Doanh nhân

Tranh Việt - Chơi và ngẫm

Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group 07/10/2016 13:29

Đã ba năm kể từ bài viết đầu tiên của tôi về tranh. 3 năm qua tôi tiếp tục mua, bán, chơi và sưu tầm tranh. Nhưng ngoài vẻ đẹp của các bức tranh làm mọi người say đắm, có một sự thực mà người chơi tranh không cảm thấy thoải mái với thị trường tranh hiện tại vẫn là mua và bán tranh.

Họa sỹ chọn sự “thâm canh” hay lòng yêu mến?

Thường thì nghề gì cũng có thời và họa sĩ cũng vậy, có những năm tháng người họa sĩ ấy vẽ đẹp vô cùng rồi sau đó, các bức họa không còn đẹp thậm chí là khá xấu; nhưng vì anh có tên tuổi và anh quen cảm giác trên đỉnh cao, nên anh vẫn liên tục chào bán các tác phẩm của anh. Người mua tranh nhận thấy quá nhiều sự khác biệt.

Nguyễn Tư Nghiêm 1
Tranh 12 con giáp, Nguyễn Tư Nghiêm. Bộ sưu tập Phan Minh Thông (không minh họa nội dung).

Giá như anh cứ vẽ nhưng anh biết giữ tên không đem ra bán thì anh vẫn giữ được sự yêu mến, nhớ thương các tác phẩm của anh trong lòng người chơi tranh. Đằng này…

Có những người hồi trước vẽ rất đẹp sau đó vì tranh của họ bán chạy quá cho nên họ vẽ tràn lan, không cẩn thận và tinh tế nữa, người mua và chơi tranh họ luôn tinh ý và sẽ nhận thấy, chỉ là sớm hay muộn mà thôi. Khi họ không thích thì họ không mua, anh sáng tác cũng không bán được. Có người tỉnh ngộ, rèn luyện và vẽ đẹp trở lại. Có người mãi không bao giờ quay trở lại thời hoàng kim của mình. Cuộc sống nói chung rất khắc nghiệt và đầy cạm bẫy. Đôi khi con người nói chung không dễ đứng vững trước sự tung hô.

Tôi luôn thấy tranh Việt Nam rất đẹp. Vậy làm thế nào để tranh Việt từ sáng tác đến kinh doanh đều bài bản? Tôi nghĩ: Cái chúng ta cần là một hệ thống, một niềm tin!

Chuyên nghiệp trong kinh doanh tranh

Trong quá trình chơi, sưu tập và mua tranh, tôi cũng nhận thấy quá nhiều sự lộn xộn trong việc kinh doanh các tác phẩm hội họa, ngành này người ta làm nhiều công việc lẫn lộn của nhau: Họa sĩ sáng tác tranh nhưng đồng thời cũng kiêm việc bán tranh của mình cho mọi người và như thế họ khá xung đột với các gallery, nơi bán tranh của họ. Mỗi năm có 5.000 họa sĩ ra đời, ai nói rằng họ không tài giỏi? Thực ra có rất nhiều người tài giỏi nhưng để được công nhận và bán được tranh xứng đáng với công sức và vẻ đẹp của bức tranh thì có bao nhiêu người? Để được nổi tiếng thì còn khó nữa!

Nguyễn Tư Nghiêm 2
Tranh 12 con giáp, Nguyễn Tư Nghiêm. Bộ sưu tập Phan Minh Thông (không minh họa nội dung)

Và một thực tế hơi buồn khi nhìn vào hệ thống gallery của Việt Nam, chúng không có gì khác biệt. Rất nhiều gallery nói với tôi là thời hoàng kim của họ xa rồi… Tôi băn khoăn tự hỏi sao vậy được nhỉ và dần tôi cố giải thích hiện tượng: Để giới thiệu cho công chúng một tài năng hội họa, gallery cần phải tổ chức các cuộc triển lãm trong và ngoài nước, in sách và làm events tốn kém rất nhiều; vì vậy họ cần đảm bảo cho khoản đầu tư của họ như việc độc quyền họa sĩ hay có cam kết bao nhiêu năm giữa họa sĩ và gallery, hay giá tranh sẽ được cố định một khoảng thời gian,…

