Yếu tố hạn chế khả năng cắt giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước
Lạm phát tại Việt Nam dự kiến sẽ duy trì ở mức khoảng 4% cho đến cuối năm do các tác động cơ sở, điều này có thể hạn chế khả năng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hạ lãi suất.
Đây là quan điểm của ông Suan Teck Kin, Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, UOB.
Nhận định về kinh tế Việt Nam và bối cảnh đầu tư trước thềm Hội nghị “UOB Gateway to ASEAN” sắp diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam vào ngày 6/9/2024, ông Suan Teck Kin cho biết, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 6,4% so với cùng kỳ năm trước trong nửa đầu năm 2024, chủ yếu nhờ vào các ngành sản xuất, công nghiệp và dịch vụ.
Xuất khẩu tăng, cần đa dạng hóa thị trường để giảm rủi ro
Ông Suan nhấn mạnh đến sự gia tăng xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực điện tử và điện thoại di động. "Chúng ta biết rằng xuất khẩu của Việt Nam có sự phục hồi mạnh và tăng trưởng phần lớn liên quan đến linh kiện máy tính, điện tử, các sản phẩm liên quan. Chu kỳ bán dẫn đang phục hồi nhờ những tiến bộ của AI và nhu cầu về thiết bị điện tử tăng", ông nói.
Vị chuyên gia cũng cho rằng dân số đông của Việt Nam cũng góp phần vào động lực kinh tế này. Công nghiệp và dịch vụ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng của đất nước.
Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2024 vẫn tích cực, với tốc độ tăng trưởng GDP dự báo là 6% và có tiềm năng vượt hơn con số này, theo chuyên gia UOB. Sự lạc quan này dựa trên hiệu suất mạnh mẽ của các ngành như sản xuất, điện tử, đồ nội thất và ô tô. Bất chấp một số thách thức toàn cầu như lãi suất cao và nhu cầu chậm lại ở các thị trường phát triển, Chỉ số Nhà quản lý mua hàng (PMI) của Việt Nam nổi bật là một trong những chỉ số cao nhất ở Châu Á, cho thấy sự mở rộng liên tục. Tiềm năng tăng trưởng của đất nước là rất hứa hẹn cho cả năm 2024 và 2025, đặc biệt là khi so sánh với mức tăng trưởng chậm hơn là 5% vào năm 2023.
Hoạt động thương mại của Việt Nam năm 2024 đã có sự phục hồi đáng kể, đặc biệt là xuất khẩu và nhập khẩu, vượt qua mức giảm trong năm 2023. Xuất khẩu, chủ yếu được thúc đẩy bởi thương mại với Hoa Kỳ và Trung Quốc, đang hoạt động tốt, với Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
"Trong bảy tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã tạo ra 58 tỷ đô la thặng dư thương mại với Hoa Kỳ, tăng đáng kể so với mức 45 tỷ đô la so với cùng kỳ năm 2023 và điều đó cho thấy sự đóng góp đáng kể từ Hoa Kỳ vào thặng dư thương mại khi so sánh với mức thặng dư 28 tỷ đô la của cả nước trong năm 2023", dữ liệu của UOB ghi nhận.
Chuyên gia cũng lưu ý bất chấp triển vọng tích cực này, vẫn có những lo ngại về sự phụ thuộc lớn của Việt Nam vào Hoa Kỳ và Trung Quốc về thương mại, điều mà các nhà hoạch định chính sách cần cân nhắc trước những xu hướng toàn cầu đang liên tục tiến triển
Thặng dư thương mại của Việt Nam chủ yếu được thúc đẩy bởi xuất khẩu sang Hoa Kỳ, góp phần hỗ trợ đồng nội tệ và năng lực nhập khẩu của nước này. "Tuy nhiên, vẫn có lo ngại về những rủi ro tiềm ẩn liên quan đến quan hệ thương mại Hoa Kỳ-Việt Nam, đặc biệt là với cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ sắp tới và khả năng hành động liên quan đến thặng dư thương mại lớn của Việt Nam", đây cũng là điều đã được ông Suan Teck Kin phân tích tại một sự kiện diễn ra ở TPHCM vào tháng 7. Khi đó, chuyên gia cho rằng việc các doanh nghiệp mở rộng, tiếp cận các thị trường mới là giải pháp sẽ góp phần giảm thiểu những rủi ro có thể xảy đến trong tương lai.
Ngoài ra, thặng dư thương mại của Việt Nam có thể bị giám sát chặt chẽ theo tiêu chí thao túng tiền tệ của Bộ Tài chính Hoa Kỳ. Để giảm thiểu những rủi ro này, nói chung theo chuyên gia UOB, Việt Nam có thể đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, mở rộng ra ngoài Hoa Kỳ sang các khu vực khác như Trung Đông, Ấn Độ và các nước châu Á lân cận.
Điểm mạnh của Việt Nam nằm ở khả năng cạnh tranh trong các ngành điện tử và điện, nhưng có một rủi ro do quá phụ thuộc vào ngành này. Để giảm thiểu điều này, Việt Nam nên đa dạng hóa xuất khẩu bằng cách mở rộng các ngành truyền thống như dệt may, giày dép, sản phẩm gỗ, thủy sản và nông nghiệp.
