Trăn trở hướng đi cho nông sản hữu cơ
“Bao giờ cho đến tháng mười/ Bát cơm thì trắng, bát rươi thì đầy” - đó là câu ca dao của người Tứ Kỳ, Hải Dương, nơi có một doanh nhân trên hành trình mới trong công cuộc “làm giàu từ cây lúa quê hương”.
Diễn đoàn Doanh nghiệp đã có cuộc trò chuyện với doanh nhân Nguyễn Văn Tuân, Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Thế hệ mới.
- Ông có thể chia sẻ lý do vì sao ông lại lựa chọn cây lúa, một cây trồng rất phổ biến để gắn bó và phát triển hướng đi cho doanh nghiệp của mình?
Năm 2016 – thời điểm tôi muốn tìm kiếm một động lực mới sau nhiều năm gắn bó với ngành công nghệ thông tin và truyền thông. Đồng thời, xuất phát từ mong muốn làm một điều gì đó ngay trên quê hương của mình, sau khi tìm hiểu về các điều kiện sẵn có tại địa phương, tôi quyết định đồng hành với những người nông dân để phát triển vùng sản xuất hữu cơ sẵn có tại địa phương.
Trước đây, người nông dân ở đây thường trồng cấy một cách tự nhiên. Nhưng sau khi chúng tôi tham gia và đồng hành cùng để phát triển vùng sản xuất trồng lúa rươi ở đây, phát triển thương hiệu và sản phẩm từ gạo thì giờ đây mọi thứ đã khác sau gần 7 năm gắn bó, đồng hành với người nông dân.
- Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về diện tích và hướng phát triển của cây nông nghiệp hữu cơ lúa rươi này ra sao?
Hiện tại, trên địa bàn huyện chúng tôi có 137 ha ở vùng bãi bên sông Thái Bình thuộc xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương đã được chứng nhận là vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Nếu tính cả trên toàn huyện, chúng tôi có trên 500 ha hiện nay đang khai thác và một số vùng đang chuyển đổi mô hình. Dự kiến đến năm 2025, mục tiêu chúng tôi đặt ra là phát triển 700 ha cho vùng sản xuất này.
Chúng tôi nhận thấy, trong những năm qua khi đồng hành cùng với người nông dân để phát triển mô hình sản xuất hữu cơ này thì hiệu quả mang lại không chỉ tạo ra nhiều sự khác biệt với người nông dân trước đó, mà chúng tôi còn nhận ra rằng môi trường tại các vùng canh tác này đã được cải thiện rõ nét. Đồng thời, mang lại điều kiện sống, sức khoẻ tốt hơn cho người nông dân trực tiếp sản xuất cũng như cả cộng đồng.
Chúng tôi cho rằng định hướng tiếp tục mở rộng phát triển các vùng canh tác này là một hướng đi rất đúng đắn. Về lâu dài, chúng tôi cũng mong muốn khi diện tích phát triển đủ quy mô, song hành cùng với việc phát triển sản xuất nông nghiệp thì cũng sẽ từng bước đề xuất xây dựng các hạ tầng để có thể tiến tới phát triển mô hình sản xuất hữu cơ gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn.
Đây là một trong những định hướng táo bạo của doanh nghiệp và đã được tỉnh Hải Dương cũng như huyện Tứ Kỳ đặt ra trong nhiệm kỳ này. Dĩ nhiên, việc phát triển này thì không phải là một sớm, một chiều nhưng chúng tôi cho rằng điều này hoàn toàn có cơ sở. Và hiện nay về phía doanh nghiệp cũng như là người dân tại địa phương cũng đang từng bước nỗ lực trong việc phát triển theo định hướng này.
- Việc doanh nghiệp liên kết với các hộ nông dân để bao tiêu sản phẩm diễn ra như thế nào, thưa ông?
Hiện tại doanh nghiệp chúng tôi liên kết với các hộ nông dân tại xã An Thanh và xã Quang Trung của huyện Tứ Kỳ thông qua các hợp tác xã. Chúng tôi cử cán bộ kỹ thuật để đồng hành cùng với hợp tác xã trong quá trình tổ chức triển khai sản xuất. Trong khâu thu hoạch, chúng tôi sẽ phối hợp với bà con nông nhân bằng cách đưa máy đến thu hoạch và đưa toàn bộ các sản phẩm về sơ chế, xay xát rồi chế biến đóng gói thành các sản phẩm đưa ra thị trường.
Sản phẩm của doanh nghiệp chúng tôi đang tiêu thụ chính dành cho người sử dụng trực tiếp tại các tỉnh, thành phố như: Hải Dương, Hà Nội. Riêng tại tỉnh Hải Dương, hiện nay có rất nhiều cơ quan, doanh nghiệp đã mua sản phẩm để sử dụng làm quà. Đây cũng là một cơ hội để chúng tôi phát triển sản phẩm này trở thành một sản phẩm đặc sản của địa phương.
- Có ý kiến cho rằng, sản xuất hữu cơ là chìa khóa để tiến lên nông nghiệp xanh. Ông có đề xuất gì với chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục triển khai loại hình sản xuất này?
Đối với việc phát triển sản xuất hữu cơ, theo quan sát của chúng tôi trong những năm qua cùng với những kinh nghiệm từ địa phương, thì vai trò của chính quyền địa phương là rất quan trọng. Thứ nhất là khâu liên quan đến vùng được quy hoạch. Hiện nay, chúng tôi cũng đang tham mưu cho lãnh đạo địa phương trong vấn đề này, bởi vì sản xuất hữu cơ không chỉ trong phạm vi hẹp mà bị tác động với rất nhiều yếu tố môi trường, đặc biệt là môi trường của dòng sông. Chúng tôi cũng đã đề xuất và hiện nay tỉnh Hải Dương đã có những chiến lược để có thể bảo vệ dòng sông Thái Bình.
Bên cạnh đó, phải có sự vào cuộc của chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền với người dân, để cho người dân thấy được hiệu quả kinh tế. Rút kinh nghiệm từ xã An Thanh, ban đầu người nông dân chưa hiểu về mô hình sản xuất hữu cơ này nên rất khó khăn trong việc thuyết phục. Nhưng sau vài năm, khi thấy hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường, hầu hết người dân đã sẵn sàng tham gia và chuyển đổi từ mô hình canh tác thâm canh trước đây sang mô hình mới. Hiện tại, khoảng 50% diệt tích canh tác của xã đã được chuyển đổi sang mô hình mới.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có suy nghĩ đến vấn đề chế biến thành phẩm để có thể phát triển xa hơn như là xuất khẩu, tiếp tục mở rộng các kênh phân phối. Tuy nhiên, hiện sản phẩm mới chỉ là gạo thô nên chúng tôi đang nghiên cứu vấn đề, phát triển các sản phẩm chế biến từ gạo.
- Trân trọng cảm ơn ông!