Kinh tế

Cần chủ động gắn kết phát triển bền vững với hoạt động sản xuất kinh doanh

Đình Đại 31/08/2024 02:50

Việc chủ động gắn kết phát triển bền vững với hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ giúp các doanh nghiệp dễ dàng đáp ứng được các quy định cũng như yêu cầu của đối tác và nhà cung cấp.

Trong xu hướng chung hướng tới phát triển bền vững, chú trọng các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên, năng lượng, nhiều quốc gia đã ban hành các quy định về bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững cũng được cụ thể hóa bằng nhiều quy định, tiêu chí tại các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) đa phương và song phương mà Việt Nam đã tham gia.

phattrienbenvung.jpg
Doanh nghiệp cần chủ động gắn kết phát triển bền vững với hoạt động sản xuất kinh doanh - Ảnh minh họa.

Tại Việt Nam, ngày 10/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, trong đó đề ra 17 mục tiêu phát triển bền vững, với 115 mục tiêu cụ thể. Sau đó, ngày 04/6/2019, Quyết định số 681/QĐ-TTg về lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2030 được ban hành. Và gần đây nhất, ngày 25/9/2020, Nghị quyết số 136/NQ-CP về Phát triển bền vững cũng đã được ban hành.

Theo nhận định của giới chuyên gia kinh tế, cũng như lãnh đạo nhiều doanh nghiệp, “cạnh tranh xanh” sẽ là xu hướng cạnh tranh trên toàn cầu trong thời gian tới. Do đó, việc chủ động gắn kết phát triển bền vững với hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ giúp các doanh nghiệp dễ dàng đáp ứng được các quy định cũng như yêu cầu của đối tác, khách hàng và nhà cung cấp.

Ông Nguyễn Đặng Hiến – Tổng Giám đốc, Công ty TNHH SX&TM Tân Quang Minh (Bidrico) cho rằng, sản xuất xanh hiện nay không chỉ là xu hướng riêng của một quốc gia, mà đã là xu hướng chung của toàn thế giới. Doanh nghiệp cần phải thực hiện đúng các chủ trương, chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường, cũng như từng bước chuyển dịch nguồn năng lượng sang sử dụng năng lượng tái tạo, góp phần vào mục tiêu Net Zero vào năm 2050 của Chính phủ.

Cũng theo ông Hiến, nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, nhiều năm nay, ngoài việc tuân thủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường, doanh nghiệp đã tập trung sản xuất các sản phẩm xanh, các sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên. Đồng thời, tìm kiếm nguồn nguyên liệu có nguồn gốc hữu cơ để đảm bảo sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng được tốt hơn.

bidrico(2).jpg
Tại Bidrico, nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, ngoài việc tuân thủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường, doanh nghiệp đã tập trung sản xuất các sản phẩm xanh, các sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên.

“Nhận biết được vai trò của sản xuất xanh cũng như phát triển bền vững rất quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi đã quyết tâm rất lớn để chuyển đổi xanh. Nếu như không thực hiện, doanh nghiệp không những không thể xuất khẩu hàng hóa ra quốc tế mà ngay cả ở thị trường nội địa cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn”, ông Nguyễn Đặng Hiến đánh giá.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Duy Hưng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu tỉnh Đồng Nai đánh giá, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng như hiện nay, các tiêu chuẩn về phát triển bền vững buộc các doanh nghiệp phải tuân thủ, nếu muốn tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Theo ông Hưng, một trong những xu hướng điển hình và nổi bật hiện nay đó là xu hướng chuyển dịch từ mô hình kinh tế tuyến tính sang mô hình kinh tế tuần hoàn. Đây là một mô hình kinh tế ưu việt và cũng là một trong các giải pháp tối ưu để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.

Bên cạnh đó, xu hướng đẩy mạnh đầu tư cho con người cũng được các doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn khi xây dựng các mục tiêu về phát triển bền vững. Xu hướng này giúp các doanh nghiệp nhìn nhận cũng như đánh giá chính xác vai trò của nguồn nhân lực đối với sự phát triển của doanh nghiệp.

“Hiện nay, các doanh nghiệp trong Hiệp hội Xuất nhập khẩu tỉnh Đồng Nai cũng đã và đang rất quan tâm đầu tư cho phát triển bền vững thông qua những hành động cụ thể như: xây dựng Văn hóa Doanh nghiệp, tôn trọng & bình đẳng tập trung vào yếu tố Con người để giữ chân nhân tài. Hướng đến chuyển đổi xanh và sản xuất xanh, định hướng phát triển bền vững theo khung ESG…”, ông Nguyễn Duy Hưng chia sẻ.

Dưới góc độ chuyên gia, bà Phạm Thị Minh Hương – Phó Giám đốc Dịch vụ Tư vấn bền vững, Deloitte Việt Nam cho rằng, khi nói về phát triển bền vững, chúng ta thường nói đến ESG (Môi trường – Quản trị - Xã hội). Tuy nhiên, thực tế ESG cũng chỉ là một phần của phát triển bền vững, bởi dù sao doanh nghiệp cũng vẫn phải có lợi nhuận, nên bài toán đặt ra cho các doanh nghiệp là phải cân bằng được giữa ESG và lợi nhuận.

Để doanh nghiệp có thể thực hành phát triển bền vững, bà Hương lưu ý doanh nghiệp cần quan tâm đến 2 yếu tố: Thứ nhất là yếu tố nội tại. Tức là doanh nghiệp phải thể hiện được doanh nghiệp của mình bền vững trong chính nội tại của mình; Thứ hai là định hướng chiến lược, nhưng quan trọng nhất vẫn là cơ chế theo dõi giám sát và báo cáo, vì đây là những vấn đề mà nhà đầu tư sẽ quan tâm.

Bà Hương cũng cho rằng, hiện nay đang có quá nhiều khung tiêu chuẩn về báo cáo phát triển bền vững dẫn đến việc các doanh nghiệp sẽ sử dụng những khung tiêu chuẩn khác nhau. Ví dụ, trong cùng một ngành nhưng lại sử dụng những khung tiêu chuẩn khác nhau sẽ khó cho cả doanh nghiệp lẫn nhà đầu tư trong việc so sánh các doanh nghiệp trong cùng ngành với nhau.

“Hơn nữa, những nội dung quy định pháp lý của mình cũng chưa được đầy đủ và còn thay đổi. Do đó, các doanh nghiệp cũng sẽ lựa chọn những chỉ tiêu không nhất quán giữa năm này với năm khác để người đọc báo cáo có thể hình dung và phân tích được, nên cần phải có thêm nhiều tiếng nói để thúc đẩy thêm về khung pháp lý của Việt Nam đối với việc thực hành phát triển bền vững”, bà Phạm Thị Minh Hương chia sẻ.

Đình Đại