Vị thế Việt Nam
Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra tầm nhìn lãnh đạo: đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao. Tầm nhìn lãnh đạo 2045 đang đặt chúng ta trước những thách thức về sự phát triển đột phá trong hơn hai thập kỷ tới.
Dựa vào các tiêu chí khác nhau thì mỗi quốc gia trên thế giới đều có một vị trí trên các bảng xếp hạng khu vực hoặc toàn cầu. Tuy nhiên, các vị trí xếp hạng đó không nhất thiết phản ánh vị thế quốc gia, tức là chỗ đứng của mỗi đất nước trong các cấu trúc quan hệ khu vực hoặc toàn cầu. Vị thế quốc gia là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố, cả chủ quan và khách quan, phản ánh quyền lực, uy tín và mức độ ảnh hưởng của mỗi quốc gia đối với các quốc gia khác và các tổ chức quốc tế.
Sánh vai cường quốc
Không thể phủ nhận là “thế và lực” của Việt Nam đã thay đổi hoàn toàn sau gần 40 năm đổi mới và hội nhập quốc tế. Theo Ngân hàng thế giới, khi bắt đầu tiến trình đổi mới, GDP bình quân đầu người của Việt Nam từ chỗ chỉ khoảng 100 USD đã tăng lên khoảng 4.300 USD vào năm 2023. Nền kinh tế nước ta hiện nay đạt khoảng 430 tỷ USD, được xếp thứ 34 trên thế giới.
Việt Nam cũng là quốc gia giữ được ổn định chính trị, an ninh và quốc phòng trong bối cảnh thế giới đầy biến động, qua đó gia tăng lòng tin với quốc tế. Nếu năm 1991, số vốn FDI đăng ký vào Việt Nam chỉ là 2,07 tỷ USD thì đến năm 2023, số liệu này đã tăng lên tới hơn 487 tỷ USD. Lượng khách du lịch quốc tế đến nước ta tiếp tục tăng nhanh, dự kiến đạt khoảng 18 triệu khách trong năm 2024.
Việt Nam hiện cũng đang có quan hệ thương mại với trên 220 đối tác, tham gia và có quan hệ tốt đẹp với các định chế quốc tế như Ngân hàng thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế, Tổ chức thương mại thế giới, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương. Việt Nam cũng đã ký kết 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA), và hiện nay đang đàm phán 03 FTA, điều kiện then chốt để tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 đạt khoảng 683 tỷ USD.
Về đối ngoại, cuối những năm 1980, Việt Nam chủ yếu chỉ có quan hệ ngoại giao với các nước cùng khối xã hội chủ nghĩa, tiếng nói trên trường quốc tế rất hạn chế. Đến nay, với sự chủ động hội nhập quốc tế, chúng ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia; quan hệ với 247 chính đảng ở 111 quốc gia, quan hệ quốc hội, nghị viện với trên 140 nước. Việt Nam cũng là thành viên tích cực của các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc hay ASEAN.
Năm 2021, Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra tầm nhìn lãnh đạo: đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao. Hiện thực hóa được tầm nhìn lãnh đạo 2045, chúng ta sẽ gia nhập nhóm các quốc gia phát triển, có được vị thế “sánh vai cùng các cường quốc năm châu” như Bác Hồ từng mong mỏi. Tuy nhiên, tầm nhìn lãnh đạo 2045 cũng đang đặt chúng ta trước những thách thức về sự phát triển đột phá trong hơn hai thập kỷ tới.
Vai trò của người tài và chất lượng chính sách
Hướng tới những thành tựu đột phá trong tiến trình phát triển đất nước, một quan điểm phổ biến ở nước ta hiện nay là trước hết cần phải đột phá về thể chế. Quan điểm này cũng được khẳng định từ đại hội Đảng lần thứ XI, khi thể chế, con người, và cơ sở hạ tầng được xác định là những trọng tâm chiến lược cần sự đột phá.
Tuy nhiên, kinh nghiệm phát triển của các nước trên thế giới lại gợi ra rằng thiết kế thể chế ở mọi hình thức, mọi cấp độ đều cần thời gian để có thể tồn tại được trên mảnh đất cụ thể, trưởng thành, và phát huy tác dụng. Khả năng vận hành, uy lực của hệ thống thể chế cũng còn phụ thuộc vào chất lượng con người, truyền thống văn hóa cũng như các thói quen hành vi. Vì thế, thể chế là điều kiện tất yếu cho sự phát triển ổn định và bền vững trong dài hạn, chứ chưa hẳn là yếu tố cần thiết nhất với những mục tiêu đột phá trong ngắn hạn.
Trong khi đó, những thành công bứt phá của một số nước trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, hay vùng lãnh thổ Đài Loan từ nửa sau thế kỷ 20 lại gợi ra rằng hai yếu tố quan trọng hàng đầu với sự phát triển thần kỳ của họ trong ngắn hạn là con người và chất lượng chính sách.
Sự bứt phá ngoạn mục trong vài ba thập kỷ ở các nước nêu trên trước hết đều ghi dấu ấn vai trò của đội ngũ các nhà lãnh đạo chính trị có khát khao phát triển để thay đổi vị thế quốc gia, điển hình như các nhà lãnh đạo của Singapore, Hàn Quốc... Bên cạnh các lãnh đạo chính trị quyết đoán là đội ngũ công chức hành chính, chuyên môn tài năng, đủ năng lực để hoạch định và thực hiện hiệu lực, hiệu quả các kế hoạch tăng trưởng của quốc gia.
Các quốc gia nêu trên cũng được ghi nhận thành công nhờ đề ra được những chính sách “đúng và trúng”, hướng đến phục vụ các ưu tiên phát triển quốc gia, chứ không phải phục vụ các nhóm, giai cấp xã hội, hay lĩnh vực riêng lẻ. Chính quyền và doanh nghiệp cùng hợp tác, nhận diện được những “khoảng trống” trên thị trường thế giới, từ đó hình thành những ưu tiên chính sách trong quá trình công nghiệp hóa, nhằm gia tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa cũng như quy mô, giá trị của nền kinh tế.
Việt Nam là nước đi sau và bối cảnh hiện nay cũng đã khác xa so với trước đây cho nên không thể lặp lại một cách máy móc các mô thức thành công của các nước đi trước. Tuy nhiên, xét đến nhu cầu phát triển đột phá trong hơn hai thập kỷ tới thì chúng ta vẫn có thể học được nhiều điều, đặc biệt là vai trò của yếu tố con người và chính sách với những ưu tiên cho mục tiêu quốc gia phát triển.
Kinh nghiệm từ các nước trong khu vực, thực tế đất nước hiện nay, cũng như tầm nhìn lãnh đạo 2045 gợi ra rằng chất lượng đội ngũ lãnh đạo, những người có thể khơi dậy, nuôi dưỡng, và dẫn dắt khát vọng quốc gia phát triển, cùng những chính sách “đúng và trúng” nên được coi trọng hàng đầu cho những kế hoạch đột phá phát triển.