Phân tích - Bình luận

Bất động sản “hết phép”, Evergrande NEV bán mình

Trương Khắc Trà 29/08/2024 04:00

Evergrande NEV - công ty xe điện Trung Quốc được phát triển bởi Evergrande - đã phải bán mình thoát lỗ.

slide-16_9-8-29.png
Chiếc xe điện được sản xuất bởi công ty Evergrande (Ảnh: CNC)

Evergrande từng là nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc, nổi đình nổi đám với khoản lỗ 300 tỷ USD. Vào tháng 1/2024, một tòa án Hồng Kông đã ra lệnh thanh lý tài sản của tập đoàn bất động sản khổng lồ China Evergrande Group.

Khi còn thời hoàng kim, với dòng tiền dồi dào, Evergrande lấn sân sang lĩnh vực xe điện trong cơn bùng nổ dữ dội tại Trung Quốc. Bộ phận phát triển xe điện Evergrande NEV đã trình làng chiếc xe đầu tiên vào năm 2019.

Evergrande NEV từng được định giá lớn hơn cả Ford; Chủ tịch Liu Yongzhuo từng tuyên bố sẽ đánh bại Tesla trong 3-5 năm, nhưng đến nay mọi kế hoạch đã đổ bể khi mảng kinh doanh chủ đạo bất động sản gần như bị phá sản.

China Evergrande NEV ước tính khoản lỗ ròng hợp nhất khoảng 20,25 tỷ nhân dân tệ (2,84 tỷ USD) trong hai quý đầu năm nay, so với 6,87 tỷ nhân dân tệ trong cùng kỳ năm trước. Khoản dự phòng của doanh nghiệp này suy giảm khoảng 16,74 tỷ nhân dân tệ trong nửa năm nay.

Đầu tháng này, hai công ty con đã bắt đầu làm thủ tục phá sản. Vào tháng 6, hãng sản xuất ô tô này bị thiếu hụt nghiêm trọng tiền mặt trong khi phải chấp hành các nghĩa vụ với các chủ nợ, và chính quyền địa phương yêu cầu họ trả lại khoảng 1,9 tỷ nhân dân tệ tiền ưu đãi và trợ cấp.

Tính đến cuối năm 2023, nhà sản xuất xe điện này chỉ sản xuất được 1.700 xe điện mang thương hiệu Hengchi. Nhà máy Thiên Tân đã ngừng sản xuất kể từ đầu năm nay. Công ty xe điện này được cho đang đàm phán với một bên mua tiềm năng để nhượng lại cổ phần của công ty.

Evergrande NEV một lần nữa cho thấy tình trạng “sớm nở chóng tàn” của các lĩnh vực kinh tế Trung Quốc. Đáp ứng đòi hỏi phát triển nhanh trong thời gian ngắn, hệ thống tài chính nước này không ngần ngại bơm vốn cho vay, trợ cấp ồ ạt, miễn sao doanh nghiệp có thể tạo ra sản phẩm rẻ hơn với đối thủ bên ngoài.

Gần đây là xe điện, với những khoản trợ cấp rất hấp dẫn, đã lôi kéo nhiều doanh nghiệp ngoài ngành tham gia cuộc chơi. Ngoài chuyện có vẻ lạ đời như doanh nghiệp bất động sản làm xuất xe điện, Xiaomi, Huawei, Oppo chủ yếu sản xuất smartphone cũng không đứng ngoài cuộc. Tập đoàn công nghệ Baidu, vốn là công cụ tìm kiếm lớn nhất ở Trung Quốc đã giới thiệu thiết kế dòng xe điện JIDU Robocars 07.

qcaczswejnaenciftrxmumztoe.jpeg
Hàng hóa Trung Quốc dễ dàng đánh bại đối thủ (Ảnh: bostonglobe)

Lớn lên cũng nhanh và lụi tàn cũng nhanh, sau quá trình chọn lọc khắt khe chỉ còn lại vài cái tên trụ vững, tiếp tục được “nuôi dưỡng” bởi chính sách của Nhà nước Trung Quốc để vươn ra quốc tế, như BYD, Nio, Xpeng, Cherry đủ mạnh để quốc tế hóa xe điện Trung Quốc.

Xe điện Trung Quốc đi đến đâu chiến thắng đến đó nhờ chiến lược bán hàng giá rẻ, mẫu mã đẹp. Chỉ có hàng rào thuế quan mới có thể phần nào ngăn chặn được làn sóng xe điện giá rẻ của Trung Quốc.

Nhưng các công ty xe điện Trung Quốc cũng rất nhạy bén, bị chặn ở thị trường này họ sản xuất thị trường khác; không làm xe ở trong nước thì chuyển dây chuyền nhà máy sang các nước có mối quan hệ thân thiết với Chính phủ đánh thuế, như Mexico, Canada, Thái Lan...

Những làn sóng đầu tư dàn trải của Trung Quốc đã cho ra đời hàng loạt doanh nghiệp nhưng chỉ chọn lại một vài; thậm chí khi cần thiết, Nhà nước trực tiếp ra tay siết lại, như lĩnh vực bất động sản - họ chủ động cho phá sản phần lớn để ưu tiên vốn cho ngành, lĩnh vực quan trọng hơn.

Trương Khắc Trà