Tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong sử dụng dịch vụ công
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh mục tiêu chung là cắt giảm chi phí tuân thủ, thời gian thực hiện, tạo thuận lợi và phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp trong sử dụng dịch vụ công.
Sáng ngày 31/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị chuyên đề nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại TP Đà Nẵng. Lý giải lý do chọn Đà Nẵng là địa phương tổ chức hội nghị hôm nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Đà Nẵng là địa phương đi đầu về xây dựng chương trình chuyển đổi số.
Theo Thủ tướng Chính phủ, chủ trương xây dựng cải cách trên nền hành chính quốc gia có xây dựng chương trình chuyển đổi số. Trong đó, chuyển đổi số có 3 trụ cột là Chính phủ số, Xã hội số và Công dân số.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, chiến lược, ưu tiên hàng đầu để phát triển kinh tế số. Chuyển đổi số không những là kinh tế xã hội, mà còn đi vào các ngành nghề quan trọng khác, Và chuyển đổi số không phải vấn đề của một quốc gia, cơ quan, đơn vị cụ thể nào mà là vấn đề toàn cầu, toàn diện, toàn dân.
“Tuy nhiên, không có nghĩa là chuyển đổi số không có trọng tâm, trọng điểm. Chuyển đổi số trong cải cách nền hành chính Việt Nam lấy người dân làm trung tâm, trọng tâm. Và trong chuyển đổi số thì dịch vụ công và cung cấp dịch vụ công trực tuyến là trọng tâm”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai chuyển đổi số về dịch vụ công trực tuyến, cung cấp dịch vụ công trực tuyến và đạt được nhiều kết quả. Chuyển đổi số được thúc đẩy phát triển mạnh mẽ cả về khu vực công đến khu vực tư, từ Trung ương đến địa phương, chuyển đổi số đến từng ngõ gõ từng nhà và đến từng đối tượng.
Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ ra, bên cạnh việc đã làm tốt thì hạn chế bất cập còn nhiều, như nhận thức chung của các cấp lãnh đạo ở một số nơi chưa thay đổi đáp ứng với chuyển đổi số. Đồng thời, hạ tầng phục vụ chuyển đổi số chưa đồng bộ, có nơi có lúc còn khó khăn, nhất là vùng sâu vùng xa biên giới hải đảo thì hạ tầng số còn có hạn chế, hiệu quả triển khai dịch vụ công trực tuyến chưa đạt như kỳ vọng.
Cùng với đó là còn nhiều thách thức từ quá trình vận động, triển khai thực hiện, nguồn lực triển khai,... Ngoài ra, chuyển đổi số phải đáp ứng được yêu cầu hội nhập và phải hội nhập thế nào để vừa phát huy được sức mạnh của dân tộc, kết hợp với sức mạnh của thời đại nhất là vấn đề đang cần phải làm trong các lĩnh vực này.
Thay mặt cho địa phương tổ chức Hội nghị, ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng thông tin địa phương đã xác định “Chính quyền là tiên phong”, “Người dân và doanh nghiệp là trung tâm” và cung cấp dịch vụ công xem là nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể, Đà Nẵng đã triển khai nhiều dịch vụ công trực tuyến toàn trình sử dụng Nền tảng công dân số và Kho dữ liệu cá nhân, Kho dữ liệu kết quả thủ tục hành chính số thành phố, điều chỉnh quy trình thủ tục hành chính để triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình,...
Đà Nẵng cũng đã triển khai đa dạng hóa kênh, đối tượng nộp hồ sơ trực tuyến thông qua các mô hình: “Đại lý dịch vụ công trực tuyến”, Tổ công nghệ số cộng đồng, “Thôn, Tổ điện tử”,... Thực hiện giám sát, cảnh báo tình hình xử lý hồ sơ thủ tục hành chính từ Trung tâm giám sát điều hành thông minh và thông tin kịp thời đến Chủ tịch UBND thành phố, từng thủ trưởng cơ quan, đơn vị và đặc biệt cảnh báo, nhắc nhở về hồ sơ sắp đến hạn, quá hạn trả kết quả.
