Kinh tế địa phương

Kì 1: Nghị quyết 45 dẫn đường cho kinh tế Hải Phòng bứt phá

Minh Huệ 02/09/2024 6:44

Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045, là kim chỉ nam dẫn đường cho những mục tiêu, phát triển toàn diện của thành phố Cảng.

Ngày 24/01/2019 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 45-NQ/TW về xây dựng và phát triển Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Có thể nói, đây là sự kiện nổi bật, mở ra trang mới cho công cuộc phát triển của thành phố, tiếp nối những thành tựu trong quá trình 15 năm thực hiện Nghị quyết 32-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX.

1(3).jpg
Sau 5 năm Hải Phòng thực hiện Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị là quy mô kinh tế không ngừng mở rộng, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 9 năm liền đạt 12,6%/năm

Kim chỉ nam dẫn đường

Nhìn lại kinh tế Hải Phòng năm 2018, tổng sản phẩm toàn thành phố 16,25%, gấp 2,4 lần bình quân chung cả nước. Thu nhập bình quân đầu người đạt 4.277 USD. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 25,01%, gấp 2,5 lần bình quân chung cả nước. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt gần 96.500 tỷ đồng, tăng 28,08%; Sản lượng hàng qua cảng đạt trên 109 triệu tấn, tăng 18,43%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng trên 25,5%. Thu hút khách du lịch đạt gần 7,8 triệu lượt, tăng trên 16%. Thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài đạt gần 2,4 tỷ USD.

Sau 5 năm Hải Phòng thực hiện Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị là quy mô kinh tế không ngừng mở rộng, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 9 năm liền đạt 12,6%/năm. Kết quả này là động lực quan trọng để thành phố Hải Phòng tiếp tục các giải pháp hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng.

Quy mô kinh tế Hải Phòng không ngừng được mở rộng, duy trì vị trí thứ hai trong vùng Đồng bằng sông Hồng, sau thủ đô Hà Nội. GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt trên 7.800 USD/người, gấp 1,83 lần năm 2018 và bằng 1,87 lần so với cả nước, đứng thứ 2 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2019 - 2023 tăng trưởng bình quân đạt 6,96%/năm, gấp 1,88 lần bình quân chung cả nước. Hải Phòng liên tục nằm trong danh sách các địa phương dẫn đầu về thu hút FDI toàn quốc.

Theo ông Nguyễn Hồng Sơn - Phó Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương: Sau 5 năm triển khai Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị, nhiều kế hoạch, chương trình, đề án được ban hành; nhiều nguồn lực được bố trí để triển khai, nhất là các lĩnh vực mũi nhọn. Vai trò là trung tâm kinh tế - xã hội lớn của Hải Phòng đối với vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước tiếp tục được khẳng định.

Còn PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, những kết quả Hải Phòng đạt được sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 45 là “khác thường”, chưa nơi nào làm được như Hải Phòng. Trong 5 năm qua, nền kinh tế thế giới và trong nước bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID19, thế giới đứt gãy chuỗi kết nối. “Trong bối cảnh nhiều khó khăn, tăng trưởng ở mức 12,6% là sự nỗ lực rất lớn của Hải Phòng”.

“Cú hích” để thành phố cảng đột phá

Sau khi Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 45-NQ/TW, Cơ cấu kinh tế Hải Phòng chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đô thị hoá. Mô hình tăng trưởng chuyển mạnh từ chiều rộng sang chiều sâu. Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội; có nhiều đóng góp cho phát triển tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, liên kết vùng và phát triển kinh tế đối ngoại.

Nghị quyết nhấn mạnh: Hải Phòng đã khẳng định được là thành phố cảng, đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc; hệ thống cảng biển, hạ tầng giao thông được đầu tư mạnh, có bước phát triển đột phá theo hướng đồng bộ, hiện đại. Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch đạt kết quả tích cực. Trên tinh thần tận dụng cơ hội mở rộng thị trường trong nước và quốc tế, đẩy mạnh thu hút đầu tư, tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển nhanh, bền vững.

Bí thư Thành uỷ Hải Phòng Lê Tiến Châu nhận định: Nghị quyết 45 ra đời là kim chỉ nam cho sự phát triển của Hải Phòng với những định hướng rất rõ ràng, cụ thể, những cơ chế, chính sách đủ mạnh để thành phố phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, bứt phá mạnh mẽ.

Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 45, Hải Phòng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hải Phòng từng bước khẳng định vai trò trung tâm kinh tế - xã hội lớn của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước. Nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đạt nhiều kết quả ấn tượng, là điểm sáng trong bức tranh chung của cả nước.

Tuy nhiên, Bí thư Thành uỷ Hải Phòng Lê Tiến Châu thẳng thắn nhận định vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 45 gồm cả khó khăn nội tại và khó khăn thuộc về cơ chế chung.

