Chính trị - Xã hội

Tiếp tục hoàn chỉnh các Dự thảo Luật để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8

Gia Nguyễn 29/08/2024 20:09

Đây là nhấn mạnh của Phó Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Thị Thanh trong phát biểu bế mạc Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 6, Quốc hội khóa XV ngày 29/8.

Theo đó, phát biểu bế mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, 3 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 6 đã thành công tốt đẹp.

be-mac-hoi-nghi-dai-bieu-chuyen-trach-29.8.2.jpg
Sau 3 ngày làm việc, chiều 29/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 6 - Ảnh: Media Quốc hội

Hội nghị lần này đã cho ý kiến vào 12 Dự án Luật trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2024 tới đây. Bao gồm: Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Luật Tư pháp người chưa thành niên; Luật phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Công chứng (sửa đổi); Luật phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Phòng không nhân dân; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật Điện lực (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội. Tiếp tục lấy ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan hoàn chỉnh dự thảo luật, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để trình Quốc hội thảo luận, xem xét tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV vào tháng 10 tới đây”, Phó Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh.

be-mac-hoi-nghi-dai-bieu-chuyen-trach-29.8.1.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Thị Thanh phát biểu bế mạc Hội nghị - Ảnh: Media Quốc hội

Chia sẻ về phiên làm việc buổi chiều 29/8 trước đó, Phó Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Thị Thanh cho biết, các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đã cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Đây là một luật khó, có tính chuyên ngành cao, tuy nhiên, với tinh thần chủ động “từ sớm, từ xa” và phối hợp rất chặt chẽ giữa cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Thị Thanh, cho đến thời điểm này các đại biểu không còn có nhiều ý kiến. Điều này thể hiện việc chuẩn bị của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã tiếp thu tối đa những ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7. Sau đó, tại phiên họp Thường vụ Quốc hội tháng 8 vừa qua về chuyên đề pháp luật, Thường vụ tiếp tục rà soát lại một lần nữa trên cơ sở Báo cáo tiếp thu, giải trình của Thường trực Ủy ban Xã hội phối hợp với cơ quan soạn thảo.

“Có thể nói rằng, không chỉ riêng dự án luật này mà các dự án luật trình hội nghị chuyên trách lần thứ 6 này đã phản ánh việc chuẩn bị của các cơ quan Quốc hội cũng như các cơ quan soạn thảo đã phối hợp rất chặt chẽ và tinh thần chuẩn bị “từ sớm, từ xa”, chất lượng và trách nhiệm đã phản ánh rất rõ trong việc thảo luận tại kỳ họp này, chúng ta đã có một quá trình chuẩn bị rất công phu, kỹ lưỡng và nghiên cứu một cách thấu đáo”, Phó Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Thị Thanh bày tỏ.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Thị Thanh trân trọng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, bộ, ngành, các đơn vị, chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực liên quan đã đến dự phiên khai mạc và dự một số phiên thảo luận. Trân trọng cảm ơn các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách đã về dự Hội nghị và có nhiều ý kiến tâm huyết, trí tuệ, thẳng thắn trên tinh thần xây dựng trách nhiệm cao.

Gia Nguyễn