24h

Hà Nội: Vì sao quận Hà Đông dừng đấu giá đất?

Khôi Nguyên 28/08/2024 03:30

Phiên đấu giá đất tại quận Hà Đông (Hà Nội) theo kế hoạch sẽ tổ chức vào ngày 7/9, tuy nhiên, địa phương đã thông báo tạm hoãn và chưa xác định ngày mở lại…

ha-noi-vi-sao-quan-ha-dong-dung-dau-gia-dat-1.jpg
Khu đất 19 lô LK 03-LK04 ở thôn Lòng Khúc (Hoài Đức, Hà Nội) nằm cạnh tuyến đường vành đai 4, có giá trúng cao bất thường 133,3 triệu đồng/m2, gấp 18 lần giá khởi điểm.

Theo đó, Công ty Đấu giá hợp danh số 5 - Quốc gia, đơn vị được giao tổ chức cuộc đấu giá, vừa phát đi thông báo về việc tạm dừng đấu giá quyền sử dụng đất ở đối với 27 thửa đất trên. Cụ thể, đơn vị tạm dừng tổ chức đấu giá quyền sử dụng 27 thửa đất ở tại các khu: Khu xứ đồng Hạ Khâu, khu Đống Đanh - Đồng Cộc, khu Đồng Bo - Đồng Chúc - Cửa Cầu - Đồng Men (khu B - phường Phú Lương); khu Chùa Sau (phường Yên Nghĩa) và khu Dược (phường Dương Nội).

Thông tin từ doanh nghiệp cho biết, việc tạm dừng đấu giá được thực hiện theo yêu cầu của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hà Đông. Việc tổ chức cuộc đấu giá sẽ thực hiện theo quy định ngay sau khi có quyết định của cơ quan chức năng.

Trước đó, Công ty Đấu giá hợp danh số 5 - Quốc gia phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hà Đông thông báo tổ chức đấu giá 27 thửa đất này. Dự kiến, phiên đấu giá được tổ chức vào ngày 7/9/2024. Các lô đất đấu giá có diện tích từ 48-72m2, giá khởi điểm từ 22,7-32,2 triệu đồng/m2. Tiền đặt cọc mỗi lô dao động từ hơn 200 triệu đồng đến hơn 400 triệu đồng.

Cuộc đấu giá được thực hiện theo hình thức bỏ phiếu trực tiếp nhiều vòng và tối thiểu qua 5-11 vòng đấu bắt buộc. Hình thức này giống như phiên đấu giá đất tại Hoài Đức đã kéo dài trong gần 20 tiếng đồng hồ, từ sáng 19/8 đến rạng sáng 20/8, qua 9 vòng đấu (với 6 vòng bắt buộc) mới kết thúc.

Thậm chí, theo đánh giá của giới bất động sản, nếu tổ chức như dự kiến phiên đấu giá tại Hà Đông có thể kéo dài hơn các phiên đấu giá đất tại Hoài Đức. Bởi, giá khởi điểm của các lô đất thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung trong khu vực, trong khi đó có lô đất phải đấu tối thiểu 11 vòng.

Trước đó, như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, trước việc đấu giá đất ở ngoại thành Hà Nội với giá cao “đột biến” trong thời gian qua, nhiều chuyên gia đã bày tỏ quan ngại đây là cách thức một số nhóm đối tượng làm giá, gây sốt ảo nhằm thu lợi bất chính. Thực tế đã có những bài học trong quá khứ, nhiều phiên đấu giá trả giá cao bất thường nhưng cuối cùng người trúng đã nhanh chóng bỏ cọc.

Hoặc ngay sau khi trúng đấu giá, không ít người đã “lướt sóng” bán lại cho người khác, ăn chênh lệch vài trăm triệu đồng. Một số sàn kinh doanh bất động sản nhanh chóng thiết lập “văn phòng di động” ngay gần khu đất đấu giá để tư vấn, giới thiệu, chuyển nhượng. Do vậy, không ít người lo ngại hình thành các hội nhóm tham gia đấu giá đất để “tạo sóng”, đẩy giá đất nền chung quanh khu vực đấu giá đất.

Lý giải về sự bất cập của các phiên đấu giá vừa qua, một số ý kiến chuyên gia cho rằng, trước đây, việc xác định giá khởi điểm đất đấu giá được xác định thông qua đơn vị tư vấn độc lập, nay chuyển sang cách tính giá đất trong bảng giá đất từng địa phương được xác định trong thời gian 5 năm nhân với hệ số điều chỉnh, dẫn đến giá khởi điểm rất thấp, chỉ khoảng 10 triệu đồng/m2, số tiền đặt cọc mỗi lô từ 100 triệu đến 200 triệu đồng. Vì thế, nhiều người đi đấu giá chỉ nhằm bán lại suất kiếm lời, khiến những người dân có nhu cầu thật về chỗ ở rất khó tiếp cận đất đấu giá.

ha-noi-vi-sao-quan-ha-dong-dung-dau-gia-dat-2.jpeg
Một phiên đấu giá "xuyên đêm" đã gây xôn xao thị trường bất động sản.

Được biết, về nội dung này, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có Công văn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo rà soát, quyết định điều chỉnh bảng giá đất nếu thấy không phù hợp với thực tế địa phương.

Cụ thể, theo Công văn số 5774/BTNMT-QHPTTNĐ của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, qua công tác nắm tình hình cho thấy, hiện nay có tình trạng một số địa phương sử dụng giá đất trong bảng giá đất hiện hành (đã xây dựng, ban hành theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành) để làm giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất đối với trường hợp thửa đất, khu đất đã được đầu tư hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch chi tiết xây dựng theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 159 Luật Đất đai năm 2024.

Thực tế cho thấy có sự chênh lệch rất lớn giữa giá khởi điểm và giá trúng đấu giá, tiềm ẩn nguy cơ lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường, tác động đến phát triển kinh tế - xã hội, môi trường đầu tư, kinh doanh và thị trường nhà ở, bất động sản.

Tình trạng nêu trên xảy ra có một phần nguyên nhân do bảng giá đất hiện hành được xây dựng, ban hành theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành bị khống chế bởi khung giá đất của Chính phủ (đã được bỏ tại Luật Đất đai năm 2024).

Bên cạnh đó, trong thời gian thực hiện bảng giá đất, một số địa phương chưa kịp thời theo dõi biến động giá đất phổ biến trên thị trường để điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp. Do đó giá đất trong bảng giá đất tại một số địa phương còn thấp hơn nhiều so với giá thị trường (hạn chế này đã được tổng kết, đánh giá tại Báo cáo Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 19- NQ/TW và Báo cáo Tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013).

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý đất đai, lành mạnh hóa thị trường bất động sản, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khi áp dụng giá đất trong bảng giá đất phục vụ cho công tác quản lý đất đai phải chỉ đạo rà soát.

Trường hợp tại khu vực, vị trí cần áp dụng bảng giá đất mà giá đất chưa phù hợp với thực tế thì căn cứ quy định của pháp luật và tình hình thực tế của địa phương để quyết định điều chỉnh bảng giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 tại khu vực, vị trí đó để áp dụng đến hết ngày 31/12/2025. Trình tự điều chỉnh bảng giá đất thực hiện theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 71/2024/NĐ-CP.

Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng rà soát công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn đảm bảo đúng pháp luật, công khai, minh bạch. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật trong đấu giá quyền sử dụng đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 82/CĐ-TTg ngày 21/8/2024 về việc chấn chỉnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất.

Khôi Nguyên