Tuy nhiên, khi đã nổi tiếng thì việc độc quyền cũng khó. Người chơi và mua tranh Việt hay đến nhà họa sĩ mua và thực ra đấy là cạm bẫy. Khi anh nổi tiếng sau giai đoạn nằm trong bóng tối, anh khó khước từ những lời chào mời vinh danh của người mua - công chúng, những người ngưỡng mộ anh. Vì vậy, anh sẽ bán tranh cho người mua trực tiếp. Xung đột bắt đầu, phòng tranh thấy không công bằng và khoản đầu tư của họ bị lỗ. Họa sĩ thì cảm thấy là phòng tranh bắt chẹt mà chúng ta lúc nghèo thì dễ cam kết chứ lúc giàu thì hơi khó! Thế là… gallery không dám đầu tư mà chỉ tận thu những gì đang có, còn họa sĩ nếu không có người đảm nhận việc giới thiệu họ ra công chúng, bắt họ tự làm rất khó, bắt họ phải bán từng bức tranh của họ và kiêm luôn sáng tác thì càng không phải chuyện dễ dàng. Nếu như chúng ta tách biệt được công việc của họa sĩ là sáng tác và gallery là nơi lăng xê và bán tranh, giới thiệu tranh ra công chúng thì có lẽ thị trường tranh sẽ sôi động hơn và tranh chúng ta sẽ có giá tốt hơn hiện tại, có thể tiến tới ngang hàng khu vực (dù tranh của chúng ta đẹp hơn, ai cũng nói là chúng ta có gốc là Trường Mỹ thuật Đông Dương); tuy nhiên câu hỏi vẫn còn đó…

Nguyễn Tư Nghiêm 3
Tranh 12 con giáp, Nguyễn Tư Nghiêm. Bộ sưu tập Phan Minh Thông (không minh họa nội dung)

Về một vài họa sỹ

Bỏ qua các vấn đề khó chịu trên, tôi vẫn mua, chơi và sưu tập tranh. Nhiều lần ra Bến Thành Gallery, tôi được giới thiệu tranh của họa sĩ Đặng Xuân Hòa. Tranh của Đặng Xuân Hòa không dễ xem, nhưng khi cảm được tranh của ông thì thấy tranh của ông thật tuyệt.

Tran Luu Hau10
Thuyền, sơn dầu trên vải, 79,5 x 99,5, Trần Lưu Hậu. Bộ sưu tập Phan Minh Thông (không minh họa nội dung)

Nếu như tranh của một họa sĩ kế thừa thời đầu mỹ thuật Đông Dương là Trần Lưu Hậu tưng bừng, hoành tráng, rực rỡ, mạnh mẽ và đôi khi thấy rất lớn lao thì tranh Đặng Xuân Hòa lại bình dị nhưng rất sâu sắc. Các bức tranh của ông thường ổn định về chất lượng và vẻ đẹp của tranh Đặng Xuân Hòa là cái đẹp bình dị, nó lan tỏa ra xung quanh, càng nhìn càng thấy sự vững chãi. Tranh của ông có giá cao, được rất nhiều nhà sưu tập trong và ngoài nước tìm mua.

Tran Luu Hau 11
Hạ Long Bay, Acrylic trên vải, 90 x 140, Trần Lưu Hậu. Bộ sưu tập Phan Minh Thông (không minh họa nội dung)

Tôi có dịp ngồi nói chuyện với ông, người họa sĩ đa tài này khi tiếp xúc rất giản dị và có kiến thức về hội họa tuyệt vời. Gặp ông, tôi đã trả lời được rất nhiều câu hỏi mà từ lúc chơi tranh tôi chưa tìm được các câu trả lời. Tại sao có những bức nhìn rất thích mà khi treo lên một đến hai tháng là chán? Hay có những bức mà treo quanh năm suốt tháng nhìn vẫn đẹp, vân vân…

Ông cũng nói cho tôi biết là nếu anh không thực tài thì việc anh liên tục xài cái anh có mà không trau dồi mở mang kiến thức thì tranh anh vẽ sẽ bộc lộ các điểm yếu, sẽ không đẹp… tôi thấy đúng vô cùng với nhiều họa sĩ mà tôi sưu tập. Vì tranh của Đặng Xuân Hòa cao giá cho nên dù muốn tôi cũng không sưu tập được nhiều.

Một họa sĩ khác mà tôi mua khá nhiều và tôi cũng rất thích các tác phẩm của cô là Hoài Thương - cô gái miền Trung nhỏ bé mà có sức sáng tạo thần kỳ. Như tôi nói, người tài thì không thiếu nhưng cô gái này khá là may mắn, tranh cô vẽ đến đâu bán được đến đó và cô được gallery Bến Thành rất yêu chiều.

Tranh của Hoài Thương luôn được đặt ở vị trí dễ gây chú ý nhất trong gallery. Một sự ưu ái hiếm có! Các tác phẩm của cô chủ yếu về thiên nhiên cây cỏ, trong tác phẩm có sức sống mãnh liệt.