Trong đó, phải kể đến Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải hiện nay đã lấp đầy khoảng hơn 80% đất công nghiệp, việc phát triển các khu, cụm công nghiệp tiến độ còn chậm, nên dư địa để thu hút đầu tư còn ít, không đáp ứng nhu cầu thu hút đầu tư, nhất là các dự án lớn. Hệ thống cơ chế chính sách đặc thù, thúc đẩy phát triển còn khá khiêm tốn. Sự đầu tư cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo còn chưa tương xứng với nhu cầu.

Khơi thông động lực tăng trưởng

Mới đây, Hải Phòng vừa hoàn thành Đề án thành lập Khu kinh tế (KKT) ven biển phía Nam Hải Phòng, trình Chính phủ xem xét, phê duyệt chủ trương. KKT mới có những lợi thế vượt trội với kết nối từ sân bay quốc tế Tiên Lãng, cảng biển nước sâu Nam Đồ Sơn và định hướng phát triển thành KKT sinh thái thế hệ 3.0.

Theo ông Lê Trung Kiên – Trưởng Ban Quản lý KKT Hải Phòng, khu vực công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang là động lực tăng trưởng chính của kinh tế Hải Phòng 10 năm qua. KKT Đình Vũ – Cát Hải (thành lập năm 2008) đã phát triển tương đối hoàn thiện, hiện nay tỷ lệ lấp đầy gần 80%.

2(5).jpg
Ông Lê Tiến Châu - Bí thư Thành ủy Hải Phòng thăm và làm việc Doanh nghiệp FDI

Khoảng 3 năm gần đây, Hải Phòng chưa có thêm khu công nghiệp mới hình thành. Hiện, KCN Tiên Thanh còn chậm triển khai do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; KCN và khu phi thuế quan Xuân Cầu mới được khởi công xây dựng. Trong khi do vị trí gần biển, KKT Đình Vũ - Cát Hải chưa phù hợp để thu hút các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp chip, bán dẫn, điện tử do hơi nước biển làm giảm chất lượng của các sản phẩm điện tử.

Nếu không có bước đi đột phá để hình thành những dự án mới, tăng trưởng GRDP của thành phố khó đạt mức bình quân 13,5% một năm cho giai đoạn 2021-2030 như mục tiêu đã đặt ra. Do đó, theo Ban Quản lý KKT Hải Phòng, nhiệm vụ rất cấp thiết đặt ra phải khơi thông động lực tăng trưởng mới, bảo đảm cho sự phát triển của thành phố trong 10 - 20 năm tới. Từ đó, Hải Phòng đã gấp rút hoàn thành Đề án thành lập KKT ven biển phía Nam Hải Phòng trình Trung ương xem xét, phê duyệt trong năm 2024.

Theo đề án được xây dựng, KKT phía Nam Hải Phòng rộng khoảng 20.000 ha, nằm trên địa bàn của 22 xã, phường thuộc 5 quận huyện. Dự kiến, kinh phí để lập KKT phía Nam Hải Phòng là khoảng 400.000 tỷ đồng đến 600.000 tỷ đồng, từ ngân sách và các nguồn vốn khác. Trong đó, phần vốn Bộ Giao thông Vận tải đầu tư để đầu tư hệ thống công trình dùng chung của cảng Nam Đồ Sơn khoảng 30.000 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm hiện tại, Hải Phòng hoàn thành Đề án thành lập KKT ven biển phía Nam Hải Phòng để trình Chính phủ và các bộ, ngành xem xét, phê duyệt. Cùng với đó, Hải Phòng đã có những bước chuẩn bị, xúc tiến đầu tư, thu hút các tập đoàn lớn trong và ngoài nước tham gia các dự án hạ tầng lớn trong KKT như sân bay quốc tế Tiên Lãng, cảng Nam Đồ Sơn...

Bí thư Thành uỷ Hải Phòng Lê Tiến Châu nhận định: Việc thành lập KKT mới sẽ là cú hích quan trọng đối với sự phát triển của thành phố, là giải pháp căn cơ để Hải Phòng “dọn tổ” đón “đại bàng” - những nhà đầu tư lớn trong tương lai. Việc thành lập KKT mới cũng nằm trong lộ trình phát triển thành phố Cảng theo đúng tinh thần Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị.

Quy hoạch TP Hải Phòng thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1516/QĐ-TTg xác định rõ khâu đột phá về phát triển cảng biển và dịch vụ logistics là “thành lập KKT ven biển phía Nam Hải Phòng, trong đó nghiên cứu khu thương mại tự do với những cơ chế, chính sách đột phá, nổi trội đang được áp dụng tại các khu thương mại tự do thành công trên thế giới”.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Hải Phòng vừa hoàn thành Đề án thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng trình Chính phủ xem xét, phê duyệt chủ trương. Để phát triển Hải Phòng theo mục tiêu Bộ Chính trị đã đặt ra tại Nghị quyết 45, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Hải Phòng cần xây dựng, hoàn thiện và kiến nghị Trung ương sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố trong giai đoạn tới; trọng tâm là cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội.

Minh Huệ