Quản trị

Tiềm năng của Ranus

Quân Bảo 01/09/2024 02:30

Ranus xuất hiện tại Shark Tank mùa 7 với mô hình Print-on-Demand (PoD). Với tiềm năng thị trường và sự đầu tư vào công nghệ, vận hành, Ranus tự tin đến mức chỉ kêu gọi vốn 2%.

Theo người đồng sáng lập Phan Huy Hùng, website Ranus.vn kinh doanh theo mô hình PoD, giúp người dùng dễ dàng thiết kế và mua những sản phẩm được cá nhân hóa như áo thun, bình nước, túi tote, ốp lưng điện thoại, sticker và nhiều vật phẩm khác. Vì là PoD, vậy nên người dùng sẽ được tự thiết kế các hình dùng để in lên những vật phẩm này, sau đó đặt hàng. Khi nhận được đơn hàng, Ranus sẽ sản xuất và giao hàng trong ngày. Dù khách chỉ đặt 1 món, Ranus vẫn sản xuất và giao hàng như thường.

2.jpg
Ranus xuất hiện tại Shark Tank mùa 7 với mô hình Print-on-Demand

Anh Hùng rất tự tin vào Ranus, khẳng định đội nhóm của mình đã dành 4 năm phát triển công nghệ, vận hành ổn định website. Các khâu xử lý đơn hàng, sản xuất cũng được sắp xếp ổn định.

Anh đưa ra nhiều điểm mạnh của Ranus, chẳng hạn thư viện để người dùng tự do sáng tạo thiết kế trên website là do chính Ranus thiết kế. Không chỉ vậy, Ranus có năng lực tự động hóa cực cao, từ việc lựa chọn sản phẩm, thiết kế cho đến tự viết phần mềm để tích hợp vào máy móc. Nhờ tự động hóa nhiều nên chi phí sản xuất rẻ hơn nhiều. Đồng thời, Ranus cũng đầu tư vào tốc độ giao hàng, khách hàng đặt buổi sáng thì buổi chiều đã có thể nhận được hàng.

Chia sẻ về con đường tài chính của Ranus, Hùng cho biết trong 4 năm ấp ủ và phát triển, đội ngũ sáng lập đầu tư tổng cộng 12 tỷ đồng tiền mặt. Họ bắt đầu đi vào kinh doanh từ tháng 6 năm nay. Đến thời điểm xuất hiện trên Shark Tank, họ đạt doanh thu 200 triệu.

Ranus ước tính doanh thu 6 tháng cuối năm 2024 là 3 tỷ, lợi nhuận 400 triệu. Lợi nhuận gộp dự kiến 35%, lợi nhuận ròng từ 12 - 15%. Hùng khẳng định nếu doanh thu mỗi tháng đều đạt từ 500 triệu, thì Ranus có thể hòa vốn và có dòng tiền dương trong 2 tháng tới. Đồng thời họ mạnh dạn dự đoán doanh thu 2025 là 9 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần năm 2024.

Ranus còn ấp ủ một tham vọng lớn hơn, đó là mở rộng sang Mỹ trong năm 2025. Hàng hóa vẫn được sản xuất ở Việt Nam, sau đó giao hàng qua Mỹ với thời gian khoảng 5 ngày.

Lên Shark Tank, họ kêu gọi 2 tỷ đầu tư đổi lấy 2% cổ phần.

Dựa trên kết quả kinh doanh của Ranus, Shark Bình đề nghị đầu tư 6 tỷ lấy 20% cổ phần. Trong khi đó Shark Minh Beta đưa ra chiêu bài chuỗi rạp của mình. Theo lời Shark, chuỗi rạp Beta Cinemas của ông có tệp khách hàng trẻ, hợp với mô hình của Ranus nên hai bên có thể hợp tác với nhau. Ông đề nghị đầu tư in-kind, tức là đổi các giá trị như thuê mặt bằng, truyền thông với tổng giá trị 6 tỷ đồng đổi lấy 20% cổ phần.

Cuối cùng, sau những trao đổi và thương thảo, Hùng đồng ý đề nghị của Shark Minh Beta là đầu tư 2 tỷ in-kind lấy 5% cổ phần, khép lại một thương vụ thành công tiếp theo của Shark Tank mùa 7.

Tuy đi theo một mô hình không quá quen thuộc ở Việt Nam, thế nhưng Ranus vẫn hấp dẫn sự chú ý của các Shark và chốt deal thành công. Đó là bởi vì PoD là một mô hình rất có tiềm năng.

Giải thích một cách kỹ lưỡng hơn, PoD là mô hình kinh doanh nơi các sản phẩm được in sau khi khách hàng đặt hàng. Những công ty PoD thường sẽ cung cấp các dịch vụ bổ sung như vận chuyển hàng hóa, công cụ thiết kế trực tuyến, hoặc tích hợp liền mạch trên các nền tảng thương mại điện tử.

Có thể nói PoD là thị trường tỷ đô. Bởi vì theo thống kê, đến năm 2032 PoD dự kiến đạt giá trị 48,4 tỷ đô toàn cầu. Đã có nhiều doanh nghiệp thành công với mô hình này.

Chẳng hạn Printful, một công ty PoD có trụ sở tại Latvia, đã trở thành công ty tư nhân đầu tiên của quốc gia này bước lên hàng ngũ “kỳ lân”, đạt được định giá 1 tỷ USD sau khi nhận được 130 triệu đô tiền đầu tư từ Bregal Sagemount trong năm 2021. Kể từ khi ra mắt năm 2013, Prinful đã bán được hơn 32 triệu sản phẩm PoD. Năm 2020 ghi nhận sự phát triển vượt bậc, doanh thu tăng gần 80% và vượt 200 triệu đô. Hiện tại Printful sở hữu đội ngũ nhân viên trên toàn cầu với hơn 1.800 nhân sự.

Hoặc một cái tên khác cũng nổi bật không kém là Gelato. Cũng như Prinful, Gelato (Na Uy) trở thành kỳ lân vào năm 2021 sau khi nhận được 240 triệu đô tiền đầu tư, nâng định giá lên mức 1,05 tỷ đô. Gelato là một công ty phần mềm chuyên sản xuất các sản phẩm in ấn được cá nhân hóa, từ quần áo đến sách ảnh, hoạt động tại 32 quốc gia trên toàn thế giới.

Những thống kê và ví dụ này cho thấy PoD thực sự là một mô hình tiềm năng, những công ty nào đi đúng hướng có thể hốt bạc. Bản thân Ranus khi lên Shark Tank cũng rất dứt khoát khi chỉ kêu gọi 2 tỷ cho 2% cổ phần, phần nào thể hiện sự kỳ vọng và tự tin vào xu hướng và giá trị của mình.

Quân Bảo