Còn nhiều dư địa cho doanh nghiệp Việt tại thị trường Nhật Bản
Hiện nay thị trường Nhật Bản mới chỉ chiếm 7,4% tỷ trọng tổng xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam.
Tại Hội nghị “Đối thoại Chính sách thương mại và đầu tư nông nghiệp Việt Nam - Nhật Bản” diễn ra tại Nhật Bản gần đây, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu cho biết dư địa hợp tác song phương Việt Nam - Nhật Bản còn rất nhiều tiềm năng, đặc biệt là thương mại và đầu tư của hai nước trong lĩnh vực nông nghiệp.
Hiện nay thị trường Nhật Bản mới chỉ chiếm 7,4% tỷ trọng tổng xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam. Chiều ngược lại, Việt Nam chiếm 1,1% thị phần sản phẩm nông lâm thủy sản xuất khẩu của Nhật Bản.
Điều này được cho là chưa xứng tầm với một thị trường có sức tiêu thụ lớn như Nhật Bản đối với hàng nông thủy sản - thực phẩm nhập khẩu. Nhất là nước này có nhu cầu nhập khẩu nhiều mặt hàng nông sản thực phẩm mà Việt Nam có thế mạnh như cá, tôm, lươn, thịt và sản phẩm chế biến từ thịt, đậu nành, ngũ cốc, rau quả tươi và chế biến, cà phê.
Theo Tham tán thương mại Tạ Đức Minh, Nhật Bản là thị trường có sức tiêu thụ lớn với hàng nông thủy sản, thực phẩm nhập khẩu, có nhu cầu nhập khẩu nhiều cá, tôm, lươn, thịt và sản phẩm chế biến từ thịt, đậu nành, ngũ cốc, rau quả tươi và chế biến, cà phê… Đây là những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh.
Hàng thực phẩm Việt Nam ngày càng được ưa chuộng tại thị trường Nhật Bản. Hiện nay, các loại trái cây tươi Việt Nam được phía Nhật Bản mở cửa thị trường bao gồm thanh long ruột trắng (2009), xoài (2015), thanh long ruột đỏ (2017), vải (2019), nhãn (2022).
Tuy nhiên, Tham tán Tạ Đức Minh đánh giá các yêu cầu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng nhập khẩu từ nước ngoài, trong đó có Việt Nam vào thị trường Nhật Bản là rất cao, gây ra ít nhiều khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu và nhập khẩu.
“Có thể, Nhật Bản là cửa ngõ khó vào nhưng nếu đã vào được thì xuất khẩu sẽ ổn định và lâu dài, đồng thời có thể mở rộng đi các nước khác”, Tham tán Tạ Đức Minh nhấn mạnh.
Từ đó, Tham tán Tạ Đức Minh đã đưa ra các khuyến nghị đối với doanh nghiệp Việt Nam, đó là tận dụng tối đa ưu đãi cắt giảm thuế từ các FTA mà hai nước là thành viên, tranh thủ sự hỗ trợ của các bộ ngành, cơ quan liên quan.
Tham gia các chương trình kết nối giao thương trực tiếp và trực tuyến, tham gia các đoàn xúc tiến thương mại và trưng bày hàng hóa tại các hội chợ, triển lãm quốc tế lớn trong và ngoài nước.
Mặc dù người tiêu dùng Nhật Bản đã chấp nhận hàng Việt, nhưng đây là thị trường “khó tính” đòi hỏi doanh nghiệp phải đáp ứng được nhiều quy định về chất lượng, tiêu chuẩn.
Chuyên gia tư vấn thương mại quốc tế Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) Makoto Nakamura cho biết, khi xuất khẩu hàng hóa nhất là nông thủy sản vào Nhật Bản, doanh nghiệp phải đáp ứng quy định chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật về vệ sinh môi trường rất khắt khe.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần quan tâm đến xu hướng tiêu dùng của người Nhật Bản đối với hàng nông sản, thực phẩm. Cụ thể, để chọn mua một mặt hàng thực phẩm, người tiêu dùng Nhật Bản quan tâm tới yếu tố tác động đến sức khỏe, giá thành và sự tiện lợi của sản phẩm. Cùng với đó, trên bao bì sản phẩm phải có thông tin về thành phần dinh dưỡng, cách chế biến, bảo quản...
Bà Quyền Thị Thúy Hà, Trưởng Chi nhánh Thương vụ Osaka, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka, Nhật Bản lưu ý, đặc trưng nhu cầu thị trường Nhật Bản, quy định khắt khe, tiêu chuẩn cao, tập quán tiêu dùng, xu hướng ưu tiên mục tiêu phát triển bền vững.
Do đó, các doanh nghiệp cần phải đáp ứng các yêu cầu của thị trường Nhật Bản như các quy định và tiêu chuẩn cao về chất lượng sản phẩm, yếu tố về thẩm mỹ, tính tiện dụng trong bao bì mẫu mã, mục tiêu phát triển bền vững, thân thiện môi trường đòi hỏi trách nhiệm xã hội cao của nhà sản xuất.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần đầu tư nghiên cứu, cải tiến sản phẩm, nâng cao chất lượng, khắc phục các nhược điểm, tìm tòi các kỹ thuật mới, chăm chút trong tất cả các quy trình từ canh tác, thu hoạch, bảo quản hay sản xuất đến đóng bao bì, lưu thông.
“Doanh nghiệp luôn coi trọng chất lượng và dịch vụ như chính uy tín của doanh nghiệp, của thương hiệu quốc gia. Tăng cường tham gia các hoạt động, chương trình quảng bá, xúc tiến, giới thiệu phù hợp tại Nhật, hướng đến mục tiêu chinh phục khách hàng Nhật”, bà Quyền Thị Thúy Hà nói.