Hiệp định EVFTA: Thúc đẩy thu hút đầu tư từ EU vào Việt Nam
Hiệp định EVFTA đã củng cố sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư châu Âu và thúc đẩy đáng kể xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này.
Liên minh châu Âu (EU) là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam với rất nhiều ngành hàng công nghiệp chủ lực cũng như nông sản, thực phẩm mà Việt Nam có thế mạnh. Theo đó, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới giúp cho việc kết nối Việt Nam với nền kinh tế của 27 nước thành viên của EU, các cam kết ở rất nhiều lĩnh vực và mức độ cam kết cao hơn hầu hết các FTA Việt Nam đã ký kết.
Kết quả khảo sát tác động của Hiệp định EVFTA sau 4 năm thực thi do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố ngày 31/7 cho thấy, EVFTA đã thúc đẩy đáng kể xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu, tăng vọt từ 35 tỷ euro vào năm 2019 lên tới hơn 48 tỷ euro vào năm 2023. Sự tăng trưởng được thể hiện rõ trong các lĩnh vực như điện tử, dệt may, giày dép, nông nghiệp và hải sản. Riêng mức xuất khẩu của EU sang Việt Nam tăng từ 11 tỷ euro lên 11,4 tỷ euro trong cùng kỳ.
Đặc biệt, Hiệp định EVFTA đã củng cố sức hấp dẫn của Việt Nam đối với nhà đầu tư châu Âu như khối Liên minh châu Âu (EU) đã rót 28 tỷ euro vào 2.450 dự án, cho thấy niềm tin vào tiềm năng của Việt Nam.
Có thể thấy, Hiệp định EVFTA có hiệu lực đối với Việt Nam kể từ ngày 1/8/2020 đã giúp hàng hóa Việt Nam tận dụng tốt cơ hội tiếp cận và thâm nhập thị trường EU, nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua ưu đãi thuế quan, hưởng thuế suất ưu đãi từ Hiệp định.
Về vấn đề này, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) nhận định, trong bối cảnh địa chính trị phức tạp như hiện nay việc EU đa dạng hóa các thị trường, đa dạng hóa chuỗi cung ứng là một điều tất yếu. EU có xu hướng dịch chuyển đầu tư sang các thị trường có môi trường chính trị ổn định, môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi và có lợi thế tiếp cận các thị trường trên thế giới. Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi từ xu thế này.
Một điểm đáng chú ý trong xu thế này là việc thực thi Hiệp định EVFTA không chỉ thu hút đầu tư của các doanh nghiệp EU mà còn thu hút những doanh nghiệp ngoài Châu Âu đầu tư vào Việt Nam sản xuất nhằm tận dụng ưu đãi thuế theo EVFTA để xuất khẩu hàng hóa sang châu Âu.
Thời gian qua đã có nhiều nhà sản xuất cà phê không chỉ của châu Âu mà còn từ Mỹ hay các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương như: Singapore, Ấn Độ… đầu tư vào Việt Nam để có sản phẩm Made in Việt Nam xuất sang châu Âu được hưởng lợi rất lớn từ thuế giảm theo EVFTA.
Đồng quan điểm, bà Đào Thu Trang, Trưởng Bộ phận Tư vấn Chiến lược phát triển thị trường, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam khẳng định, EVFTA là một điểm nhấn thu hút đầu tư từ EU, trong đó, có đầu tư từ Đức vào Việt Nam.
Theo bà Trang, để gia tăng thương mại, đầu tư EU vào Việt Nam, các cơ quan quản lý cần tăng cường hiệu quả thực thi hiệp định, xây dựng và sửa đổi những văn bản luật liên quan. Cùng đó, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp địa phương, doanh nghiệp Việt Nam ưu tiên phát triển các chuỗi cung ứng uy tín và bền vững.
Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam có những chiến lược, chính sách phát triển nguồn nhân lực có tay nghề, kỹ năng để giúp cho doanh nghiệp của Đức, các nhà đầu tư Đức và nhà đầu tư của châu Âu yên tâm trong vấn đề phát triển lâu dài và bền vững tại thị trường Việt Nam…
Đặc biệt, đẩy mạnh phát triển năng lượng xanh, các ngành công nghiệp, công nghệ thân thiện với môi trường năng lượng hiệu quả, đáp ứng nhu cầu và quy định mà châu Âu đề ra với xuất khẩu từ Việt Nam.
Đánh giá cao vài trò của Hiệp định EVFTA, ông Stefan Stantejsky, phụ trách khu vực Châu Á và Châu Đại Dương, Phòng Kinh tế Áo (WKÖ) khẳng định, EVFTA đã đưa quan hệ thương mại giữa EU và Việt Nam lên một tầm cao mới. Đây là một hiệp định rất toàn diện, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thâm nhập thị trường và giúp các sản phẩm của Áo cạnh tranh hơn tại Việt Nam, và ngược lại.
Theo quan điểm của Áo, Hiệp định EVFTA rất phù hợp trong việc hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các công ty Áo. Bên cạnh việc xóa bỏ thuế quan, EVFTA còn mang lại một số lợi ích khác, ví dụ như tự do hóa dịch vụ và mua sắm, giảm các rào cản thương mại phi thuế quan khác, cũng như các mục tiêu thương mại và phát triển bền vững.
Song song với những lợi ích, ông Stefan Stantejsky chia sẻ, việc triển khai EVFTA là một quá trình liên tục và cần phải nỗ lực hơn nữa để đưa tất cả các điều khoản của EVFTA vào thực tế và xóa bỏ các rào cản gia nhập thị trường đối với các sản phẩm châu Âu tại Việt Nam.