tức chào bán với mức giá chênh từ 200 đến 800 triệu đồng/lô. Các biển chào bán chênh được cắm tràn lan gần khu đấu giá và xuất hiện nhiều trên các trang tin rao bán bất động sản.
Tuy nhiên, thông tin từ Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Hoài Đức, theo quy định các ô đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì chưa đủ điều kiện để giao dịch.
Theo quy định của Luật Đất đai, người trúng đấu giá quyền sử dụng đất, hoàn thành nghĩa vụ tài chính và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thì mới có thể chuyển nhượng quyền sử dụng đất trúng đấu giá cho người khác. Vì vậy, đối với đất trúng đấu giá nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì không được chuyển nhượng trên thực tế.
Nhìn nhận về tình trạng đấu giá, bán chênh, bà Phạm Thị Miền - Phó trưởng Ban Nghiên cứu thị trường và Tư vấn, xúc tiến đầu tư của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, thị trường đất đấu giá vùng ven Hà Nội đang có dấu hiệu của việc bị “đầu cơ, thổi giá”.
Theo bà Miền, nhiều khả năng có các đội nhóm đang cố tình đẩy giá của một vài lô lên đỉnh điểm để tạo hiệu ứng truyền thông, định hướng dư luận. Sau đó, họ sẽ kiếm lời từ những lô đất khác trong khu vực.
Từ những vấn đề trên, bà Miền đưa ra lời khuyên, các nhà đầu tư, khách hàng có nhu cầu tìm hiểu cũng như mua đất nền vùng ven đặc biệt là khu vực gần nơi đấu giá vừa xảy ra cần phải tỉnh táo.
Còn theo chuyên gia pháp lý bất động sản Nguyễn Văn Đỉnh, vừa qua Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi Luật Đấu giá tài sản, trong đó bổ sung các chế tài để xử lý vi phạm đối với người tham gia đấu giá.
Theo đó, người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá… có hành vi vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Người trúng đấu giá quyền sử dụng đất mà vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá dẫn đến phải hủy kết quả đấu giá thì tùy mức độ có thể bị cấm tham gia đấu giá trong thời hạn từ 6 tháng đến 5 năm.
Quy định này sẽ có hiệu lực từ tháng 1/2025. Như vậy thời gian tới, pháp luật sẽ có quy định để xử lý với người đấu giá rồi bỏ cọc. Tuy nhiên, người dân có thể sẽ nhờ người khác đứng tên tham gia đấu giá, dẫn đến chế tài này không có giá trị răn đe trong thực tế.
“Tôi cho rằng, điều quan trọng là cơ quan quản lý cần kiểm tra, rà soát, phát hiện các dấu hiệu bất thường trong đấu giá để kịp thời xử lý vi phạm, gồm cả truy cứu trách nhiệm hình sự. Để tạo tính răn đe, nhà quản lý cần xử lý nghiêm khắc một số trường hợp điển hình và công khai trước dư luận”, ông Đỉnh đề xuất.