Tại Hội nghị, TP Đà Nẵng đề xuất, kiến nghị được phép thí điểm sử dụng công nghệ số, áp dụng công nghệ xác thực, nhận diện qua camera để tái cấu trúc quy trình thực hiện đối với thủ tục có quy định phải hiện diện tại cơ quan Nhà nước, hướng đến kết hợp Công nghệ số với dịch vụ công trực tuyến một phần để cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Đồng thời, cho phép thành phố thí điểm triển khai cấp bản sao y kết quả giấy từ kết quả số còn giá trị pháp lý trong Kho dữ liệu kết quả thủ tục hành chính số thành phố để giảm thực hiện, tiến đến bỏ các thủ tục hành chính cấp lại,...
Sau khi nghe ý các ý kiến từ địa phương, các bộ, ngành liên quan, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm về cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế; nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; quan điểm, định hướng và các nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới trong triển khai dịch vụ công trực tuyến.
Thông tin từ Thủ tướng Phạm Minh Chính, từ năm 2021 đến nay, Thủ tướng Chính phủ ban hành 9 Quyết định, 5 Chỉ thị chỉ đạo, điều hành để triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đến nay đã có 63/63 địa phương đã ban hành chính sách miễn, giảm phí, lệ phí trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Cùng với đó, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết TTHC tăng từ 90% năm 2022 lên 93% đến tháng 8/2024. Theo đánh giá của Liên Hợp Quốc năm 2022, dịch vụ công trực tuyến của Việt Nam xếp hạng 76/193, tăng 5 bậc so với năm 2020; dữ liệu mở xếp hạng 87/193, tăng 10 bậc so với năm 2020.
Tại Hội nghị, Thủ tướng chỉ rõ 1 mục tiêu, 2 trụ cột, 3 đột phá, 4 không và 5 tăng cường trong triển khai dịch vụ công trực tuyến. Trong đó, 1 mục tiêu chung là cắt giảm chi phí tuân thủ, thời gian thực hiện, tạo thuận lợi và phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp.
Với 2 trụ cột bao gồm kiên quyết cắt giảm thủ tục hành chính nội bộ và tạo thực hiện thuận lợi dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp. Với 3 đột phá sẽ là pháp lý hóa; số hóa; tự động hóa.
Cùng với đó, 4 không là không giấy tờ; không tiền mặt; không tiếp xúc nếu pháp luật không quy định; không để ai bị bỏ lại phía sau. Còn lại, 5 tăng cường bao gồm Tăng cường phân cấp phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, quy định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, từng cấp, từng ngành và tăng cường giám sát, kiểm tra - Tăng cường công khai, minh bạch, đơn giản hóa TTHC gắn với tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu - Tăng cường đầu tư hạ tầng số - Tăng cường đối thoại, xử lý vướng mắc phát sinh; đẩy mạnh kỷ luật, kỷ cương, đẩy lùi tiêu cực - Tăng cường kiến thức, kỹ năng số, phát triển nhân lực số đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thời gian tới, Thủ tướng trước hết yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải chủ động, tích cực triển khai các nhiệm vụ, nhất là phát huy vai trò người đứng đầu trong triển khai dịch vụ công trực tuyến.
Đồng thời, tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, trong đó rà soát, phát hiện, kịp thời sửa đổi, bổ sung những bất cập, mâu thuẫn trong hệ thống các quy định và văn bản quy phạm pháp luật và khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn. Cùng với đó là cắt giảm, đơn giản hóa tối đa các quy định kinh doanh, TTHC; cương quyết xóa bỏ cơ chế xin-cho; tạo môi trường công khai, minh bạch, trong sạch để cán bộ không mắc phải những sai phạm; tích cực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tiếp đó là tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến, đẩy mạnh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC. Thủ tướng cũng yêu cầu các đơn vị liên quan, địa phương tiếp tục quan tâm, đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu phục vụ chuyển đổi số quốc gia thông suốt, hiệu quả.
Song song, tiến hành tổng rà soát, đánh giá tình hình bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng đối với các hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý theo hướng dẫn của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông. Cuối cùng là đổi mới, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp.