Quản trị

Pingti: Mặt trái của “công xưởng thế giới”

Quân Bảo 04/09/2024 03:04

Trung Quốc, “công xưởng của thế giới”, các thương hiệu nổi tiếng toàn cầu đều đặt sản xuất ở đây. Và thế là xuất hiện những sản phẩm “y hệt” hàng xa xỉ, cả hình thức lẫn chất lượng, chỉ thiếu có mỗi biểu trưng.

Vấn nạn hàng nhái không phải là điều mới lạ ở các quốc gia, đáng nói ở đây là loại mặt hàng chất lượng tương đương hàng thật, với mức giá chỉ bằng một phần nhỏ so với hàng thật.

gettyimages-2165113017-e1724993468749.jpg
Một nhãn hiệu "pingti" với giá chỉ bằng 1/4 hàng "nguyên bản" Lululemon

“Pingti” là cách người Trung Quốc gọi tên các mặt hàng “tương tự hàng hiệu”, cũng có giá tương đối cao nhưng sử dụng vật liệu và tay nghề thủ công chất lượng tương tự các thương hiệu cao cấp toàn cầu - chỉ mỗi không có biểu trưng. Sự gia tăng nhanh chóng của "Pingti" là mối đe dọa mới đến các thương hiệu, tác động đến tính độc quyền thương hiệu và có nguy cơ tổn hại đến sự tăng trưởng của họ trên thị trường trong tương lai.

Ở Trung Quốc, hầu hết mọi người đều dễ dàng tìm thấy các mặt hàng “pingti” trên mạng. Hàng triệu video trên mạng xã hội “khen nức nở” về mức giá và chất lượng hàng “tương tự” của các vlogger. Với “pingti”, người mua có thể dễ dàng đặt hàng & nhận được hàng chỉ trong vòng vài ngày.

Sitoy - một trong những nhà bán lẻ pingti nổi tiếng nhất cho biết: chất lượng những chiếc túi xách trị giá 100 đô la của họ gần như giống hệt với những chiếc túi xách được bán với giá hơn 1.000 đô la vì chúng cùng dây chuyền sản xuất với mặt hàng của các thương hiệu xa xỉ như Prada, Tumi và Michael Kors.

Chicjoc - một trong những nhãn hiệu thời trang Trung Quốc lớn nhất trên Taobao và Tmall, khẳng định sản phẩm của họ được làm từ lông động vật tại Copenhagen - cùng một nhà cung cấp cho LVMH và Fendi. Ngoài ra, Chicjoc cũng sản xuất áo khoác dạ trị giá 3.200 nhân dân tệ (450 đô la) với tuyên bố sản phẩm làm từ vải của Ý, cùng nhà cung cấp vải với Prada SpA và Bottega Veneta. Theo dữ liệu của Zhiyi, doanh số hàng năm trên Taobao của công ty này là khoảng 1 tỷ nhân dân tệ.

Không chỉ có hàng may mặc, mặt hàng mỹ phẩm cũng có “pingti”. Chai Tinh chất điều trị da mặt 330ml bán chạy nhất của hãng mỹ phẩm Nhật Bản SK-II, có thành phần lên men tự nhiên, được bán với giá gần 1700 nhân dân tệ. Trong khi đó bản sao của Trung Quốc có thành phần tương tự, chỉ có giá 569 nhân dân tệ.

pradareedition-ways-emailblog.jpg
Hàng pingti được quảng cáo dùng da của cùng nhà cung cấp của Prada

Sở dĩ "Pingti" trở nên phổ biến rộng rãi trên thị trường xứ Trung là vì nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu suy thoái kể từ năm ngoái. Người tiêu dùng có xu hướng chi tiêu cho những mặt hàng có giá trị thực với mức giá hợp lý.

Blair Zhang, nhà phân tích thời trang và hàng xa xỉ cho biết: “Hiểu biết của người tiêu dùng Trung Quốc về hàng xa xỉ đang thay đổi, không còn tư duy truyền thống cho rằng một chiếc túi xách xa xỉ có thể thể hiện địa vị hay uy tín nữa. Với xu hướng chi tiêu thận trọng hiện nay, họ không còn tin tưởng mù quáng vào các thương hiệu nổi tiếng. Thay vào đó, họ quyết định mua sắm hợp lý hơn bằng việc lựa chọn các sản phẩm thay thế giá rẻ”.

Như một tất yếu, một số thương hiệu nước ngoài có sản phẩm mà họ bắt chước đã chứng kiến ​​mức tăng trưởng chậm hơn hoặc suy giảm trên các nền tảng thương mại điện tử, có thể kể đến Nike và Uniqlo.

Đứng trên góc độ người tiêu dùng, "Pingti" được đánh giá cao tại thị trường Trung Quốc. Chẳng hạn cô Ding Xiaoying đã ngừng chi hàng nghìn đô la cho các nhãn hiệu xa xỉ. Thay vào đó, cô mua những bộ đồ ngủ và áo sơ mi “pingti” của Victoria's Secret được thiết kế “ăn theo” các sản phẩm của Ralph Lauren và Kering SA’s Bottega Veneta.

Cô chia sẻ cảm nhận: “Những sản phẩm này nằm ngoài mong đợi của tôi. Tôi bắt đầu tin tưởng vào chất lượng của chúng và thậm chí mong muốn công ty có sản phẩm thiết kế riêng để tránh bị kiện là hàng nhái".

Jessica Wang, một lập trình viên tài chính 45 tuổi, đã chi 3.700 nhân dân tệ để mua một chiếc pingti của chiếc ví Hermès Lindy từ một người bán hàng trên WeChat, trong khi chiếc ví chính hãng của được bán với giá hàng nghìn đô la.

Wang cho biết: "Chất lượng chiếc ví nằm ngoài mong đợi của tôi: Da rất mềm, đường khâu tinh tế và bao bì đẹp, gọn gàng. Tôi sẽ đặt mua thêm những chiếc túi khác từ cửa hàng đó".

Với sự phát triển chóng vánh này, không rõ liệu những nhà sản xuất hàng “ăn theo” nội địa Trung mới nổi có thể trụ vững như những gã khổng lồ toàn cầu mà họ đang sao chép hay không.

Cùng với đó là những bất cập mới phát sinh. Những người bán hàng giả giá rẻ cố gắng chen chân vào các kênh pingti. Kênh bán hàng trực tuyến & mạng xã hội Trung Quốc không được giám sát chặt chẽ, gây ra tình trạng hàng hoá người mua nhận được có thể không giống với quảng cáo. Cũng không có hình phạt nào từ thương mại điện tử và nền tảng mạng xã hội đối với những người bán hàng gian dối. Dù sao thì đây cũng là một trào lưu mới nổi và sẽ có những điều chỉnh trong tương lai gần.

Quân Bảo