Cần cơ chế quản trị rủi ro trong doanh nghiệp nhà nước
Góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các chuyên gia đưa ra nhiều ý kiến liên quan đến vấn đề quản trị rủi ro trong doanh nghiệp nhà nước.
Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Dự thảo) sửa đổi Luật số 69/2014/QH13 được Bộ Tài chính xây dựng thiết kế theo 6 nhóm chính sách, gồm 9 chương và 92 điều. Luật này quy định việc quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; sắp xếp và cơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; kiểm tra, giám sát việc quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Theo đó, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến về các vấn đề nổi bật như giải thích rõ hơn khái niệm về doanh nghiệp nhà nước; tên gọi của các đơn vị sau khi áp dụng luật mới; thời gian về tiền thuê đất; quản trị rủi ro cho doanh nghiệp…
Góp ý hoàn thiện Dự thảo, ông Trần Văn Huy, đại diện Saigontourist Group cho biết, thời gian vừa qua, rủi ro không chỉ đến từ thiên tai, dịch bệnh, mà còn cả chiến tranh, sự thay đổi chính sách... Do đó, Dự thảo cần xây dựng các khái niệm về rủi ro, giới hạn chấp nhận rủi ro, quản trị rủi ro, các điều khoản về phòng chống, kiểm soát và quy trình kiểm soát rủi ro…
“Việc có các quy định này sẽ làm giảm thiểu rủi ro trong điều hành, quản lý doanh nghiệp cũng như việc xác định giới hạn rủi ro sẽ giúp cho doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc xác định rõ vai trò, trách nhiệm cụ thể của mình trong việc bảo toàn nguồn vốn mà tổ chức, cá nhân được giao quản lý”, ông Huy chia sẻ.
Theo ông Huy, trong lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới công nghệ là lĩnh vực rủi ro rất cao. Trong luật khoa học, nhà khoa học được miễn trừ trách nhiệm dân sự, còn doanh nghiệp là nhà đầu tư không được miễn trừ, sẽ không tạo được động lực để doanh nghiệp bỏ tiền đầu tư phát triển lĩnh vực này.
Thực tế là hiện có quy định về xử lý tài chính khi doanh nghiệp thua lỗ, làm mất vốn, với quy trình bài bản. Tuy nhiên đây chỉ là giải quyết hậu quả của việc mất vốn đầu tư, mất vốn doanh nghiệp mà đôi khi nguyên nhân là do tác nhân rủi ro không thể lường trước được.
“Với phương châm phòng, chống từ sớm vẫn tốt hơn là giải quyết sự việc đã xảy ra, nên việc nhìn nhận, xây dựng và vận hành quản lý doanh nghiệp về quản trị rủi ro trong giai đoạn này là cần thiết, bắt buộc. Cần luật hóa khái niệm quản trị rủi ro trong Dự thảo lần này”, đại diện Saigontourist Group nhấn mạnh.
Góp ý thêm vấn đề này, ông Vũ Ngọc Nam, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn TNHH MTV (CNS) cho biết, hoạt động đầu tư của doanh nghiệp phải đáp ứng yêu cầu bảo toàn, phát huy hiệu quả vốn đầu tư nhưng đến nay chưa có một hướng dẫn hay văn bản nào quy định cụ thể. Nên có quy định về bảo toàn, phát triển vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước.
“CNS đang đầu tư dự án nghiên cứu khoa học tại Nga, sản xuất tua bin điện gió 9 cánh, là một dự án rủi ro, chưa chắc có thành công hay không, với giá trị đầu tư khoảng 270 tỷ. Nếu không thành công hay mất vốn, dự án khoa học mang tính tiên phong như vậy sẽ có thể rơi vào trường hợp không bảo toàn, phát triển hiệu quả vốn đầu tư”, ông Nam chia sẻ.
Vì vậy, theo chuyên gia này, phải có nguyên tắc bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm, nhất là với các dự án đi tiên phong, mang tính rủi ro cao.
Bên cạnh vấn đề nêu trên, tại Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật mới đây, cho ý kiến cụ thể đối với Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính yêu cầu cần bám sát, thể chế hóa các nội dung tại Nghị quyết số12-NQ/TW của Trung ương khóa 12 về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; đặt lợi ích chung, lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết.
Cần rà soát, tháo gỡ được những bất cập, vướng mắc phát sinh trên thực tiễn, kế thừa những quy định đã được thực tế chứng minh, áp dụng có hiệu quả của luật hiện hành, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các quy định pháp luật có liên quan như Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Doanh nghiệp, Luật Xây dựng…
Thủ tướng cũng cho rằng, cần chú trọng quản lý theo mục tiêu; phân cấp, phân quyền mạnh hơn, trao quyền tự chủ nhiều hơn cho doanh nghiệp đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi và thiết kế công cụ kiểm tra, giám sát; giảm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, giảm xin cho, phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, quan tâm bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Từ đó, nâng cao hiệu quả đầu tư, phát huy tối đa hiệu quả nguồn lực rất lớn tại các doanh nghiệp; phát huy vai trò tiên phong của doanh nghiệp nhà nước trong một số lĩnh vực, cũng như vai trò quan trọng nói chung của doanh nghiệp nhà nước với nền kinh tế, phát huy vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước.