Đại đoàn kết dân tộc - cội nguồn sức mạnh của mọi thành công
Với tinh thần nhân văn cao cả, suốt cả cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không ngừng xây dựng, hoàn thiện một hệ thống quan điểm về đại đoàn kết dân tộc.
Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc là một bộ phận quan trọng hợp thành trong hệ thống tư tưởng của Người về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam.
Nghiên cứu toàn bộ di cảo của Người, chúng ta nhận thấy cụm từ “đoàn kết” được Người nhắc tới hơn hai ngàn lần, cụm từ “đại đoàn kết” được Người nhắc tới hơn tám mươi lần.
Điều đó nói lên sự quan tâm đối với vấn đề đoàn kết ở mọi điều kiện, mọi hoàn cảnh của lịch sử, đồng thời tỏ rõ tầm chiến lược tư tưởng đoàn kết của Người.
Đoàn kết có thể hiểu một cách đơn giản, đó là sự tập hợp, kết thành một khối thống nhất cùng hoạt động vì một mục đích chung nào đó. Còn đại đoàn kết là đoàn kết rộng rãi tức muốn nhấn mạnh tới thành phần, quy mô, lực lượng của khối đoàn kết.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói nhiều tới đoàn kết, đại đoàn kết, tuy nhiên chỉ một lần duy nhất Người định nghĩa về khái niệm đại đoàn kết: “Đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Đó là nền gốc của đại đoàn kết. Nó cũng như cái nền của nhà, cái gốc của cây. Nhưng đã có nền vững, gốc tốt, còn phải đoàn kết các tầng lớp nhân dân khác”.
Tư tưởng về đại đoàn kết tiếp tục được Chủ tịch Hồ Chí Minh cụ thể hóa hơn trong các cụm từ “đại đoàn kết toàn dân”, “đoàn kết toàn dân”, “đoàn kết dân tộc”, “toàn dân tộc ta đoàn kết”.
Tuy cách diễn đạt có thể khác nhau, nhưng nội hàm của các khái niệm trên đều thống nhất khi khẳng định lực lượng của khối đại đoàn kết là của toàn thể nhân dân Việt Nam.
Như vậy, đại đoàn kết dân tộc theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là đại đoàn kết các dân tộc, tôn giáo, giai cấp, mọi giới, mọi lứa tuổi, mọi vùng của đất nước, đoàn kết mọi thành viên trong đại gia đình dân tộc Việt Nam dù sống trong nước hay định cư ở nước ngoài thành một khối vững chắc trên cơ sở thống nhất về mục tiêu chung và những lợi ích căn bản.
Khi đề cập đến vị trí, vai trò của đại đoàn kết dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, đại đoàn kết dân tộc là một chiến lược cơ bản, nhất quán, lâu dài, là vấn đề sống còn, quyết định thành công của cách mạng.
Đó là chiến lược tập hợp mọi lực lượng, nhằm hình thành và phát triển sức mạnh to lớn của toàn dân trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù của dân tộc, của nhân dân.
Theo Người, đoàn kết làm nên sức mạnh và là cội nguồn của mọi thành công: “Đoàn kết là một lực lượng vô địch của chúng ta để khắc phục khó khăn, giành lấy thắng lợi”. “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công”.
Đại đoàn kết dân tộc trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ đơn giản là phương pháp tổ chức, tập hợp lực lượng, mà cao hơn là một bộ phận hữu cơ, một tư tưởng xuyên suốt trong đường lối chiến lược cách mạng.
Người khẳng định: “Đoàn kết là một chính sách dân tộc, không phải là một thủ đoạn chính trị”. Có thể nói, đoàn kết dân tộc vừa là điều kiện tiên quyết, sống còn đối với sự nghiệp cách mạng, đồng thời là tôn chỉ, mục đích, là nhiệm vụ hàng đầu mà sự nghiệp cách mạng cần hướng và đạt tới.
Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đại đoàn kết không phải là một chủ trương, một chiến lược xuất phát từ nguyện vọng, từ ý muốn chủ quan của lực lượng lãnh đạo mà là sự đúc kết những đòi hỏi khách quan của sự nghiệp cách mạng do quần chúng tiến hành.
Nếu như xuất phát từ nhu cầu của lực lượng lãnh đạo cách mạng, đại đoàn kết dân tộc sẽ chỉ dừng lại là một thủ đoạn chính trị nhằm đạt được mục đích, một ý đồ nhất định.
Ngược lại, nhìn nhận đoàn kết dân tộc như một đòi hỏi tự thân, khách quan của quần chúng nhân dân trong cuộc đấu tranh tự giải phóng thì đại đoàn kết là sự nghiệp của dân, do dân và vì dân.
Do đó, trong tiến trình lãnh đạo cách mạng, Người yêu cầu không được có bất cứ lúc nào lơ là nhiệm vụ xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.
Xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc không chỉ dừng lại trong nhận thức mà được cụ thể hóa trong mọi bước đi, giai đoạn phát triển của cách mạng, Người nói: “Ta đoàn kết để đấu tranh cho thống nhất và độc lập của Tổ quốc, ta còn phải đoàn kết để xây dựng nước nhà”.
Sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước là một công việc hết sức hệ trọng, to lớn và vô cùng khó khăn. Nhiệm vụ đó chỉ có thể thành công khi quy tụ được sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc vì đoàn kết mới tạo nên sức mạnh, tạo nên lực lượng hùng hậu có thể đương đầu và chiến thắng kẻ thù.
Thực tiễn cách mạng đã trả lời giữa đoàn kết và thành công có mối quan hệ chặt chẽ với nhau bởi phạm vi, mức độ, quy mô của thành công trước hết phụ thuộc vào chính quy mô và mức độ của khối đại đoàn kết.
Là người lãnh đạo tối cao cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức sâu sắc đoàn kết không chỉ tạo nên sức mạnh mà là vấn đề có ý nghĩa quyết định tới việc sống còn, thành bại, được mất trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù.
Để lý giải một nước Việt Nam nghèo nàn, lạc hậu lại có thể đương đầu và đánh bại một tên thực dân đầu sỏ có ưu thế tuyệt đối về vật chất, phương tiện chiến tranh, Người nói: “Toàn dân Việt Nam chỉ có một lòng: Quyết không làm nô lệ. Chỉ có một ý chí: Quyết không chịu mất nước. Chỉ có một mục đích: Quyết kháng chiến để tranh thủ thống nhất và độc lập cho tổ quốc".
Sự đồng tâm của đồng bào ta đúc thành một bức tường đồng vững chắc xung quanh Tổ quốc. Dù địch hung tàn, xảo quyệt đến mức nào, đụng đầu nhằm bức tường đó, chúng cũng phải thất bại.
Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã trả lời, có đoàn kết mới có thắng lợi, càng gặp kẻ thù lớn, càng khó khăn gian khổ bao nhiêu lại cần phải đoàn kết chặt chẽ, rộng rãi và vững chắc bấy nhiêu.