Giải pháp phát triển nhà máy thông minh thời 5.0
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HUBA, phát triển nhà máy thông minh không chỉ phụ thuộc vào chiến lược, còn cần vốn đầu tư và giải pháp công nghệ.
Phát biểu tại hội thảo “Giải pháp nhà máy thông minh” do Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (HUBA) tổ chức ngày 28/8, ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch HUBA cho biết, việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hiện đang được các doanh nghiệp rất quan tâm và trọng tâm của hội thảo, là hoạt động khởi đầu cho chuỗi sự kiện trong Diễn đàn kinh tế TPHCM 2024 với chủ đề “Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững”.
Theo ông Hòa, các giải pháp về công nghệ là bước đi để tìm ra động lực mới cho tăng trưởng. Doanh nghiệp đã và đang phát huy tối đa và để tiếp tục phát triển doanh nghiệp phải tìm ra giải pháp mới và giải pháp về nhà máy thông minh là một trong những cơ hội cho tăng trưởng. Hội thảo nhằm giúp cho doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ, giải pháp chuyển đổi xây dựng nhà máy thông minh, để có hướng thay đổi phù hợp chuyển đổi công nghệ, từ đó tạo động lực cho phát triển bền vững.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, trong thời gian vừa qua, ngành công nghiệp Thành phố đã chứng minh được vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Với tốc độ phát triển của ngành, TPHCM đã có các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất… phát triển mạnh. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn những tồn tại, nổi trội trong số các thách thức là việc thúc đẩy chuyển đổi và ứng dụng công nghệ để xây dựng các mô hình nhà máy thông minh, tạo lợi thế cạnh tranh và phát triển bền vững cho doanh nghiệp.
TP cũng đang có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, đặc biệt là các gói vay ưu đãi với lãi suất thấp để các doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư vào công nghệ và nâng cấp nhà máy. TPHCM cũng khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi từ nhà máy truyền thống sang mô hình nhà máy thông minh, góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp TP ngày càng xanh, sạch và đạt hiệu quả cao, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM phát biểu.
Ở góc độ chuyên môn, PGS TS Thoại Nam, Trường ĐH Bách khoa, Đại học Quốc gia - HCM, nhận định: Phát triển nhà máy thông minh là cơ hội và thách thức cho TPHCM. Ông Nam cho biết việc thành lập Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến liên ngành là trên quan điểm phát triển và ứng dụng công nghệ không đứng 1 mình mà phải kết hợp nhiều phía, ban ngành, chuyên ngành khác.
"Thời 5.0, con người quan tâm công nghệ IoT, AI và Big Data, 3 yếu tố này cộng lại là Smart - Thông minh; nói đơn giản vậy nhưng ứng dụng công nghệ vào nhà máy thì rất nhiều thách thức, theo PGS TS Thoại Nam.
Gọi tên khái niệm "Nhà máy thông minh là hệ thống tích hợp công nghệ vật lý và kỹ thuật số để tạo ra một môi trường sản xuất được kết nối và thông minh", PGS TS Thoại Nam nhận định đây là giải pháp hấp dẫn cho doanh nghiệp và rất cần cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Thách thức rất lớn, nếu triển khai được lại là cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo PGS TS Thoại Nam, trong mảng về nhà máy thông minh, doanh nghiệp còn loanh quanh thông minh và sản xuất, nhưng cuộc chơi này không như vậy. Khi ở số hóa có dữ liệu và kết nối thì mở rộng phân phối, quản lý khách hàng.v.v. Nhiều đơn vị quan tâm cả năng lượng, sản xuất xanh. Nếu không làm số hóa trước thì khó quan tâm hiệu quả.
PGS TS Thoại Nam thông tin, thị trường sản xuất thông minh dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 13,1% trong 7 năm tới, đạt tổng trị giá 658,41 tỷ USD vào năm 2030. Dẫn theo cuộc khảo sát năm 2022 của SME và CESMII, 77% số người được hỏi tin rằng công nghệ thông minh sẽ tăng khả năng cạnh tranh cho tổ chức của họ, nhưng chỉ một nửa sẵn sàng đầu tư vào những sáng kiến này, chuyên gia cho biết nhiều người tin rằng chỉ những doanh nghiệp lớn mới có thể tiếp cận hoặc hưởng lợi từ công nghệ này, nhưng sản xuất thông minh đã trở nên dễ tiếp cận hơn đối với các doanh nghiệp SME trong những năm gần đây. Song lưu ý là không phải mọi giải pháp đều phù hợp với doanh nghiệp của bạn.
Ông cho rằng có 2 điểm cần chú ý về công nghệ sử dụng trong nhà máy thông minh, đó là 1) An toàn, an ninh thông tin. Bởi công nghệ là bộ não của nhà máy, nếu bị hack là ngừng hoạt động. 2) Ứng dụng AI vào sản xuất. "Hiện Chính phủ đang nói về chuyển đổi số, nhà máy thông minh là chuyển đổi số. Ứng dụng AI là công cuộc đại chuyển đổi, tốc độ rất nhanh".
Tuy nhiên, trở ngại trong ứng dụng AI với SME là: Thiếu dữ liệu; Thiếu kiến thức và kỹ năng; Hạn chế về ngân sách; Độ phức tạp của giải pháp; Thiếu sự tham gia và chiến lược quản lý; Khó đáp ứng yêu cầu của các giải pháp end-to-end; Khó khăn trong việc xác định các giải pháp phù hợp và Các vấn đề liên quan đến con người, ông nhận định. Đồng thời, vị PGS TS đưa ra kinh nghiệm từ Hàn Quốc về Nhà máy thông minh phù hợp. Đó là áp dụng quy tắc easy - thiết yếu; giá cả phải chăng; đơn giản; tương tác.
“TPHCM đang thiếu đơn vị để dẫn dắt và tập trung công nghệ. Nếu TP có đơn vị lo về công nghệ tiên tiến có thể mua nước ngoài, phát triển và chuyển giao. Nhà nước không bỏ tiền lo hết cho doanh nghiệp nhưng có thể bỏ tiền đầu tư vào công ty như vậy”, PGS TS Nguyễn Thoại Nam khuyến nghị.
Về chính sách hỗ trợ công nghệ cho doanh nghiệp. Ông Phan Quốc Tuấn, Sở Khoa học Công nghệ TPHCM cho biết, hiện chưa có chính sách cụ thể hỗ trợ cho sản xuất thông minh nhưng đã có các chính sách hỗ trợ về phát triển công nghiệp.
Tại hội thảo, các diễn giả, chuyên gia và doanh nghiệp cũng chia sẻ nhiều giải pháp và thực tế ứng dụng công nghệ vào phát triển nhà máy thông minh.
Theo ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty cơ khí Duy Khanh kiêm Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TPHCM, chuyển đổi số hiện rất cấp thiết với doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quá trình quản lý sản xuất, giảm thiểu lãng phí, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh. "Công nghệ số sẽ hỗ trợ rất lớn cho doanh nghiệp nâng tính sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng đơn hàng trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt", Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TPHCM khẳng định.