Đáng chú ý, xuất khẩu nông sản như rau quả tăng 24% so với cùng kỳ năm trước và sản phẩm gỗ tăng 23% so với cùng kỳ năm trước trong 7 tháng đầu năm nay. Chính phủ có thể hỗ trợ thêm cho các ngành này bằng cách đảm bảo đất đai sẵn có và đào tạo lao động phù hợp, giúp Việt Nam quản lý rủi ro và duy trì tăng trưởng đa dạng trên nhiều ngành khác nhau, UOB khuyến nghị.
"Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào thương mại đối ngoại, với độ mở thương mại chiếm 162% GDP, khiến Việt Nam trở thành quốc gia phụ thuộc vào thương mại nhiều thứ ba trong ASEAN. Sự phụ thuộc này có nghĩa là Việt Nam được hưởng lợi đáng kể khi nhu cầu toàn cầu mạnh, nhưng sẽ chịu thiệt hại nhiều hơn trong thời kỳ suy thoái toàn cầu, như đã thấy vào năm 2023. Để giảm thiểu rủi ro này, cần phải đa dạng hóa", chuyên gia phân tích.
Đầu tư, tiêu dùng phục hồi
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam vẫn mạnh mẽ, với hai năm liên tiếp đạt mức cao kỷ lục. Chỉ riêng trong bảy tháng đầu năm nay, Việt Nam đã thu hút 13 tỷ đô la FDI thực hiện, với nguồn đầu tư mạnh mẽ từ các quốc gia như Singapore, Trung Quốc, Hồng Kông và Nhật Bản. Xu hướng tích cực này cho thấy sự tin tưởng liên tục của nhà đầu tư và doanh nghiệp vào khả năng cạnh tranh và tiềm năng của Việt Nam.
Ngành bán lẻ, sau khi chịu ảnh hưởng trong thời kỳ COVID-19, đã phục hồi tốt trên nhiều phân khúc khác nhau, cho thấy sự phục hồi kinh tế rộng hơn.
Du lịch quốc tế của Việt Nam đang phục hồi tốt sau COVID, với gần 10 triệu lượt khách đến tính đến tháng 7 năm 2024. Các nguồn khách chính bao gồm Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan và Hoa Kỳ. Mặc dù có thể không đạt được mức đỉnh trước COVID là 18 triệu lượt khách vào năm 2019, nhưng triển vọng vẫn tích cực do các điều kiện kinh tế thuận lợi, chẳng hạn như lãi suất thấp và tâm lý người tiêu dùng được cải thiện.
Lạm phát làm hạn chế khả năng giảm lãi suất
Lạm phát vẫn là mối quan tâm, với con số mới nhất vào khoảng 4% so với cùng kỳ năm ngoái, gần với mục tiêu 4,5% của ngân hàng trung ương. Lạm phát cơ bản, không bao gồm thực phẩm và năng lượng, đang giảm, nhưng lạm phát toàn phần bị thúc đẩy bởi giá thực phẩm và nhà ở tăng. Điều này đã hạn chế khả năng cắt giảm lãi suất của ngân hàng trung ương trong thời gian tới. Giá nhà ở và thực phẩm, nói riêng, sẽ cần sự quan tâm của chính phủ để giảm bớt áp lực lạm phát.
Lạm phát tại Việt Nam dự kiến sẽ duy trì ở mức khoảng 4% cho đến cuối năm do các tác động cơ sở, điều này có thể hạn chế khả năng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hạ lãi suất. Trọng tâm sẽ thiên về quản lý lạm phát và hỗ trợ Đồng Việt Nam (VND).
Do tỷ giá hiện đã giảm nên Ngân hàng Nhà nước đã giảm bớt áp lực về điều hành tỷ giá và có thể giữ nguyên lãi suất ở mức cao để giải quyết các lo ngại về lạm phát.
Đồng Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng giá. Đồng tiền này đã bắt đầu tăng giá trở lại mức mạnh hơn là 25.000 so với USD. Trong tương lai, đồng VND dự kiến sẽ tăng giá dần dần lên mức 24.100 so với USD vào quý 2 năm 2025.
Trước đó, vào tháng 7/2025, chuyên gia UOB cũng dự báo Đồng Việt Nam sẽ sớm phục hồi và ổn định về cuối năm, giá USD/VND có thể biến động 4-5% trong năm 2024.
Với dự báo hiện tại, có thể thấy Đồng Việt Nam đang mạnh lên sớm hơn dự kiến, phản ứng tích cực với tín hiệu rất rõ ràng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ hạ lãi suất vào tháng 9 tới.
Tốc độ hạ lãi suất của Fed hiện đang được thị trường tương lai "đánh cược" với tỷ lệ cao và đây cũng sẽ yếu tố tác động đến thị trường tài chính, đầu tư của cả khu vực Asean, bao gồm Việt Nam.