Chính trị - Xã hội

Khống chế số giờ làm thêm - hợp lý và nghịch lý

Phạm Tuấn 28/08/2024 05:00

Luật nên sửa đổi thời gian tăng ca, thêm giờ theo độ tuổi, cũng như bổ sung thêm vị trí công việc hay ngành nghề đặc thù.

Tại buổi hội thảo định kỳ lắng nghe khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh do Ban Quản Lý Khu Kinh tế Hải Phòng chủ trì, nhiều doanh nghiệp có chung ý kiến về vấn đề nhu cầu, nguyện vọng của người lao động muốn làm thêm giờ, tăng ca, làm ngày nghỉ nhiều hơn để nâng cao thu nhập. Doanh nghiệp cũng muốn người lao động làm tăng ca, thêm giờ, nhưng luật lại bó buộc, ghi rõ tại Điều 107 Bộ Luật Lao Động 2019 và Điều 59 Nghị định 145/2020/NĐ-CP.

nguoilaodong-.jpg
Rất nhiều người lao động mong muốn được làm thêm giờ để tăng thu nhập. Ảnh minh họa

Với quy định rất cụ thể, chi tiết như: Số giờ làm thêm, tăng ca tối đa trong 01 ngày không quá 50% số giờ làm việc bình thường. Làm thêm vào ngày nghỉ lễ, Tết và ngày nghỉ hằng tuần không quá 12 giờ. Số giờ làm thêm, tăng ca tối đa không quá 40 giờ trong 01 tháng. Số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ trong 01 năm. Một số ngành nghề như dệt may, da giày, điện tử, chế biến nông, lâm, diêm nghiệp, thuỷ sản… được nới rộng, nhưng cũng không quá 300 giờ trong 01 năm. Công việc trực tiếp sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp thực hiện thời gian làm việc bình thường không quá 44 giờ trong một tuần. Người sử dụng lao động tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm phải làm thông báo và được sự chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Kinh tế phát triển, việc tăng lương, giảm giờ làm để người lao động có nhiều thời gian nghỉ ngơi, phục hồi, tái tạo sức lao động, sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí, ăn uống, du lịch là điều hết sức hợp lý. Đây là mục đích hướng tới của Chính phủ để xây dựng đất nước “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. Kinh tế phát triển sẽ kéo theo khoa học, kỹ thuật, công nghệ, cũng như văn hoá, nghệ thuật phát triển, tạo thành chuỗi cung ứng liên kết, kéo theo nhiều ngành nghề sản xuất tiến theo, đời sống người dân nâng lên từ vật chất đến tinh thần.

Vấn đề nghịch lý ở đây là việc giảm bớt giờ làm việc chỉ phù hợp với một phần của lực lượng lao động, những người có độ tuổi trung niên trở lên, có nhiều cống hiến, đóng góp trong thời tuổi trẻ. Lương bổng cao, phúc lợi tốt, tích luỹ được tài sản, có nguồn thu nhập thụ động, cần nhiều thời gian để hưởng thụ cuộc sống. Với họ, thời gian làm việc tại cơ quan, nhà máy, xí nghiệp càng giảm, họ càng có thêm thời gian để nghỉ ngơi, chăm sóc gia đình, sử dụng tiện ích dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giải trí. Bằng kinh nghiệm tích luỹ được, họ giải quyết công việc nhanh chóng, hiệu quả với thời gian rất ngắn mà ít khi mắc phải sai lầm.

Nhưng với lực lượng lao động trẻ tuổi, lương còn thấp, mà cứ đóng khung theo luật “mỗi tuần người lao động làm không quá 48 giờ”, nghĩa là người sử dụng lao động có thể yêu cầu người lao động làm ít nhất 6 ngày trong một tuần với 8 giờ làm việc mỗi ngày, thì thu nhập của họ sẽ rơi vào tình trạng “ráo mồ hôi là hết tiền”. Nhưng nếu thả lỏng, người sử dụng lao động sẽ tận dụng tối đa sức lao động của người lao động, còn người lao động vắt kiệt sức vào công việc, không còn thời gian phục hồi sức khỏe hay tìm hiểu nhau để kết hôn, gây ra hệ lụy về mất cân bằng cũng như già hóa dân số nếu tình trạng này trở nên phổ biến và kéo dài.

Thống kê cho thấy có hơn 200 ngàn lao động đang làm việc trong các công ty, nhà máy, xí nghiệp trong Khu công nghiệp chế xuất, Khu kinh tế của thành phố Hải Phòng. Phần lớn họ còn ở độ tuổi khá trẻ, chỉ có tăng ca, làm thêm giờ thì thu nhập của họ mới được cải thiện, có thêm tích luỹ. Phần lớn nhà máy khi tổ chức cho người lao động tăng ca đều có thêm bữa ăn phụ, như vậy người lao động bớt được chi phí cho bữa ăn này. Tăng ca, thêm giờ vừa thêm tiền, vừa hạn chế việc đi chơi, mua bán tiêu pha, số tiền tích luỹ cao lên. Sau thời gian dành dụm, tích cóp, có thể mua được tài sản có giá trị. Với những cặp vợ chồng công nhân lấy nhau sinh con, ước mơ sở hữu căn hộ từ nhà ở xã hội sẽ có thể thành hiện thực nếu cả hai cùng chăm chỉ tăng ca, thêm giờ, làm thêm cả ngày nghỉ, ngày lễ.

Phía doanh nghiệp thì càng mừng hơn khi người lao động tăng ca, thêm giờ, vì theo hiện trạng hiện nay, phần lớn doanh nghiệp đang khó khăn trong việc tuyển dụng lao động phổ thông, thiếu hụt nhân lực. Nay có công nhân viên tăng ca, thêm giờ sẽ giải quyết được đơn hàng, tận dụng tối đa hiệu suất mặt bằng nhà xưởng cùng máy móc thiết bị. Công nhân viên làm thêm phần lớn là người có kinh nghiệm tay nghề cao, phần phụ trội trả thêm lương tăng ca là 150%, vẫn là lời to đối với doanh nghiệp.

Có lẽ điều luật nên sửa đổi thời gian tăng ca, thêm giờ theo độ tuổi, cũng như bổ sung thêm vị trí công việc hay ngành nghề đặc thù, sẽ làm bớt đi sự lệch pha giữa lợi ích doanh nghiệp, người lao động và điều luật hiện hành.

Phạm Tuấn