Nới lỏng chính sách tiền tệ để thúc đẩy dòng vốn vào nền kinh tế
Mặc dù tăng trưởng tín dụng đã có sự phục hồi, nhưng chuyên gia nhận định, nền kinh tế vẫn còn nhiều thách thức, cần có thêm giải pháp hỗ trợ thanh khoản, nới lỏng chính sách tiền tệ để thúc đẩy dòng vốn vào nền kinh tế.
Theo số liệu thống kê mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 16/8/2024, tín dụng tăng 6,25% so với cuối năm 2023. Trước đó, tăng trưởng tín dụng đến hết tháng 6 đạt 6,1%. Như vậy, sau khi tín dụng tăng trưởng âm trong tháng 7, giảm còn 5,66% thì đến nửa đầu tháng 8 đã phục hồi trở lại, tăng thêm 0,59%.
Năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng tín dụng khoảng 14-15%. Theo đó, để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm, trong 4 -5 tháng cuối năm 2024 phải tìm cách đưa hơn 1 triệu tỷ đồng vào nền kinh tế.
Có thể thấy, tín dụng đã có dấu hiệu cải thiện trong nửa đầu tháng 8, song các chuyên gia đánh giá mức tăng trưởng chậm. Bên cạnh đó, một vài ngân hàng tăng trưởng tín dụng ở mức trên 15%, trong khi nhiều ngân hàng giải ngân nguồn vốn ở mức rất thấp, thậm chí tăng trưởng tín dụng âm. Việc tín dụng tăng không đồng đều được cho là do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn chậm. Đặc biệt, thị trường bất động sản phục hồi chậm, ảnh hưởng tói cầu tín dụng.
Quan trọng hơn nhu cầu tín dụng liên quan mức độ tự tin của các doanh nghiệp khi đánh giá triển vọng mở rộng hoạt động kinh doanh trong tương lai và số lượng đơn đặt hàng thực tế mà doanh nghiệp nhận được, cùng nhiều yếu tố khác. Đáng nói, lãi suất cho vay mới giảm không nhiều, vẫn còn cao so với sức khoẻ của các doanh nghiệp. Đó là chưa kể các ngân hàng cũng hạn chế cho vay do lo ngại nợ xấu gia tăng.
Trước thực trạng nêu trên, bên cạnh giải pháp ngành ngân hàng đã thực hiện, các chuyên gia khuyến nghị, cần có thêm giải pháp hỗ trợ thanh khoản, nới lỏng chính sách tiền tệ để kích thích phục hồi nền kinh tế.
Nêu quan điểm về vấn đề này, TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính cho biết, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ như giảm thuế giá trị gia tăng, thúc đẩy giảm lãi suất. Nhưng quan trọng nhất là cần phải tăng tốc đẩy nhanh hơn nữa giải ngân đầu tư công thì mới có thể thúc đẩy tiêu dùng trong nước nói chung. Đầu tư công sẽ tạo ra công ăn việc làm, lan tỏa ở nhiều lĩnh vực liên quan và sẽ góp phần kích cầu tiêu dùng trong nước, giúp nhiều doanh nghiệp tăng cường đầu ra. Từ đó doanh nghiệp mới có nhu cầu vay vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
“Đối với nhóm doanh nghiệp dù có nhu cầu vay vốn nhưng lại không đủ điều kiện thì phải xem xét cụ thể hơn. Ví dụ, với các doanh nghiệp thiếu tài sản đảm bảo thì cần thêm chính sách linh hoạt của ngân hàng như tăng cường cho vay tín chấp, vay theo dòng tiền, hàng tồn kho… Đồng thời phải thúc đẩy các quỹ bảo lãnh tín dụng mở rộng hoạt động để tăng cường hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được vốn nhiều hơn”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Theo TS Nguyễn Đức Độ, trong bối cảnh áp lực tỷ giá giảm và khả năng Ngân hàng Nhà nước có thể giảm lãi suất điều hành trong thời gian tới sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc vay vốn. Đây là việc làm cần thiết để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, vừa đóng vai trò thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế.
Đồng quan điểm, không ít ý kiến cho rằng, sau đợt tăng tốc “đổ tiền” mạnh của những ngày cuối tháng 6, tín dụng phải có thời gian hấp thụ dòng tiền phù hợp, là lý do khiến tín dụng có quãng chậm lại. Và tín dụng nửa đầu tháng 8 đã tăng lên cho thấy nhu cầu vốn của các thành phần trong nền kinh tế bắt đầu phục hồi. Cùng với môi trường kinh tế thuận lợi hơn, lãi suất thấp và chính sách tiền tệ nới lỏng của Ngân hàng Nhà nước được cho là những yếu tố có tác động đến tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm.
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, thời gian còn lại của năm 2024, hệ thống ngân hàng sẽ phải nỗ lực lớn để cung ứng cho nền kinh tế một lượng vốn tín dụng phù hợp với nhu cầu sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, đồng thời vẫn phải kiểm soát được các nguy cơ rủi ro tín dụng. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong cung ứng và tiếp cận tín dụng ngân hàng; tiếp tục đẩy mạnh các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân…