Cổ phiếu VPB được lợi gì từ tái cấu trúc FE Credit?
VPB - Cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng được nâng mốc định giá mới, nhờ tiềm năng tăng trưởng tín dụng và tái cơ cấu danh mục từ FE Credit.
VPB công bố lợi nhuận trước thuế hợp nhất quý II/2024 đạt gần 4.500 tỷ đồng, tăng 72%. Diễn biến tích cực chủ yếu đến từ FE Credit với ước tính lãi nhẹ 145 tỷ trong quý II (so với quý I/2024 lỗ 853 tỷ đồng và cùng kỳ lỗ gần 2.000 tỷ đồng).
Tăng trưởng tín dụng ở mức thận trọng, ưu tiên quản trị chất lượng tài sản: VPB đạt mức tăng trưởng tín dụng hợp nhất 7,7%, trong đó riêng lẻ đạt 8,2%, VPBankS đạt 29,5% và FE Credit ước tính đạt gần 1%.
Báo cáo nhận định về VPB, Chứng khoán BSC cho rằng, ngân hàng tiếp tục cắt giảm quy mô danh mục trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) giảm 33,5%, đưa tỷ trọng TPDN trong dư nợ giảm về 3,6%, mức thấp nhất kể từ 2020. Theo ngành nghề, các lĩnh vực cho vay của ngân hàng tiếp tục đến từ bán buôn bán lẻ (tăng 17,8%), kinh doanh bất động sản (tăng 22,1%) và dịch vụ lưu trú ( tăng 36,4%). Theo cập nhật gần nhất, dư nợ cho vay NVL tại VPB hiện đã giảm xuống còn khoảng 6.000 tỷ đồng.
NIM 4 quý gần nhất cũng duy trì đúng xu hướng khi đạt 5,8% so với dự báo, do đó diễn biến NIM cuối năm của VPB có thể sẽ tăng chậm lại với động lực chính từ cải thiện chất lượng tài sản và tăng cường thu hồi lãi dự thu. Có thể nói, với diễn biến lợi nhuận quý II/2024 của VPB tương đối thuận lợi cho thấy quá trình tái cấu trúc danh mục rủi ro tại FE Credit đang đem lại hiệu quả.
Liên quan tới FE Credit của VPBank, Công ty Chứng khoán BVSC nhận định, mảng này sẽ hồi phục và bắt đầu có lãi trở lại trong năm 2024 dựa trên các cơ sở: Công ty tài chính đã tái cơ cấu gần hết danh mục cho vay; Mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp cải thiện khả năng trả nợ khách hàng; FE Credit sẽ có tăng trưởng tín dụng trở lại khi nhu cầu tín dụng tiêu dùng hồi phục và giải ngân mới cũng đã bắt đầu tăng từ tháng 4/2024 và hoạt động thu hồi nợ cũng đang có dấu hiệu cải thiện tích cực.
Chi phí trích lập dự phòng rủi ro của FE Credit dự báo giảm xuống 10.203 tỷ đồng (giảm 18%) trong 2024. Việc gần hoàn thành tái cơ cấu danh mục cho vay FE Credit với chất lượng cho vay cao hơn và tỷ lệ nợ xấu (NPL) đang giảm giúp giảm áp lực trích lập dự phòng của FE Credit. Được biết, VPB cũng đã giảm trích lập xuống 6.110 tỷ đồng (giảm 23%). BVSC dự báo tăng trưởng tín dụng của FEC đạt 10% trong năm 2024 nhờ nhu cầu tài chính tiêu dùng dự báo hồi phục.
FE Credit bắt đầu triển khai tái cơ cấu danh mục từ tháng 5/2023 và đã tái cơ cấu được 70% danh mục tính đến cuối quý I/2024 và dự kiến hoàn thành trong 2024. Một số thông tin về việc tái cơ cấu đó là: Thay đổi khẩu vị rủi ro theo hướng ít rủi ro. Quy trình cho vay, tuân thủ các tiêu chuẩn về khách hàng cho vay cũng chặt chẽ hơn. Ưu tiên phát triển nhóm khách hàng là công nhân làm việc tại các KCN và giảm tỷ trọng cho vay tiền mặt.
Đánh giá về tiềm năng tăng trưởng tín dụng của VPB, BVSC cho rằng ngân hàng sẽ được cấp thêm hạn mức tín dụng khi nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém. Chính phủ đang đặt quyết tâm thực hiện chuyển giao bắt buộc 3 ngân hàng yếu kém (trong tổng số 4 ngân hàng thuộc diện tái cơ cấu) trong năm 2024 sau khi đã hoàn thành việc định giá và đang trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc. VPB sẽ nhận được nhiều sự hỗ trợ về nguồn vốn từ đối tác chiến lược SMBC. Ngoài ra, việc huy động được các khoản vay quốc tế sẽ giúp bổ sung nguồn vốn dài hạn và đảm bảo đa dạng hóa nguồn vốn đầu vào đối với VPB.
BVSC dự báo VPB thu nhập hoạt động và lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt 60.352 tỷ đồng ( tăng 21% ) và 15.096 tỷ đồng ( tăng 51%). Động lực tăng trưởng sẽ giúp nâng định giá cổ phiếu VPB.
Sử dụng phương pháp thu nhập thặng dư (Residual Income), phương pháp so sánh sử dụng P/B và phương pháp giá trị sổ sách để xác định giá mục tiêu của VPB và các công ty con, BVSC và BSC đưa ra mức giá mục tiêu của cổ phiếu VPB là 23.869-24.500 đồng/cổ phiếu. Các CTCK khuyến nghị nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu VPB cho mục tiêu trung hạn từ nay đến cuối năm.