Hoài Thương vẽ tranh trừu tượng nhưng khá dễ coi, dễ cảm nhận. Khi bạn vẽ với một tình yêu mãnh liệt thì luôn có một con đường đến trái tim của khán giả. Tôi mua rất nhiều tranh của cô từ 4 năm trước đến giờ, và tôi muốn dành một chút để nói về các bức tranh của Hoài Thương mà tôi mua: Một trong những bức đầu tiên tôi có là tác phẩm cô vẽ về mùa xuân, cây cỏ, hoa lựu và các con chim. Toàn bộ tác phẩm vô cùng rực rỡ và tạo cảm giác vui tươi. Tôi treo bức này cạnh các bức của các họa sĩ nổi tiếng như Đặng Xuân Hòa và Trần Lưu Hậu, tuy nhiên bức này không vì thế mà bị lấn át. Gần như tất cả mọi người đến chơi, thăm gallery của tôi, đều yêu thích bức này và ai cũng hỏi của họa sĩ nào mà đẹp vậy! Không dưới cả chục người hỏi mua. Tất nhiên là tôi từ chối. Các tác phẩm treo ở gallery của tôi, thường thì tôi không bán, chỉ thưởng thức thôi.

Không chỉ bức tranh đầu mà các bức tranh sau của Hoài Thương đều vẽ rất mạnh mẽ. Tôi luôn tự hỏi tại sao một cô gái nhỏ bé như vậy mà có thể vẽ các bức to lớn và hoành tráng như vậy? Câu trả lời có lẽ là tình yêu với hội họa, với nghề của cô ấy!

Ho Huu Thu 1
Ngựa, Sơn dầu trên vải, 100 x 150, Hồ Hữu Thủ. Bộ sưu tập Phan Minh Thông

Người tôi muốn kể tiếp là họa sĩ Hồ Hữu Thủ. Tôi chưa gặp họa sĩ này bao giờ, chỉ xem tranh của ông thôi đã thấy mê ly. Tranh của ông kỳ ảo, thật sống động cũng như lộng lẫy. Không từ nào có thể tả được. Nhìn tranh ngựa của ông có cảm giác như những con ngựa trong thần thoại Hy Lạp đạp tung vó trên đỉnh Olympia, hay chính xác hơn như con ngựa có cánh Pagasus mà các vị thần trên đỉnh Olympia ban cho người anh hùng Bellerophon! Tranh của thiếu nữ thì khỏi phải bàn, nhìn mờ ảo, như các cô gái trinh nguyên thánh thiện. Sở hữu một bức của ông là niềm vinh hạnh của người sưu tập!

Tuy nhiên, tôi vô cùng bàng hoàng khi nghe tin trên thị trường “có một số tác phẩm, khi kiểm tra ra như thể có ai đó đồ lên”. Tôi vẫn chưa tin. Dù vậy, sự thực vẫn là sự thực!

Đôi khi, ông trời ban cho ai đó một tài năng như vậy, tài hoa vẽ đẹp như vậy thì tại sao họa sĩ lại muốn hủy hoại nó? Một bức tranh đẹp là do vẽ bằng tay, lao động, sáng tạo mang tính cá nhân, nó là sản phẩm duy nhất và rất khác biệt so với việc sản xuất hàng loạt! Có phải chăng là do cuộc sống có quá nhiều sự cám dỗ hay không? Tôi không trả lời được, chỉ có họa sĩ mới biết vì sao họ lựa chọn, quyết định như vậy mà thôi.

Đoạn chưa kết... một "tình yêu"

Tôi đi xem nhiều bảo tàng, trong và ngoài nước có, đến những nơi như Florence, Paris, Rotterdam, Amsterdam, New York,… những thánh đường nghệ thuật, nhưng tôi luôn thấy tranh Việt Nam rất đẹp. Vậy làm thế nào để tranh Việt từ sáng tác đến kinh doanh đều bài bản? Tôi vẫn nghĩ: Cái chúng ta cần là một hệ thống, một niềm tin!

Ho Huu Thu
Thiếu nữ và ngựa, Sơn dầu trên vải, 100 x 100, Hồ Hữu Thủ. Bộ sưu tập Phan Minh Thông

Nếu có được cái đó thì mọi thứ sẽ trở nên rất tuyệt. Mà điều này chúng ta làm được không? Có lẽ mọi sự không quá khó. Phúc Sinh chúng tôi thường hay làm những gì đầu tiên, những gì mọi người không làm và luôn ý thức chúng tôi là những con người thế hệ mới, chúng tôi tự nỗ lực của chính bản thân luôn có thể xây dựng một hệ thống mới. Mà một hệ thống muốn tốt thì lại phải bắt đầu từ các thành viên. Chúng ta hay mong chờ người khác mà không phải là bắt đầu từ mình! Cái mà tôi sẽ và luôn làm: Tôi vẫn sẽ bỏ tiền ra mua tranh và chỉ mua tranh gốc, sẽ hỗ trợ hệ thống, như chỉ mua của gallery cũng như trước hết trông chờ vào bản thân mình! Nếu có nhiều người cùng như thế, họa sĩ sẽ sống khỏe, nền công nghiệp hội họa sẽ rõ ràng, bài bản, có hệ thống và chắc chắn sẽ tốt hơn.

Tháng 10 năm 2016

Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group