Bình luận

Đề xuất bồi thường khi chậm hoàn thuế: Chuyên gia nói gì?

Nguyễn Giang 30/08/2024 04:30

Trước đề xuất trả lãi 10% một năm khi chậm hoàn thuế, một số ý kiến cho rằng, doanh nghiệp chỉ cần được hoàn thuế đúng quy định, chấm dứt tình trạng “ách tắc”.

Theo đó, Bộ Tài chính đang xây dựng tờ trình sửa đổi Luật Quản lý thuế. Trong đó, Bộ Tài chính đề xuất, bổ sung quy định người nộp thuế được bồi thường thiệt hại do cơ quan quản lý thuế, công chức quản lý thuế gây ra theo quy định về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Luật Quản lý thuế quy định người nộp thuế được nhận mức lãi 0,03% một ngày khi bị chậm hoàn thuế. Song, tại tờ trình Chính phủ về sửa Luật Quản lý thuế mới đây, Bộ Tài chính cho biết hiện chưa có quy định cụ thể về thẩm quyền, thủ tục và kinh phí để hoàn trả tiền lãi này.

Vì vậy, Bộ Tài chính cho rằng cơ quan thuế chưa có cơ sở thực hiện theo Luật Quản lý thuế. Cơ quan này đề xuất bỏ quy định về việc trả lãi tại Luật này. Thay vào đó, các yêu cầu bồi thường của người nộp thuế liên quan đến tiền lãi phải trả của cơ quan thuế sẽ theo Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017.

Cụ thể, theo Luật Trách nhiệm bồi thường này, khoản tiền lãi phát sinh do chậm trả trong trường hợp không có thỏa thuận sẽ theo Bộ luật Dân sự, tại thời điểm thụ lý hồ sơ yêu cầu bồi thường. Hiện, theo Bộ luật Dân sự 2015, lãi suất này được xác định bằng 50% mức giới hạn quy định (20%), tức là không quá 10% một năm.

Như vậy, doanh nghiệp, người nộp bị hoàn thuế chậm có thể được bồi thường với mức lãi suất không quá 10% một năm.

de-xuat-boi-thuong-khi-cham-hoan-thue-chuyen-gia-noi-gi-1.jpg
Chuyên gia cho rằng, cần quy định rõ khi doanh nghiệp bị chậm hoàn thuế thì ai chịu trách nhiệm. Và tiền bồi hoàn được lấy từ đâu. Ảnh minh hoạ

Bình luận về đề xuất này trên tờ Pháp luật TPHCM, luật sư Hoàng Anh Sơn (Đoàn luật sư TPHCM) thẳng thắn cho rằng, việc quy định mức bồi thường tiền lãi 10%/năm hay 0,03%/ngày không quan trọng bằng việc cơ quan thuế hoàn thuế đúng theo quy định.

Theo luật sư Sơn, doanh nghiệp chỉ mong nhận lại được tiền hoàn thuế để giải quyết nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, mua nguyên vật liệu, thực hiện các đơn hàng, trả lương cho cán bộ công nhân viên... chứ không doanh nghiệp nào muốn rơi vào cảnh "sống dở chết dở".

Cũng theo luật sư, quy định trả lãi bồi thường 0,03%/ngày cho người bị hoàn thuế chậm chỉ là quy định về mặt hình thức, bởi nhiều năm nay, không có doanh nghiệp nào được bồi thường. Do đó, theo ông Sơn việc bãi bỏ quy định bồi thường này nhằm thống nhất với quy định Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước là điều cần thiết, bởi luật này nêu rõ nguồn bồi thường. Thế nhưng, quy định này cũng chưa chắc đã giải quyết được việc chậm hoàn thuế cho doanh nghiệp.

Đặc biệt, ông Sơn đặt ra câu hỏi: Khi doanh nghiệp, cá nhân nợ thuế thì hệ thống của cơ quan thuế tự động nhảy lãi phạt chậm nộp. Vậy tại sao hệ thống của cơ quan thuế không ghi nhận trường hợp hồ sơ hoàn chậm và tự động nhảy lãi, tự động trả lãi cho doanh nghiệp?

Chính vì lẽ đó, ông Sơn cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước cần sửa đổi, bổ sung làm sao để có giải quyết được tình trạng chậm hoàn thuế, gây ách tắc như thời gian vừa qua. Nhất là các quy định dưới luật khiến cho hồ sơ hoàn thuế của doanh nghiệp kéo dài. Chẳng hạn như quy định xác minh hóa đơn của F1, F2, F3…, xác minh người mua hàng có chính xác không, kể cả việc xác minh doanh nghiệp ở nước ngoài...

“Luật cần quy định rõ trách nhiệm của cán bộ thuế trong việc xác minh hóa đơn, chứng từ của doanh nghiệp. Có như vậy thì hồ sơ hoàn thuế của doanh nghiệp mới được giải quyết nhanh và không còn tình trạng chậm hoàn thuế đến vài năm như thời gian vừa qua nữa", luật sư Hoàng Anh Sơn kiến nghị.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Ngọc Tú, chuyên gia về thuế, giảng viên trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ cũng cho rằng, cần quy định rõ khi doanh nghiệp bị chậm hoàn thuế thì ai chịu trách nhiệm. Và tiền bồi hoàn được lấy từ đâu, do ai chịu trách nhiệm. “Tiền bồi hoàn do chậm hoàn thuế được lấy từ ngân sách hay là từ cơ quan thuế, cán bộ thuế… Đấy cũng là điều phải làm rõ trong luật, có như vậy thì luật mới được thực hiện công khai, minh bạch”, ông Tú nêu quan điểm.

“Điều quan trọng nhất là Bộ Tài chính cần làm sao thúc đẩy nhanh việc hoàn thuế cho doanh nghiệp, tránh để việc chậm hoàn thuế đến cả năm. Có những doanh nghiệp bị chậm hoàn thuế đến cả trăm tỉ đồng, tồn từ năm nọ sang năm kia. Chậm hoàn thuế vậy thì doanh nghiệp lấy tiền vốn ở đâu để quay vòng. Nếu cứ như vậy thì doanh nghiệp khó lớn, khó phát triển”, vị chuyên gia nói.

Nguyễn Giang