Chuyện làm ăn

Khởi đầu cho thời kỳ tăng trưởng mới

Hạnh Lê thực hiện 01/09/2024 00:12

Trao đổi với DOANH NHÂN, ông Nguyễn Việt Hà - Tổng Giám đốc PepsiCo Foods Việt Nam cho biết: PesiCo Foods đang hướng đến thiết lập chuẩn mực kinh doanh đạo đức và bền vững cho cam kết gắn bó lâu dài, tăng trưởng ổn định tại Việt Nam.

PepsiCo Foods Việt Nam vừa khởi công xây dựng nhà máy sản xuất thực phẩm với tổng đầu tư 90 triệu USD, công suất hơn 20.000 tấn snack/năm, hướng tới sử dụng 100% năng lượng tái tạo.

TGĐ PepsiCo VN_NVH
TGĐ PepsiCo VN_NVH

- Những lợi thế cạnh tranh của PepsiCo Foods khi nhà máy mới đi vào hoạt động là gì, thưa ông?

Đầu tư nhà máy mới ở Hà Nam sẽ gia tăng lợi thế cạnh tranh trong hệ thống phân phối của PepsiCo Foods giúp chúng tôi mang sản phẩm tươi mới, giòn ngon từ cánh đồng canh tác an toàn đến người tiêu dùng trong và ngoài nước một cách nhanh chóng. Nhờ vậy, PepsiCo Foods nâng cao năng lực cung ứng, gia tăng sự linh hoạt và rút ngắn thời gian trong phân phối hàng hóa, đặc biệt tập trung phát triển cho khu vực miền Bắc và xuất khẩu tới các thị trường khó tính ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Với việc giảm thiểu trung chuyển hàng hóa (hiện từ nhà máy Bình Dương ra miền Bắc), chúng tôi tối ưu hóa chi phí vận hành, giảm khí thải góp phần bảo vệ môi trường. Đồng thời, áp dụng số hóa và chuyển đổi công nghệ mới trong quản lý chuỗi cung ứng, doanh nghiệp sẽ gia tăng hiệu quả vận hành, giảm thiểu sai sót và tổn thất; kiến thức và tay nghề của người lao động qua đó được nâng cao.

1i4lgrbqu_67nhj9.jpg
Vùng nguyên liệu khoai tây theo chuỗi khép kín được PepsiCo Foods phát triển tại khu vực miền Bắc.

- Gắn liền hoạt động mở rộng đầu tư nhà máy mới, PepsiCo Foods tiên phong từng bước phát triển vùng nguyên liệu cho tự chủ sản xuất. Tuy nhiên, những người đi đầu thường phải đối mặt với nhiều khó khăn, thưa ông?

Việc xây dựng vùng nguyên liệu khoai tây bền vững thông qua mô hình chuỗi giá trị tiên tiến đã được PepsiCo Foods thử nghiệm từ năm 2008 đến nay tại các tỉnh Tây Nguyên như Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Lắk giúp bà con cải thiện sinh kế, hướng người nông dân chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp truyền thống sang tư duy kinh tế nông nghiệp tại các tỉnh trọng điểm trồng khoai tây.

Thế nhưng, khác với các tỉnh Tây Nguyên, để có được diện tích trồng khoai lớn lên tới hàng chục hecta liền thửa ở các tỉnh phía Bắc quả là rất khó. Đồng thời, bà con nông dân ở đây có nhiều lựa chọn cây trồng khác thay vì trồng khoai tây công nghiệp bởi thực tế giá khoai tây giống khá cao lại khó bảo quản. Với quy mô như vậy, các quyết định đầu tư vào cơ giới hóa, các hệ thống tưới tiêu tự động, ứng dụng công nghệ sẽ cần nhiều tính toán và cân nhắc về hiệu quả hơn so với ở vùng nguyên liệu Tây Nguyên.

Nói đi thì phải nói lại, phát triển vùng nguyên liệu ở miền Bắc cũng có nhiều thuận lợi. Đó là yếu tố thời tiết, thổ nhưỡng phù hợp với giống khoai tây công nghiệp độc quyền của PepsiCo tại Việt Nam. Chưa kể, bà con nông dân miền Bắc rất cần cù, chịu khó, chuyên cần, ham học hỏi bên cạnh các tập quán canh tác rau màu tiên tiến và được cập nhật thường xuyên. Về lâu dài, chúng tôi mong muốn có thể mở rộng vùng nguyên liệu không chỉ phục vụ cho nhà máy tại tỉnh Hà Nam mà còn tiến tới xuất khẩu khoai tây ra các nước trong khu vực


- Các địa phương và bà con nông dân được thụ hưởng những lợi ích gì từ mô hình sản xuất khép kín này, thưa ông?

Chúng tôi ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm đầu ra mang lại sinh kế ổn định cho bà con nông dân trong thời gian dài, từ đó nâng cao chất lượng nghề nông vốn nhiều vất vả và biến động cũng như hình thành tư duy kinh tế nông nghiệp như tôi vừa trao đổi.

PepsiCo Foods và các đối tác công - tư đã triển khai mô hình sản xuất khoai tây khép kín, áp dụng các giải pháp công nghệ mới, sử dụng trang thiết bị hiện đại như máy quan trắc thời tiết kết nối trực tiếp tới điện thoại thông minh của nông dân quyết định lượng nước tưới theo dữ liệu thực tế, sử dụng máy bay không người lái theo dõi quá trình canh tác. Nhờ đó, năng suất thu hoạch khoai tây tăng 3 lần, đạt 23 - 26 tấn/ha (cao nhất là 54 tấn/ha), trong khi có thể tiết kiệm được 3.741 m3 nước cho mỗi hecta, giảm tỉ lệ xói mòn, tăng chất lượng dinh dưỡng trong đất, đảm bảo cho nông nghiệp tái tạo, bền vững.

- Có thể thấy, PepsiCo Foods đang hiện thực hoá chiến lược phát triển bền vững. Hệ sinh thái này tiếp tục được doanh nghiệp triển khai như thế nào trong thời gian tới, thưa ông?

Chiến lược phát triển bền vững Pep Positive (Pep tích cực) toàn cầu đã được thực hiện toàn diện tại Việt Nam với 3 trụ cột: từ nông nghiệp tái sinh cùng nông dân với các sáng kiến hỗ trợ cộng đồng, các quy trình sản xuất bền vững đến việc cung cấp sản phẩm chất lượng cao đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Theo đó, với trụ cột Nông nghiệp tích cực, chúng tôi hướng đến khôi phục sự bền vững của trái đất, đồng hành cùng nông dân phát triển nông nghiệp tái tạo, đạt nguồn cung ứng bền vững 100% vào năm 2030. Với trụ cột về Chuỗi giá trị tích cực, PepsiCo xây dựng chuỗi giá trị tuần hoàn và toàn diện thông qua các mục tiêu như đạt mức phát thải Net-Zero vào năm 2040, giảm lượng nước sử dụng trong sản xuất khoai tây, thay thế bao bì bền vững hơn cho sản phẩm, nhà máy mới hướng tới sử dụng 100% năng lượng tái tạo, áp dụng công nghệ tiên tiến tối ưu hóa năng lượng, giảm phát thải bụi và tiếng ồn. Với trụ cột về Lựa chọn tích cực, PepsiCo mong muốn phát triển các sản phẩm tốt hơn cho hành tinh và con người như giảm lượng đường, natri và chất béo bão hòa trong sản phẩm và cung cấp các lựa chọn lành mạnh hơn;…

- Trân trọng cảm ơn ông!

Hạnh Lê thực hiện