Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số: Cần tập trung ưu đãi đầu tư và cấp phép thử nghiệm
Góp ý xây dựng, hoàn thiện Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, chuyên gia cho rằng, cần tập trung vào 2 mảng chính sách lớn là vấn đề ưu đãi đầu tư và cơ chế cấp phép thử nghiệm…
Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đang Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số với mục tiêu thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển công nghiệp ICT, công nghiệp công nghệ số; tạo môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp này; đóng góp vào chuyển đổi số, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; khai thác hiệu quả, làm chủ các công nghệ chủ chốt của cách mạng 4.0… để giải quyết các bài toán phát triển của Việt Nam.
Luật Công nghiệp công nghệ số quy định về công nghiệp công nghệ số, bao gồm: Hoạt động công nghiệp công nghệ số, sản phẩm, dịch vụ công nghệ số; bảo đảm, thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số; quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan đến công nghiệp công nghệ số. Luật này không quy định về hoạt động sản xuất, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công nghệ số cho mục đích quốc phòng, an ninh, cơ yếu…
Nhìn nhận về Dự thảo Luật này, nhiều ý kiến cho hay, việc xây dựng Luật là cần thiết để đáp ứng thực tế phát triển hiện nay, đặc biệt là định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045… tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện một số chính sách nhằm đáp ứng thực tế phát triển hiện nay.
Góp ý về Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, bà Phạm Thúy Hạnh - Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ cho rằng, Dự thảo cần tập trung vào 2 mảng chính sách lớn là vấn đề ưu đãi đầu tư và cơ chế cấp phép thử nghiệm.
“Theo đó, để phát triển lĩnh vực công nghiệp công nghệ số, quan trọng nhất là ưu đãi đầu tư, thủ tục đầu tư, chính sách, ưu đãi thuế, các chính sách liên quan...”, vị này bày tỏ.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quang Đồng - Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông, Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) cũng cho hay, Chính phủ cũng cần thúc đẩy áp dụng cơ chế quản lý thử nghiệm và cơ chế tự quản dựa trên tiêu chuẩn cộng đồng/ngành được thừa nhận rộng rãi cho các mô hình kinh doanh mới, ứng dụng các công nghệ mới vào đời sống tại Việt Nam.
“Trong ngắn hạn, một sandbox hoàn toàn hữu ích và khả thi là Việt Nam có thể thử nghiệm việc chia sẻ dữ liệu giữa khu vực công với khu vực tư nhân để doanh nghiệp có thể khai thác hiệu quả và tối đa giá trị kinh tế của dữ liệu”, ông Đồng chia sẻ.
Bên cạnh đó, đại diện VDCA cũng đánh giá, quy định “doanh nghiệp tham gia thử nghiệm được miễn trách nhiệm dân sự nếu gây thiệt hại cho Nhà nước, được loại trừ trách nhiệm hành chính, hình sự khi đã tuân thủ đúng, đầy đủ quy định và các yêu cầu theo văn bản cho phép thử nghiệm của cơ quan có thẩm quyền” mang tính đột phá, tạo không gian thử nghiệm an toàn cho các doanh nghiệp triển khai công nghệ số mới.
Tuy nhiên, Dự thảo Luật quy định trường hợp doanh nghiệp thử nghiệm chịu trách nhiệm pháp lý: “Trong quá trình thử nghiệm đã biết hoặc buộc phải biết về nguy cơ rủi ro, nhưng không kịp thời thông tin, báo cáo cơ quan có thẩm quyền và không áp dụng đầy đủ biện pháp phù hợp để ngăn ngừa, hạn chế mức độ thiệt hại có thể xảy ra”, dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp trong thực tế.
Theo ông Đồng, trong quá trình thử nghiệm, có thể cả Nhà nước và doanh nghiệp đều chưa lường hết được toàn bộ rủi ro có thể xảy ra, vì vậy, không thể bắt doanh nghiệp “buộc phải biết” về rủi ro.
Do đó, đại diện VDCA đề xuất, quy định trường hợp doanh nghiệp thử nghiệm phải chịu trách nhiệm pháp lý là “doanh nghiệp có khả năng biết về nguy cơ rủi ro, nhưng không thông báo đến cơ quan có thẩm quyền và không áp dụng đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn đã nêu trong hồ sơ thử nghiệm để ngăn ngừa, hạn chế mức độ thiệt hại có thể xảy ra”.
Các điều kiện doanh nghiệp có khả năng biết về thiệt hại bao gồm: doanh nghiệp tự mình phát hiện ra lỗi của sản phẩm/dịch vụ, người dùng hoặc các bên khác cảnh báo/phản hồi về lỗi của sản phẩm, dịch vụ.
Cùng với các vấn đề đã nêu, góp ý xây dựng, hoàn thiện Dự thảo Luật, một số ý kiến cũng đề xuất, cần xây dựng các chính sách với “khu công nghệ số” trong Luật, để tạo sự đồng bộ với Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo.
Ngoài ra, đối với các chính sách ưu đãi trong khu công nghệ số, cơ quan soạn thảo Luật Công nghiệp công nghệ số nên thuê công ty tư vấn có chuyên môn để rà soát lại từng điều khoản, quy định của pháp luật.
Liên quan Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, cho ý kiến tại Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật mới đây, Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính cũng lưu ý, Dự thảo Luật cần tiếp tục bám sát, quán triệt và thể chế hóa các chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương khóa XIII và Kế hoạch số 13-KH/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22-3-2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…